Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia lo khủng hoảng lương thực vì hạn hán

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Indonesia lo ngại tình hình hạn hán trong 4 tháng tới có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực. Bộ Nông nghiệp nước này đang triển khai chương trình phân phối 20.000 máy bơm đến các vùng trồng lúa khô hạn trên khắp nước để hỗ trợ nông dân khai thác nước tưới từ sông và nguồn nước ngầm.

Tổng thống Joko Widodo kiểm tra hệ thống tưới tiêu ở một cánh đồng tại làng Bapeang, tỉnh Trung Kalimantan, Indonesia hôm 26-6. Ảnh: Antara

19 - 45 triệu người thiếu đói nếu khủng hoảng lương thực

“Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) dự báo làn sóng nhiệt và mùa khô sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10, có khả năng cao dẫn đến hạn hán. Chúng ta phải chuẩn bị trước cho tình huống này”, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo nói trong chuyến thị sát hệ thống tưới tiêu đồng lúa ở làng Bapeang thuộc tỉnh Trung Kalimantan hôm 26-6.

Ông bày tỏ lo ngại, thời tiết khô hạn có thể làm giảm năng suất của ngành nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo, lương thực chính của người dân Indonesia.

Indonesia trải qua hạn hán kéo dài trong hầu hết các mùa khô hàng năm. Tình hình mùa khô năm nay có thể trở nên tồi tệ hơn khi hiện tượng thời tiết El Nino cực đoan đang làm gián đoạn sản xuất lúa gạo tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Indonesia đã gấp rút nhập khẩu gạo trong nửa đầu năm nay để bảo đảm nguồn dự trữ nội địa.

Theo Tổng thống Widodo, các nước sản xuất gạo khác trong khu vực cũng có thể chứng kiến sản lượng sụt giảm do tác động của El Nino. Lúc đó, họ sẽ ưu tiên cho nhu cầu nội địa hơn là xuất khẩu.

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Indonesia chỉ ra rằng, một cuộc khủng hoảng lương thực có thể khiến 7 -16% dân số rơi vào tình trạng thiếu đói. Với dân số Indonesia hiện nay khoảng ​​ 281,6 triệu người, sẽ có khoảng 19,7-45 triệu người có nguy cơ thiếu đói.

“Hiện tại, Indonesia dễ rơi vào khủng hoảng thiếu đói. Chúng ta phải tăng cường sản xuất lương thực, đặc biệt là gạo trong ba tháng tới",

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia, Amran Sulaiman nói tại hội nghị về hoạch định phát triển nông nghiệp quốc gia ở Jakarta hôm 25-6.

Để giải quyết khó khăn trong hoạt động nhập khẩu gạo có thể xảy ra trong thời gian tới, chính phủ Indonesia đang triển khai chương trình phân phối 20.000 máy bơm đến những vùng trồng lúa gặp khô hạn do nắng nóng trên cả nước. Các máy bơm này sẽ khai thác nguồn nước sông và nước ngầm để phục vụ hoạt động tưới tiêu. Nỗ lực này nhằm giảm thiểu tác động của El Nino, đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và ngăn chặn tình trạng tăng giá. Hôm 26-6, Tổng thống Widodo cho biết, ông đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp tăng hạn ngạch phân phối máy bơm hỗ trợ lên con số 70.000.

Bộ trưởng Amran Sulaiman nhấn mạnh, việc lắp đặt máy bơm phải được tiến hành trên quy mô lớn để đề phòng khả năng hạn hán kéo dài.

“Chúng ta cần bơm để cung cấp nước từ sông tới ruộng lúa. Chúng ta không thể thoát khỏi khủng hoảng lương thực nếu không thực hiện giải pháp này nhanh chóng. Hãy nhớ rằng có 50 quốc gia đang chịu nạn đói. Chúng ta phải tránh vấn đề tương tự”, ông giải thích.

Máy bơm nước cung cấp nước cho cánh đồng lúa ở làng Lamtado, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh: Antara

Diện tích trồng lúa giảm 36,9%

Indonesia, nước sản xuất gạo lớn thứ tư thế giới và là nước tiêu thụ gạo lớn thứ ba, có kế hoạch nhập khẩu hơn 3,6 triệu tấn gạo trong năm 2024 khi dự đoán sản lượng gạo trong nước ít hơn do hạn hán.

Theo Bộ trưởng Amran Sulaiman, thời tiết khô hạn và diện tích canh tác giảm, khiến diện tích gieo trồng lúa của Indonesia giảm đến 36,9%, xuống còn 6,55 triệu hecta trong giai đoạn từ tháng 10-2023 đến tháng 4-2024.

Theo Cơ quan Thống kê Indonesia, trong năm 2023, Indonesia sản xuất 31,1 triệu tấn gạo, tăng 1,4% so với năm 2022. Quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn gạo mỗi năm. Trong nửa đầu năm nay, Indonesia mua nhiều gạo nhất từ ​​Thái Lan, tiếp theo là Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ.

Quần đảo Indonesia  có nhiều đất đai, nhưng khu vực trồng lúa thích hợp nhất lại nằm ở đảo Java. Việc canh tác lúa trên các đảo chính khác, Sumatra, Kalimantan, Sulawesi và Papua kém năng suất hơn do các yếu tố bất lợi về khí hậu và độ phì nhiêu của đất cũng như thiếu cơ sở hạ tầng tưới tiêu.

Điều đáng nói là, khi quá trình đô thị hóa lan rộng ở Java thì việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu phát triển công nghiệp và dân cư sinh lời nhiều hơn đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

Lên kế hoạch thâu tóm công ty gạo ở Campuchia

Hồi đầu tháng 6, Tổng thống Joko Widodo yêu cầu Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) xem xét thâu tóm một công ty gạo ở Campuchia để bảo đảm dự trữ gạo trong nước ở mức an toàn. Quan điểm của ông Widodo là Indonesia nên đầu tư vào một nhà sản xuất gạo ở Campuchia, thay vì chỉ dựa vào nhập khẩu gạo từ các nước láng giềng.

Bulog đã bắt đầu tiến hành đàm phán với một số công ty gạo của Campuchia và các ngân hàng ở Indonesia về kế hoạch thâu tóm. Trao đổi với tờ Straits Times, Chủ tịch Bulog, Bayu Krisnamurthi xác nhận, kế hoạch này đang được thảo luận với các bên liên quan theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá kế hoạch sở hữu một công ty gạo ở Campuchia để tăng cường nguồn cung gạo cho Indonesia có thể gặp trở ngại do các hạn chế xuất khẩu và luật sở hữu đất đai địa phương.

Bhima Yudhistira, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu luật và kinh tế ở Jakarta cho biết, không có gì đảm bảo rằng việc sở hữu một công ty gạo ở Campuchia sẽ giúp tăng nguồn cung gạo cho Indonesia. Theo ông, công ty gạo 100% vốn nước ngoài ở Campuchia vẫn sẽ chịu sự chi phối luật pháp và các chỉ thị của địa phương

“Nếu chính phủ Campuchia quyết định ưu tiên gạo cho nhu cầu nội địa, công ty đó không thể xuất khẩu gạo tối đa sang Indonesia. Bulog cần tính toán đến những hạn chế như vậy”, Yudhistira nói.

Theo biên bản ghi nhớ về thương mại gạo song phương được gia hạn vào năm 2023, Indonesia có thể mua tới 250.000 tấn gạo từ Campuchia mỗi năm trong giai đoạn 2024-2028.

Tuy nhiên, Ông Khudori, chuyên gia nông nghiệp của Hiệp hội Kinh tế chính trị Indonesia cho biết, hạn ngạch xuất khẩu hàng năm này chỉ là một lượng nhỏ so với nhu cầu gạo tổng thể của Indonesia. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Indonesia nhập khẩu 2,26 triệu tấn gạo nhưng chỉ có 25.000 tấn đến từ Campuchia.

Vì vậy, ông Khudori gợi ý Bulog nên xem xét mua đất nông nghiệp ở Campuchia để trồng lúa, cung cấp cho công ty gạo mà Bulog dự định thâu tóm.

“Mua đất nông nghiệp ở Campuchia sẽ bảo đảm công ty gạo mà Indonesia thâu tóm có nguồn cung lúa để xay xát”, ông nói và dẫn ra ví dụ Trung Quốc mua đất nông nghiệp ở Brazil và châu Phi để bảo đảm nguồn cung đậu nành.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mua đất trồng lúa ở Campuchia không phải là điều dễ dàng. Quyền sở hữu đất nhằm mục đích tiến hành các hoạt động đầu tư chỉ dành riêng cho cá nhân có quốc tịch Campuchia hoặc cho các pháp nhân. Trong đó, hơn 51% vốn cổ phần thuộc sở hữu trực tiếp của công dân hoặc pháp nhân Campuchia.

Theo Antara, Xinhua, Straits Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới