Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu xanh xa tầm với của nhiều doanh nghiệp lớn

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn trong hàng loạt lĩnh vực trên toàn cầu cho biết, không thể đạt được các mục tiêu giảm khí thải nhà kính như kế hoạch. Các thách thức được kể đến là thiếu sự hỗ trợ chính trị, pháp lý cho các mục tiêu giảm phát thải và chậm triển khai các công nghệ khí hậu mới.

Nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu đã bỏ lỡ hoặc chủ động từ bỏ các mục tiêu khử carbon tham vọng như cam kết trước đây. Ảnh: FT/Getty

Hàng trăm công ty dừng cam kết về mục tiêu khử carbon

Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever, ngân hàng Bank of America và tập đoàn dầu khí Shell đã bỏ lỡ hoặc từ bỏ các mục tiêu cắt giảm khí thải cũng như thu hẹp tiếp xúc với các lĩnh vực gây ô nhiễm nhất.

Hầu hết những doanh nghiệp này đều biện minh bằng lời phàn nàn chung là các yếu tố chính trị và quy định quản lý, nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, đang làm chậm lộ trình hướng đến các mục tiêu xanh. Cụ thể, các rào cản bao gồm sự thất bại của trong việc thiết lập tiêu chuẩn và quy định rõ ràng, sự hỗ trợ không đầy đủ của các chính phủ và sự chậm trễ trong việc triển khai các công nghệ khí hậu mới.

Thậm chí, một số chính phủ cũng nhận thấy khó đạt được các mục tiêu khí hậu. Hồi tháng 4, chính phủ Scotland tuyên bố từ bỏ mục tiêu giảm phát thải carbon 75% vào năm 2030 và giải thích rằng, mục tiêu này vượt quá tầm tay do sự chậm trễ trong việc xây dựng kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu.

Hồi đầu tháng 6, các cố vấn khí hậu của chính phủ Đức cảnh báo, mục tiêu giảm phát thải 65% vào năm 2030 so với năm 1990 của Đức có thể nằm ngoài tầm với.

Hiện tại, các doanh nghiệp lớn đặt các mục tiêu khử carbon ban đầu ở mức tương đối thấp. Theo báo cáo nghiên cứu chung của hai tổ chức phi lợi nhuận NewClimate Institute và Carbon Market Watch, mục tiêu trung bình của 51 doanh nghiệp lớn trên toàn cầu là cắt giảm lượng khí thải chỉ 30% vào năm 2030.

Trong khi đó, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ước tính, cần cắt giảm 43% lượng khí thải toàn cầu vào cuối thập niên này để bảo đảm nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp, được các nước cam kết trong Thỏa thuận Paris năm 2015.

Theo Rachel Whittaker, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư bền vững của Công ty quản lý tài sản Robeco (Hà Lan), nhiều doanh nghiệp hào hứng đặt ra mục tiêu xanh mà không ước tính sẽ mất bao nhiêu công sức để đạt được.

Kể từ sau Thỏa thuận Paris, hàng loạt doanh nghiệp tuyên bố các mục tiêu cao cả về khí hậu. Các tuyên bố như vậy lên đỉnh điểm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và trong các cuộc đàm phán tại hội nghị khí hậu COP26 của Liên hợp quốc ở Glasgow, Scotland vào cuối năm 2021.

Hơn 10.000 công ty trên toàn cầu cam kết cắt giảm khí thải để hưởng ứng cuộc vận động toàn cầu đưa phát thải carbon ròng về mức zero, có tên gọi “Race to Zero”, được Liên hợp quốc hậu thuẫn.

Hồi tháng 3, hàng trăm công ty trong số này gồm Microsoft và Unilever bị tổ chức Sáng kiến ​​mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi) loại bỏ khỏi quy trình xác nhận. SBTi, cơ quan thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho mục tiêu khí hậu của doanh nghiệp nhận thấy, những công ty này đã dừng các mục tiêu khử carbon có ý nghĩa như cam kết vài năm trước đó.

Trong khi đó, nhiều công ty khác cũng đang buông các mục tiêu khí hậu, thể hiện bằng việc doanh nghiệp không còn hào hứng phát hành trái phiếu liên kết bền vững (SLB).

SLB được thiết kết để buộc doanh nghiệp trả lợi suất cao hơn nếu không đạt được các mục tiêu khử carbon như đã thỏa thuận với chủ nợ. Theo phân tích của ngân hàngBarclays, lượng phát hành toàn cầu của loại trái phiếu này đã giảm xuống chỉ còn 9,2 tỉ đô la Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2024 so với mức đỉnh gần 100 tỉ đô la vào cùng kỳ năm 2021.

Lượng phát hành toàn cầu của trái phiếu liên kết bên vững giảm xuống chỉ còn 9,2 tỉ đô la Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2024 so với mức đỉnh gần 100 tỉ đô la vào cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Financial Times

Nhiều thách thức cản trở tham vọng khí hậu

Unilever vẫn đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng trong chuỗi giá trị về zero (Net-Zero) vào năm 2039. Tuy nhiên, hồi tháng 4, công ty thông báo loại bỏ các mục tiêu tham vọng gồm cắt giảm ô nhiễm nhựa và bảo tồn đa dạng sinh học. Hein Schumacher, CEO của Unilever, giải thích công chưa sẵn sàng cho các mục tiêu này.

“Khi các mục tiêu ban đầu được đặt ra, chúng tôi có thể đã đánh giá thấp quy mô và độ phức tạp của những gì cần làm để biến chúng thành hiện thực”, ông nói.

Lo ngại về mối đe dọa pháp lý từ cơ quan quản lý hoặc các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng có thể đã thúc đẩy Unilever hạ thấp tham vọng khí hậu. Một vài tháng trước khi Unilever thông báo rút lại một số mục tiêu xanh, cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh mở cuộc điều tra xem liệu những tuyên bố về lợi ích môi trường của Unilever đối với các sản phẩm tẩy rửa và tắm rửa có phù hợp với thực tế hay không.

Chậm triển khai công nghệ năng lượng sạch được xem là một trong những rào cản hành động trong một số ngành. Barend van Bergen, giám đốc phát triển bền vững của hãng dược Roche (Thụy Sĩ), cho biết việc sưởi ấm các tòa nhà và cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất sạch vẫn là thách thức với công ty. Các kỹ sư và nhà cung cấp của Roche vẫn đang khám phá tiềm năng của sinh khối, khí sinh học và các loại nhiên liệu sạch khác.

Lo ngại về sự sẵn có của năng lượng sạch là một vấn đề khác. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, hoạt động triển khai năng lượng tái tạo trên toàn cầu đang suy yếu do sự không chắc chắn về chính sách, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới điện và các rào cản trong việc xin giấy phép.

Kimberly-Clark, nhà sản xuất khăn giấy Kleenex và giấy vệ sinh Andrex của Mỹ, cho biết các hạn chế của lưới điện đang làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Điều này có thể khiến mục tiêu cung cấp năng lượng tái tạo hoàn toàn cho các cơ sở sản xuất của Kimberly-Clark ở Anh vào năm 2030 khó đạt được.

Trong khi đó, các công ty dầu khí cho rằng, không thể cắt giảm tổng lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn các ngành khác.

Khi tuyên bố từ bỏ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2035 hồi tháng 3, CEO Wael Sawan của Shell đổ lỗi cho sự không chắc chắn về quá trình chuyển đổi năng lượng ở nhiều nước.

Tại Mỹ, các tổ chức tài chính ở Mỹ trở nên thận trọng với tham vọng khí hậu khi các nhà chính trị đảng Cộng hòa chỉ trích các cam kết cắt giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Bank of America nằm trong số ở Bắc Mỹ đã hạ thấp các mục tiêu trong chính sách khí hậu. Trước thềm hội nghị COP26 ở Glasgow vào năm 2021, ngân hàng này đưa ra cam kết  không tài trợ trực tiếp cho các mỏ than nhiệt lượng cao mới, nhà máy nhiệt điện than mới hoặc các dự án khoan dầu khí ở Bắc Cực nữa.

Tuy nhiên, trong chính sách xã hội và môi trường mới nhất, Bank of America bỏ cam kết này và chỉ cho biết, các loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất sẽ phải chịu sự thẩm định nâng cao khi xét duyệt tài trợ.

Nhà đầu tư lớn muốn thấy bằng chứng hành động

Dù một số tập đoàn lớn rút lui, nhiều công ty khác vẫn tiếp tục âm thầm hướng tới mục tiêu Net-Zero. Dữ liệu mới của Energy & Climate Intelligence Unit, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London, cho thấy hơn 2/3 doanh thu hàng năm (tương đương 31 nghìn tỉ đô la Mỹ) của các công ty lớn nhất thế giới hiện nằm trong mục tiêu Net-Zero, thể hiện mức tăng 45% trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn đang yêu cầu các công ty đưa ra bằng chứng hành động hơn là tham vọng. Trong nhiều năm, các tổ chức như Climate Action 100+, gồm 700 nhà đầu tư lớn, thúc đẩy các công ty đặt ra mục tiêu Net-Zero và công bố rủi ro xung quanh phát thải khí nhà kính. Năm ngoái, tổ chức này chuyển trọng tâm giám sát, yêu cầu các công ty nêu rõ cách họ thực hiện các kế hoạch hành động chống biến khí hậu đó.

Những cách thức đo lường không nhất quán đối với tiến bộ giảm phát thải ở các công ty vẫn là nguyên nhân gây thất vọng cho nhà đầu tư. Calstrs, quỹ hưu trí ở bang California cam kết, các công ty mà quỹ này đầu tư sẽ đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050. Tuy hiên, hồi tháng 4, Calstrs đã trì hoãn công bố báo cáo khí hậu hàng năm do sự thiếu chính xác về cách tính toán lượng khí thải carbon trong danh mục đầu tư trị giá 331 tỉ đô la của quỹ này.

Theo Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới