(KTSG Online) - Nhiều hãng buôn hàng hóa năng lượng lớn đang bước vào cuộc đua thâu tóm nhà máy lọc dầu của các tập đoàn dầu mỏ toàn cầu.
Việc sở hữu những tài sản này cho phép doanh nghiệp sử dụng dầu thô để sản xuất nhiên liệu nếu phương án này mang lại lợi nhuận tốt hơn so với việc bán dầu trên thị trường mở.
- Áp lực khử carbon khiến 1/4 nhà máy lọc dầu trên toàn cầu có nguy cơ đóng cửa
- Bùng nổ xây dựng nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ
Với lượng tiền dồi dào nhờ khoản lợi nhuận khổng lồ trong những năm qua, nhiều hãng buôn hàng hóa đang nhắm đến việc mua các nhà máy lọc dầu mà các tập đoàn dầu mỏ lớn không còn hứng thú kinh doanh.
Từ lâu, các tài sản lọc dầu và phân phối nhiên liệu là mục tiêu thèm muốn của các hãng buôn. Việc sở hữu những tài sản đó cho phép doanh nghiệp tiếp xúc nhiều hơn với thị trường dầu vật chất và nắm bắt tốt hơn về nguồn cung nhiên liệu.
Nhiều nhà máy lọc dầu được các tập đoàn dầu mỏ rao bán trong thời gian gần đây. Những tập đoàn này buộc phải làm như vậy khi đối mặt với áp lực của cổ đông trong việc cắt giảm danh mục đầu tư để tập trung vào những tài sản có lợi nhuận tốt nhất. Đồng thời, cổ đông cũng yêu cầu giảm bớt hoặc loại bỏ các mảng kinh doanh nghiệp gây ô nhiễm lớn như nhà máy lọc dầu.
Tháng trước, Bloomberg đưa tin, tập đoàn thương mại Vitol Group, nhà buôn dầu thô lớn nhất thế giới, trụ sở tại Thụy Sĩ đã đấu thầu mua tài sản của Công ty lọc dầu Citgo Petroleum ở Mỹ.
Nếu đấu thầu thành công, đây là khoản đầu tư mới nhất trong một loạt khoản đầu tư của Vitol vào hoạt động tinh chế dầu thô và phân phối nhiên liệu. Người khổng lồ kinh doanh năng lượng này đang xây dựng một mạng lưới toàn cầu để đầu tư vào công suất lọc dầu hơn 800.000 thùng hàng ngày tại 7 nhà máy lọc dầu và khoảng 9.000 cây xăng dâu từ Úc đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trong hai năm qua, Vitol Group đã đầu tư vào Công ty lọc dầu Saras của Ý và các chuỗi cây xăng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
Hồi tháng 5, Glencore, công ty kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới, cùng với nhà sản xuất hóa chất Chandra Asri (Indonesia) đồng ý mua lại nhà máy lọc dầu Bukom của Shell ở Singapore. Giá trị giao dịch không được tiết lộ. Trong khi đó, một liên danh bao gồm Trafigura Group, công ty kinh doanh hàng hóa, trụ sở ở Singapore cũng đang đàm phán để mua lại nhà máy lọc dầu Esso Fos-sur-Mer ở Pháp.
“Trước đây, phần lớn các thương vụ mua nhà máy lọc dầu đều do các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân thực hiện. Hiện nay, ngày càng có nhiều hãng buôn hàng hóa đầu tư vào mảng lọc dầu”, Liz Martin, chuyên gia của hãng tư vấn Energex Partners nói.
Việc thiết lập sự hiện diện trong ngành lọc dầu mang lại cho hãng buôn hàng hóa nhiều lựa chọn trong kinh doanh. Hãng buôn có thể gửi một số loại dầu thô nhất định đến nhà máy lọc dầu riêng hoặc đưa ra bán trên thị trường mở. Điều này tùy thuộc vào nơi nào mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Kurt Chapman, thành viên hội đồng quản trị của Levmet, nhà buôn hàng hóa ở Anh, cho biết, việc sở hữu một nhà máy có thể lọc nhiều loại dầu thô khác nhau là một lợi thế.
“Nếu có một nhà máy lọc dầu ở châu Âu để tiếp nhận dầu WTI mua từ Mỹ, bạn sẽ có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến cơ chế định giá dầu”, Chapman nói.
Ông cho biết thêm, nhà máy lọc dầu cũng có thể cung cấp cho nhà buôn hàng hóa thông tin hữu ích về nguồn cung nhiên liệu. Điều đó cho phép nhà buôn giao dịch dầu thô hiệu quả hơn trên thị trường tương lai.
Một số công ty sản xuất dầu thô không muốn giao dịch với hãng buôn hàng hóa, những bên mua dầu và bán lại với giá cao hơn để kiếm lợi nhuận. Việc sở hữu nhà máy lọc dầu sẽ giúp hãng buôn vị thế thuận lợi hơn để đạt được thỏa thuận mua dầu. Lâu nay, các công ty lọc dầu là khách hàng hàng đầu của các công ty dầu mỏ.
Những nhà máy lọc dầu mà các hãng buôn mua gần đây thường nằm ở các trung tâm thương mại dầu thô lớn như Trung Đông và Singapore. Điều này giúp hãng buôn có thể dễ dàng tiếp cận nhiều loại dầu thô.
Cơn bùng nổ lợi nhuận trong những năm qua đã mang lại nguồn tiền mặt lớn các nhà buôn hàng hóa. Doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền này để đầu tư vào các tài sản như nhà máy lọc dầu, cũng như phát triển các mảng kinh doanh hóa chất và hàng hóa nông nghiệp. Vitol ghi nhận lợi nhuận tổng cộng 28 tỉ đô la Mỹ trong 2 năm gần nhất.
Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng thúc đẩy cuộc đua mua tài sản lọc dầu là nhiều nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới đang được rao bán với giá rẻ. Các tập đoàn dầu mỏ như BP, TotalEnergies, Shell và ExxonMobil bán nhà máy lọc dầu dù đang có suất lợi nhuận tốt chỉ nhà máy không còn được xem là một phần của tài sản cốt lõi.
Các tập đoàn dầu mỏ cũng chịu áp lực từ các nhà đầu tư trong việc giảm lượng khí thải. Doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn, chi tiền nâng cấp nhà máy lọc dầu để hoạt động sạch và hiệu quả hơn hoặc bán đứt.
Steve Sawyer, CEO của hãng tư vấn Facts Global Energy, cho biết các cổ đông muốn các công ty dầu mỏ giảm lượng khí thải trong hoạt động kinhh doanh. Một trong những cách để làm điều đó là bán nhà máy lọc dầu.
Tỷ suất lợi nhuận lọc dầu thường có tính chu kỳ rất cao. Những tài sản cố định lớn có tỷ suất lợi nhuận không ổn định có thể gây rủi ro cho các nhà buôn hàng hóa sử dụng đòn bẫy nợ lớn để mua tài sản này. Vào năm 2020, điều kiện kinh doanh khó khăn khiến hãng kinh doanh hàng hóa Gunvor Group đóng cửa và sau đó bán rẻ nhà máy lọc dầu thua lỗ ở Antwerp, Bỉ.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận có thể trở nên ổn định nhờ công suất lọc dầu mới hiện nay tăng chậm lại để thích ứng với viễn cảnh nhu cầu dầu toàn cầu đạt đỉnh.
Theo Bloomberg