(KTSG) - Seeding từ chỗ là một phương cách tiếp thị đúng chuẩn đã bị biến tướng, trở thành công cụ gian lận seeding “đen”. Điều đáng lo ngại hơn, seeding “đen” đang ngày càng lấn át seeding “trắng” với sự hỗ trợ của những công cụ tạo tương tác giả nhưng qua mặt được hàng rào kiểm tra của các nền tảng công nghệ.
Trong tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) thì seeding là cách “rải nội dung” trên Internet để tiếp cận người dùng, khách hàng thông qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội.
Phổ biến nhất hiện nay là seeding trên các mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook, YouTube và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) thông qua bình luận (comment), đánh giá (review) trong bài viết, sản phẩm nhằm tạo niềm tin, thu hút chú ý của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ đang quảng cáo.
Từ chỗ là một phương cách tiếp thị đúng chuẩn, thời gian gần đây trong không ít trường hợp bên cạnh seeding “trắng” đã xuất hiện tình trạng biến tướng, trở thành công cụ gian lận phức tạp và có mật độ hiện diện dày đặc (đen).
Không chỉ phát triển rất mạnh trên mạng xã hội, seeding “đen” đã lan sang các sàn TMĐT mà phổ biến nhất là đặt đơn hàng giả và đánh giá tốt ảo cho sản phẩm.
Số đẹp mà ảo từ phone farm
“Phone farm, click farm - bí quyết livestream ngàn đơn nhàn nhã”, “Miễn phí phần mềm nuôi nick người dùng Facebook số lượng lớn để tăng tương tác”, “Chỉ một click là quảng cáo sản phẩm dịch vụ trên 1.000 nhóm/ngày” … đó là những quảng cáo đang xuất hiện rất nhiều trên các mạng xã hội để chào bán phone farm.
Một số nhóm Facebook của cộng đồng phone farm, click farm có đến vài chục ngàn thành viên, giao dịch sôi động từ bán trọn hệ thống hay bán riêng phần cứng, phần mềm hoặc nhận cung cấp dịch vụ cho khách hàng lẻ.
Phone farm có nguồn gốc từ Trung Quốc, bắt đầu từ việc kết nối những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) cũ còn sử dụng được thành một hệ thống nối vào máy tính. Một phần mềm chuyên dụng trên máy tính sẽ điều khiển tất cả smartphone theo những kịch bản đã được tạo ra sẵn, chẳng hạn như tăng lượt xem (view) video livestream, tạo tương tác ảo như thích (like), bình luận (comment) theo kịch bản hoặc đặt hàng trong phiên livestream.
Các phần mềm điều khiển này còn có thể được dùng để đăng ký và duy trì các tài khoản mạng xã hội để tạo tương tác y như người thật phục vụ cho nhu cầu seeding “đen”. Điểm lợi hại của phone farm là dùng thẻ SIM điện thoại nên có thể tắt mở liên tục sóng 4G/5G theo lịch trình tự động, thông qua đó sẽ tạo ra địa chỉ IP kết nối mới để vượt qua hệ thống kiểm soát của các mạng xã hội.
Do hiện tại ở Việt Nam chưa có quy định pháp luật liên quan đến quản lý hay cấm phone farm nên các dịch vụ và hệ thống loại này vẫn được cung cấp, rao bán công khai trên mạng xã hội lẫn trên sàn TMĐT.
Được quảng cáo là dịch vụ hỗ trợ kinh doanh giúp tăng tương tác, tự động đăng bài bán hàng, tăng comment, like, view… nhưng mục đích sử dụng chủ yếu để tạo tương tác giả mà nói thẳng ra là gian lận, đánh lừa người xem bằng seeding “đen”.
Dù các nền tảng mạng xã hội liên tục rà soát để chống tương tác ảo nhưng các phần mềm phone farm cũng liên tục được cập nhật để qua mặt máy quét của Facebook, YouTube, TikTok… và rõ ràng đây là cuộc chiến chưa có hồi kết. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hậu quả khi xảy ra thì bên thuê dịch vụ seeding “đen” phải gánh chịu rất nặng nề như khóa tài khoản, khóa kênh, khóa trang khiến mất sạch tương tác, nội dung đã tốn nhiều công sức gầy dựng.
“Buff đơn” trên sàn thương mại điện tử
Thuật ngữ “buff đơn” mô tả việc đặt đơn hàng thật mà giả, nhằm giúp làm tăng số lượt bán hàng được ghi nhận công khai trên sàn TMĐT. Sau khi đơn hàng giả hoàn thành, người mua còn đánh giá ảo và chấm điểm cao cho shop. Ví dụ, với cùng một nhãn hàng cà phê Netslé 3 in 1 trên sàn TMĐT nhưng số lượt bán hàng đã bán của các nhà bán hàng có thể vài chục, vài trăm đến hơn cả ngàn sản phẩm. Các con số này sẽ được ghi ngay bên dưới hình ảnh sản phẩm (Đã bán 1.000, Đã bán 100 hay Đã bán 10) và người vào xem sẽ nghĩ mười phần chọn nhà có số Đã bán cao vì nghĩ rằng nhà bán hàng đó chắc bán hàng chất lượng nên được nhiều người chọn mua.
Ngoài dạng “buff đơn” đặt hàng và đánh giá tốt sản phẩm còn có người bán lợi dụng chính sách thưởng theo doanh số của sàn TMĐT trong các đợt khuyến mãi lớn để tạo đơn hàng giả. Người được thuê “buff đơn” sẽ được shop bán hàng chia tiền chênh lệch từ mã giảm giá của sàn.
Trên mạng xã hội đang có hàng trăm hội nhóm hoạt động rầm rộ để giao dịch “buff đơn”. Mức thù lao từ 5.000-20.000 đồng cho việc đặt một đơn hàng giả đã thu hút không ít người tham gia bất chấp hậu quả. Một số đầu nậu tổ chức những nhóm “buff đơn” tinh vi bằng cách hướng dẫn cho người đặt đơn hàng cách qua mặt hệ thống kiểm soát của sàn TMĐT, thậm chí cung cấp thêm những số điện thoại để khai trong đơn hàng tránh khỏi nhận cuộc gọi của shipper.
Hậu quả trực tiếp của seeding “đen” trong TMĐT là người mua có thể mua phải hàng kém chất lượng. Một ví dụ minh họa cụ thể là trên sàn TMĐT S. đang có nhiều shop bán robot hút bụi mini với giá chỉ khoảng 100.000 đồng. Lướt qua các shop bán mặt hàng này có thể thấy rõ dấu hiệu “buff đơn”: đã bán được gần 80.000 sản phẩm, nhận được 21.000 lượt đánh giá.
Khi nhìn thấy những con số này thì người mua sẽ có lòng tin đây là sản phẩm tốt, được nhiều người mua và số lượt nhận xét tốt (4 sao, 5 sao) rất cao, đến 18.000 trên tổng số 21.000 lượt.
Tuy nhiên nếu không bị mờ mắt vì chiêu seeding “đen” này, chịu khó tìm đọc trong số gần 1.500 đánh giá 1 sao, 2 sao thì sự thật sẽ phơi bày. Có vài trăm người đã quay phim, chụp ảnh sản phẩm nhận được khiếu nại nhiều vấn đề, từ hàng kém chất lượng không hút được bụi đến hư hỏng sau vài lần sử dụng. Có người còn nhận được máy không có chỗ gắn pin mà không được đổi lại máy khác.
Tuy nhiên, đáp lại các khiếu nại đó đều không được shop này trả lời và lịch sử đánh giá cho thấy shop này đã bị khiếu nại từ hơn một năm qua nhưng vẫn chưa bị sàn TMĐT xử lý. Thủ thuật đối phó của shop này là cứ sau một đánh giá điểm thấp họ sẽ tung ra một loại đánh giá “buff đơn” điểm cao để nhấn chìm các đánh giá xấu xuống dưới. Người mua bình thường khi xem các đánh giá ảo và thấy số lượng bán ra rất cao sẽ dễ dàng mắc bẫy và đặt đơn.
Nạn “buff đơn” trên các sàn TMĐT là một hình thức seeding “đen” gây thiệt hại cho người mua với hàng kém chất lượng, thiệt thòi cho người bán chân chính vì đây là một kiểu cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, hành vi tạo đơn hàng ảo còn đánh lừa khiến người mua đặt hàng là sàn TMĐT phải tốn chi phí hỗ trợ mã giảm giá cho người bán.
Điều đáng lo ngại hơn cả là seeding “đen” đang ngày càng lấn át seeding “trắng” và các tương tác ảo lại qua mặt được hàng rào kiểm tra của các mạng xã hội, sàn TMĐT.
Bổ ích