(KTSG) - Bước lên bậc xe của tuyến buýt số 55, chạy từ trạm đầu tiên ở quận 12 về trạm cuối thuộc phường Tăng Nhơn Phú (thành phố Thủ Đức, TPHCM), bỗng dưng trong tôi nhớ lại quá nhiều điều của những ngày xưa cũ.
Tôi nói với con gái, là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học, vẫn thường đi tuyến buýt này để đến trường: “ Hồi xưa ở quê nhà, lúc đang học lớp nhì (là lớp 4) bậc tiểu học, ba vẫn còn nhớ một đoạn trong bài học thuộc lòng thể lục bát, có tựa đề Sài Gòn: “… Có Chợ Quán có Cầu Kho/Bến xe Lục tỉnh con đò Thủ Thiêm/Có ô tô buýt khắp miền/Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn…”.
Con gái hỏi, hồi ấy đã có xe buýt rồi hả ba? Tôi ừ, và miên man kể rằng, thời hậu Pháp thuộc, Sài Gòn đã có một số tuyến xe buýt, sau đó thì có các tuyến chạy khắp mọi nơi. Lại hỏi: Hà Nội thì sao?, tôi trả lời, theo những gì ba đọc và biết thì Hà Nội từ rất lâu đã có một loại phương tiện công cộng cũng rất thiết thân với người dân, là tàu điện ngược xuôi qua các phố, nhưng bây giờ không còn nữa.
“Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy”, tôi hát nhỏ một câu trong bài hát Nhớ về Hà Nội của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, rồi bàn luận với con về sự tiện dụng của các loại hình lưu thông công cộng với người dân tại các đô thị ở nước ta, nhất là tầng lớp bình dân của mọi thời đại.
Tự nhiên, tôi liên tưởng đến metro, tàu điện ngầm đưa người lớn đi làm, xe buýt để đưa đón học sinh đi về mỗi ngày ở các thành phố lớn trên thế giới. Dù khác nhau về tốc độ, mức vệ sinh, giá cả… song nhất thiết các loại phương tiện ấy đều cùng có những điểm chung: tiện dụng và giá phải rẻ!
Trước đó, khi hai cha con vừa bước lên xe, cô nhân viên phục vụ xé vé đưa cho mỗi người, với giá 7.000 đồng, nếu là sinh viên có đeo thẻ thì giá vé là 3.000 đồng, còn người già và trẻ nhỏ thì miễn phí. Trạm xe tôi lên ở đường Quang Trung (quận Gò Vấp) đến trạm cuối là đường Lê Văn Việt (thành phố Thủ Đức), cự ly khoảng 25 ki lô mét. Buổi chiều, đường sá vẫn đông, qua bao nhiêu ngã tư ngã năm, song bác tài xế lái rất tài tình.
Con gái chợt đưa ra một nhận xét: “Con đi học bằng buýt Sài Gòn hai năm qua, rồi cũng có đi nước ngoài vài bận, mới thấy các bác tài xe buýt Sài Gòn quả thật quá giỏi. Bao nhiêu người xe ken dày như thế, vẫn chạy được, mà thấy vẫn rất… tự nhiên”. Tôi cười đồng ý, rồi lướt qua khắp lượt, mới thấy tuyến buýt này mình đi vào chiều thứ Bảy, có hơi ít người. Lên lên xuống xuống, hàng chục trạm dừng, qua ba lần tôi nhìn ngó, trên xe lúc nào vẫn chỉ hiện diện khoảng 10-12 người.
Cô nhân viên phục vụ cho biết, chỉ riêng tuyến buýt số 55 này, là tuyến chạy với khoảng cách khá xa, đầu và cuối ở hai phía của thành phố, có xấp xỉ khoảng 28-32 xe, tùy theo bộ phận điều vận cân nhắc thời gian cao điểm hay thấp điểm, di chuyển liên tục đi về. Hòa nhã, tận tình nhắc nhở khách, thái độ phục vụ bây giờ đã khác xưa nhiều lắm!
Không chỉ thế, nhiều bận đi xe buýt ở các tuyến khác, tôi để ý quan sát, thấy trên xe đã có lắp chuông để hành khách nhấn báo đến trạm cho tài xế chủ động dừng, có camera giám sát và đặc biệt là tiếng loa nhỏ nhẹ báo đến trạm gần kề cho khách đi xe biết trước chuẩn bị. Giữa một đô thị đông đúc hơn chục triệu người như Sài Gòn, với hạ tầng còn nhiều bất cập, đi buýt mấy lần sau bao năm rong ruổi cùng xe máy, tôi nhận ra một điều: mình gián đoạn lưu thông bằng xe buýt… hơi lâu!
Xe qua cầu Sài Gòn, ra xa lộ Hà Nội chạy một quãng dăm cây số, đưa mắt nhìn qua bên trái, thấy sừng sững một nhà ga metro đang trong quá trình cho những công đoạn cuối, với tấm biển đúc to giăng hàng: Ga Thủ Đức, tôi phân vân trong ý nghĩ, dù tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nay mai đưa vào vận hành với những tính năng vượt trội như nhanh, rẻ và hiện đại, nhưng có lẽ còn quá nhiều “khoảng trống” đi lại ở nhiều tuyến đường len lỏi khác, vẫn cần phương tiện giao thông công cộng như xe buýt.
Cũng như con gái tôi, bao lớp sinh viên học sinh, những người già và tầng lớp lao động bình dân, sẽ vẫn miệt mài ngày ngày bước lên bậc của những chiếc buýt sơn màu xanh dịu ngược xuôi giăng mắc khắp Sài Gòn!