(KTSG) - Tờ Financial Times đã dẫn trường hợp vợ chồng người Mỹ Clint và Rachel Wells để minh họa cho việc vì sao người Mỹ vẫn mua xe xăng chứ chưa chuyển mạnh qua mua xe điện như nhiều người tưởng.
Lý do để mua xe điện là nhiều, ngoài ưu đãi tín dụng thuế có thể lên đến 7.500 đô la Mỹ còn là ý thức bảo vệ môi trường theo xu thế mới. Thế nhưng cuối cùng họ vẫn mua chiếc Honda Accord chạy xăng với giá, sau khi bán lại xe cũ, chỉ 19.000 đô la Mỹ.
Wells cũng như hàng triệu gia đình Mỹ khác, chọn mua xe xăng thay vì xe điện như mong muốn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, từng đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm một nửa tổng mọi xe hơi bán ra vào năm 2030. Năm ngoái xe điện chỉ chiếm 9,5% lượng xe mới bán ra.
Sự lưỡng lự của các gia đình Mỹ cũng là sự lưỡng lự của Chính phủ Mỹ trước hai mục tiêu trái nghịch nhau: giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu và bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ. Để bảo vệ môi trường, chính quyền ông Biden đã cam kết đến năm 2030 sẽ giảm mức khí thải còn một nửa mức năm 2005 và chuyển đổi xe xăng sang xe điện là một biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu này.
Thế nhưng ông Biden chọn cách đóng sập cửa với xe điện Trung Quốc giá rẻ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Không những đánh thuế cao đến 100% lên xe điện nhập từ nước này, Mỹ còn đánh thuế lên nhiều nguyên liệu dùng trong ngành xe điện như pin, thép, nhôm và các khoáng sản thiết yếu.
Kết quả của chính sách này là giá xe điện ở Mỹ sẽ cao, kể cả xe điện do các công ty Mỹ sản xuất ở Mỹ vì không có động lực cạnh tranh giảm giá.
Để hóa giải phần nào mâu thuẫn nói trên, chính quyền Mỹ vừa đưa ra chính sách ưu đãi thuế cho người mua xe điện vừa cung cấp nhiều khoản trợ cấp cho doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bên trong nước Mỹ. Tuy nhiên mức ưu đãi cao nhất, 7.500 đô la Mỹ, chỉ áp dụng cho xe sản xuất ở Mỹ với các thành phần pin và các khoáng sản thiết yếu mua ở nước Mỹ. Điều này làm ít xe đủ điều kiện cho phép người mua hưởng ưu đãi tối đa: hai năm sau khi Đạo luật Giảm lạm phát được thông qua, chỉ có 12 mẫu xe đáp ứng yêu cầu trợ giá 7.500 đô la Mỹ cho người mua.
Liên quan đến chính sách thuế áp lên hàng nhập từ Trung Quốc, mặc dù thị trường Mỹ rất ít tiêu thụ xe nhập từ Trung Quốc ngay cả trước khi có thuế cao, mức thuế 25% đánh lên pin và các khoáng sản thiết yếu nhập từ Trung Quốc sẽ có tác động lớn đối với ngành sản xuất xe điện của Mỹ. Trung Quốc hiện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất pin xe điện với các công ty như BYD hay CATL có nhiều kinh nghiệm sản xuất pin. Trung Quốc cũng thống trị trong xử lý các khoáng sản dùng trong pin lithium-ion cũng như trong sản xuất các thành phần của pin như cathode hay anode.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các hãng xe Mỹ nhập khẩu pin từ Trung Quốc với tỷ lệ ngày càng tăng. Quí 1-2024 hơn 70% pin xe điện nhập khẩu là từ Trung Quốc. Mức thuế cao sẽ chuyển thành xe điện giá cao, càng làm người tiêu dùng Mỹ dễ nghiêng về xe xăng trong quyết định chọn mua xe gì.
Các quan chức thương mại Mỹ thường dẫn trường hợp pin mặt trời để bảo vệ cho chính sách của họ. Giá các tấm pin mặt trời giảm nhanh trên khắp thế giới nhờ hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất của nước này thống trị được ngành pin mặt trời là nhờ hưởng các mức trợ giá lớn từ nhà nước, chi phí lao động rẻ và quy mô sản xuất lớn.
Như thế người tiêu dùng ở các nước, kể cả Mỹ hưởng lợi nhờ giá giảm nhưng đồng thời ngành sản xuất tấm pin mặt trời ở các nước lâm vào cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa, cắt giảm công nhân. Mỹ không muốn điều tương tự diễn ra với ngành sản xuất xe điện.
Trong năm bầu cử 2024 này, vấn đề càng trở nên nóng hơn khi cả hai ứng cử viên Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đều muốn tranh thủ phiếu cử tri là công nhân ngành xe hơi ở các bang như Michigan hay Ohio. Hơn một nửa trong số 950.000 công nhân ngành này đang làm trong lĩnh vực sản xuất linh kiện xe hơi. Xe điện đe dọa việc làm của họ vì xe điện ít linh kiện hơn xe xăng. Chính vì thế ông Trump chê xe điện, phê phán chính sách ưu đãi của ông Biden, khuyến khích dân Mỹ tiếp tục xài xe xăng, giảm đà phát triển của xe điện.
Trong bối cảnh đó, không lạ gì các hãng xe lớn ở Mỹ đang chuyển hướng sang đầu tư sản xuất xe hybrid, lai giữa xăng và điện để có thể khai thác thế mạnh của cả hai. Tổng giám đốc Ford Jim Farley nói với các nhà đầu tư “chúng ta nên ngừng nói về xe hybrid như một công nghệ giao thời”, mà nên xem nó như một chọn lựa lâu dài, khả thi.
Hyundai nói sẽ xem xét sản xuất xe hybrid ở nhà máy 7,6 tỉ đô la Mỹ đang xây ở Georgia. Hãng GM sẽ sản xuất trở lại loại xe hybrid có cắm sạc trong nhiều mẫu xe. Tương lai xe thuần điện ở Mỹ, vì thế, xem ra không mấy sáng sủa.