Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đô la Mỹ mạnh lên, các đồng tiền châu Á suy yếu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các đồng tiền ở châu Á, đáng chú ý nhất là đồng yen Nhật Bản, suy yếu trong bối cảnh đô la Mỹ mạnh lên do triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao trong thời gian dài.

Trong phiên giao dịch sáng 27-6, chỉ số  Bloomberg Asia Dollar Index, đo lường sự biến động của một rổ tiền tệ ở châu Á so với đô la Mỹ đã giảm 0,1%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2022.

Chỉ số  Bloomberg Asia Dollar Index, đo lường sự biến động của một rổ tiền tệ ở châu Á so với đô la Mỹ, giảm 3% trong năm nay, riêng đồng yen giảm giá hơn 12%. Ảnh: iStock

Chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index giảm khi tỷ giá của đồng yen Nhật Bản so với đô la Mỹ vào sáng nay có lúc giảm xuống ngưỡng 160,86 yên/1 đô la mỹ, yếu nhất kể từ tháng 12-1986. Vào hôm trước, đồng peso của Philippine và đồng rupee của Ấn Độ cũng xuống gần mức thấp kỷ lục còn đồng won của Hàn Quốc đóng cửa ở ngưỡng tâm lý quan trọng, 1.400 won đổi một đô la. Tại Indonesia, đồng rupiah cũng đang giao dịch ở mức thấp nhất trong gần 4 năm.

Đồng đô la Mỹ mạnh lên trong thời gian gần đây sau khi các quan chức Fed phát tín hiệu là có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất cho đến khi lạm phát giảm bền vững xuống mục tiêu 2%.

Sự trỗi dậy của đồng đô la gây áp lực can thiệp mới lên các ngân hàng trung ương ở châu Á. Trong những tháng trước, các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia đều đã can thiệp tỷ giá.

Sự suy yếu của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng yen góp phần khiến chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index giảm hơn 3% trong năm 2024, tính cho đến nay.

Theo Christopher Wong, nhà chiến lược ngoại hối ở ngân hàng OCBC (Singapore), môi trường lãi suất cao trong thời gian dài ở Mỹ đang cản trở sự phục hồi của các đồng tiền châu Á. Hiện tại, khó khăn đang chồng chất sau sự suy yếu mới của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng yen. Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể phải sử dụng biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn để làm dịu sự biến động tỷ giá.

Alvin Tan, nhà chiến lược của RBC Capital Markets ở Singapore, nhận định đà giảm giá của đồng yen và đồng nhân dân tệ có thể sẽ có tác động đến các tiền tệ trong khu vực,  ặc biệt là đồng won Hàn Quốc và đồng đô la Đài Loan. Trong năm nay, nhân dân tệ giảm giá 2% so với đô la Mỹ còn mức giảm của đồng yen lên đến hơn 12%.

Nigel Green, CEO của deVere Group, một trong những công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cũng cho rằng đà giảm giá liên tục của đồng yen đang gây tác động lây lan các thị trường mới nổi, gia tăng áp lực giảm giá lên các đồng tiền châu Á khác.

“Những đồng tiền khác ở các nước châu Á đang chịu áp lực giảm giá để duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định và triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế này”, ông Green nói.

Khi đồng yen suy yếu, giới chức trách của các nước như Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan có thể cảm thấy buộc phải cho phép đồng tiền của những nước này mất giá nhằm bảo vệ thị trường xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến một chu kỳ phá giá tiền tệ mang tính cạnh tranh, gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực.

“Bản chất liên kết của các thị trường toàn cầu có nghĩa là sự biến động tiền tệ trong một nền kinh tế lớn có thể gây ra những hậu quả sâu rộng”, ông nói.

Giới chức trách Nhật Bản cảnh báo về việc tỷ giá đang biến động quá mức, báo hiệu hành động can thiệp mới có thể sắp xảy ra. Đồng yen vẫn yếu ớt dù Nhật Bản đã chi số tiền kỷ lục 9.800 tỉ yen (61,5 tỉ đô la) trong vòng một tháng để can thiệp vực dậy tỷ giá khi đồng yen chạm mức 160,245 đổi một đô la Mỹ hồi cuối tháng 4.

Nigel Green cảnh báo, các biện pháp can thiệp đơn phương chỉ có tác dụng hạn chế. Hành động can thiệp đơn phương có thể tạm thời ngăn chặn làn sóng bán tháo đồng yen nhưng thường không giải quyết được các vấn đề kinh tế cơ bản. Hơn nữa, sự can thiệp bền vững đòi hỏi nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể

Sự mất giá của đồng yen là “con dao hai lưỡi” đối với Nhật Bản. Đồng yen yếu làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Nhật Bản nhưng cũng làm tăng chi phí nhập khẩu, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát. Kịch bản này đặt Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tình thế đầy thách thức khi cố gắng tìm cách cân bằng giữa nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với việc kiểm soát lạm phát.

Theo Nigel Green, sự suy yếu của đồng yên góp phần gây ra lạm phát nhập khẩu ở Nhật Bản, gây thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong việc xem xét lại chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.

Theo Bloomberg, Sydney Moring Herald

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới