(KTSG) - Những bất cập trong chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong hai năm 2022-2023 qua không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ tài chính của họ.
- Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng về 8% trong 6 tháng năm 2024
- Chính phủ trình đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%
Trước những biến động và khó khăn của thị trường, Chính phủ đã có chủ trương thực hiện các chính sách giảm thuế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của nền kinh tế chung đến doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong hai năm 2022-2023 đã gây ra nhiều tranh cãi trong việc thực thi, đặc biệt là khi chưa có sự rõ ràng về xác định thuế suất phù hợp đối với từng nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Những bất cập này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ tài chính của họ. Trong phạm vi bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ tập trung khai thác một vụ việc cụ thể bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để làm rõ những bất cập doanh nghiệp gặp phải khi thực thi các quy định tưởng chừng là ưu thế này.
Lúng túng với 8% hay 10%
Trước đây, chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được thực hiện vào năm 2022-2023, quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP (Nghị định 15) và Nghị định 44/2023/NĐ-CP (Nghị định 44), đem lại lợi ích kép cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động. Song, doanh nghiệp kể cả cơ quan chức năng còn lúng túng trong quá trình triển khai hai nghị định này.
Về bản chất, Nghị định 15 và Nghị định 44 được quy định dựa trên mã ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg trong khi văn bản này trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê, quản lý mã ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào quy định pháp luật để xác định hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 8% hay không là rất khó khăn.
Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ giải đáp chung và đề nghị doanh nghiệp cân nhắc trên cơ sở các Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành sản phẩm và Nghị định 15 hoặc Nghị định 44 để đối chiếu mã sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tại doanh nghiệp làm căn cứ thực hiện(1).
Theo đó, hướng giải đáp của Bộ Tài chính chưa thể là cơ sở áp dụng cho các doanh nghiệp khi triển khai chính sách giảm thuế và vướng mắc về áp dụng thuế suất 8% hay 10% vẫn còn đó khi việc phân loại nhóm hàng hóa thuộc đối tượng được giảm thuế chỉ mang tính tương đối. Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế ở địa phương này nhưng không được chấp nhận bởi cơ quan thuế ở địa phương khác do có cách hiểu và vận dụng chính sách giảm thuế khác nhau, dẫn đến khó giải quyết triệt để vấn đề về thuế GTGT như trường hợp được đề cập dưới đây.
Ngày 30-5-2024, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 839/QĐ-CTQNG về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) đối với khiếu nại của Công ty TNHH Millennium Furniture (Công ty M.). Theo nhận định của Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi, Công ty M. chỉ được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào 8% thay vì 10% như đã kê khai, trên cơ sở đối chiếu mã ngành sản phẩm mút xốp các loại với Phụ lục I Nghị định 15, khiếu nại của công ty này là không có căn cứ. Trước đó, Công ty M. khiếu nại về việc không được hoàn thuế số tiền là 2.316.876.804 đồng theo Thông báo số 534/TB-CTQNG-KĐT và 535/TB-CTQNG-KĐT ngày 30-1-2024 của Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi.
Thứ nhất, Công ty M. mua hàng từ hai công ty là Công ty TNHH Indochine Foamtech (MST 3702367903) và Công ty TNHH NS Millennium Việt Nam (MST 3702736364). Hai nhà cung cấp này đã tự xác định và đăng ký mặt hàng mút xốp thuộc mã ngành 2013 - mã ngành thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15, không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT và phát hành hóa đơn GTGT với thuế suất 10%. Công ty M. đã căn cứ vào yếu tố này để kê khai thuế GTGT thuế suất 10% đối với mặt hàng mút xốp mua vào.
Thứ hai, Công ty M. quyết định khiếu nại về việc hoàn thuế mức thuế suất 10% đối với Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi vì căn cứ theo Công văn hướng dẫn số 9923/CTBDU-TTHT ngày 5-4-2024 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho hai nhà cung cấp để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Công văn hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Bình Dương (được đề cập trong Quyết định giải quyết khiếu nại của Công ty M.) ghi “nếu mã ngành sản phẩm theo Quyết định 43/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 2013 thuộc Phụ lục I Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%”. Trên cơ sở hướng dẫn đó, hai nhà cung cấp mặt hàng mút xốp và Công ty M. đều hiểu rằng thuế suất thuế GTGT của mặt hàng mút xốp là 10%, không thuộc đối tượng áp dụng quy định của Nghị định 15.
Từ đó, có thể thấy, công văn hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Bình Dương và quyết định giải quyết khiếu nại của Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi có hướng xác định hàng hóa được áp dụng thuế suất 8% theo Nghị định 15 là khác nhau. Vấn đề này cũng đặt ra một dấu hỏi lớn trong việc áp dụng pháp luật giữa các địa phương đối với cùng một nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế khi hướng dẫn ở địa phương này không thể áp dụng ở địa phương khác và hệ quả là doanh nghiệp phải đứng mũi chịu sào, không được hoàn thuế với số tiền không nhỏ như đã nêu ở trên.
Vụ việc nói trên chỉ ra rằng các doanh nghiệp khi tra cứu Phụ lục đính kèm Nghị định 15 và Nghị định 44 cũng không thể tự xác định một cách chắc chắn rằng hàng hóa, dịch vụ của mình áp dụng thuế suất 10% hay 8%. Khó khăn gia tăng trong việc xác định mức thuế suất sẽ tăng rủi ro cho doanh nghiệp hay việc gia tăng chi phí do phải điều chỉnh hóa đơn, sổ sách kế toán để phù hợp với mức thuế được xác định đúng theo cơ quan chức năng.
Hoàn thuế khó do kê khai sai thuế suất GTGT
Dẫu không thể phủ nhận tác động tích cực của chính sách giảm thuế GTGT trong những năm vừa qua song rủi ro cho doanh nghiệp là không thể tránh khỏi trước khoản chi phí gia tăng khi phải điều chỉnh hàng loạt sổ sách, chứng từ sao cho phù hợp với mức thuế mới trước sự khác biệt giữa các quy định pháp luật. Như với trường hợp của Công ty M., sự khác biệt trong việc áp mức thuế suất trên cùng một mặt hàng là mút xốp còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp này.
Về mặt quy định, Nghị định 15 đưa ra quy định rõ ràng về cách thức xử lý khi có sai sót trong việc kê khai thuế GTGT. Cụ thể, khoản 5 điều 1 nghị định này yêu cầu Công ty M. phải lập biên bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản để ghi nhận sai sót. Sau đó, hai nhà cung cấp cho Công ty M. phải lập hóa đơn điều chỉnh thuế GTGT đầu ra và giao hóa đơn điều chỉnh này cho Công ty M.. Dựa trên hóa đơn GTGT điều chỉnh của hai nhà cung cấp, Công ty M. phải kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào. Quy định này đòi hỏi thực hiện thủ tục hành chính về thuế tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự minh bạch và chính xác trong việc kê khai và điều chỉnh thuế cho cả bên mua lẫn bên bán.
Trước đây, Thông tư 219/2013/TT-BTC được ban hành có hướng dẫn khác với Nghị định 15 về thủ tục hành chính khi hóa đơn GTGT bị kê khai sai mức thuế suất. Theo điểm b khoản 5 điều 12 của thông tư này, nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất luật định thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất được quy định. Trường hợp doanh nghiệp mua vào chưa tự điều chỉnh và cơ quan thuế phát hiện sai sót, thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ theo mức thuế suất đúng. Nếu vận dụng quy định này vào trường hợp của Công ty M., thuế GTGT đầu vào phải được khấu trừ theo mức 8% như Nghị định 15 quy định, mặc dù hóa đơn ghi mức thuế suất 10%.
Ở góc độ doanh nghiệp, Công ty M. đã mua vào mặt hàng mút xốp với thuế suất ghi trên hóa đơn là 10% nhưng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi lại xác định rằng thuế suất đúng phải là 8% dẫn đến việc công ty phải điều chỉnh hóa đơn khấu trừ thuế GTGT theo mức 8% của Nghị định 15.
Thực tế, công ty này không lập biên bản ghi nhận sai sót thuế GTGT và lập hóa đơn điều chỉnh theo đúng quy định tại khoản 5 điều 1 Nghị định 15, dẫn đến việc Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi không chấp nhận đề nghị hoàn thuế 2.316.876.804 đồng cho Công ty M..
Đây được xem là ví dụ điển hình mà các doanh nghiệp có thể gặp phải khi kê khai sai thuế suất cho hàng hóa, dịch vụ, không điều chỉnh kịp thời thủ tục hành chính về thuế, kế toán, không được chấp nhận đề nghị hoàn thuế.
Đối với những hàng hóa đặc thù như mặt hàng mút xốp nêu trên, sự thiếu rõ ràng và không nhất quán trong việc áp dụng thuế suất khiến cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế đều lúng túng khi tuân thủ quy định. Để tránh những sai sót tương tự, các doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào hướng dẫn của cơ quan chức năng mà cần hiểu và nắm vững quy định có hiệu lực tại thời điểm thực thi chính sách thuế cũng như kịp thời điều chỉnh sổ sách, chứng từ khi có sai sót để bảo đảm quyền lợi vốn có của mình.
Vừa qua, Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT vừa được công bố đã nhận được những hưởng ứng tích cực do tính cần thiết về việc tiếp tục triển khai chính sách giảm thuế GTGT giai đoạn giữa và cuối năm 2024. Thiết nghĩ, để giảm thiểu những bất cập và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chính sách giảm thuế GTGT dự kiến áp dụng giai đoạn cuối năm 2024 nên được cân nhắc quy định mức thuế suất 8% cho toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế 10%.
Hướng quy định này sẽ tránh được sự sai sót trong quá trình triển khai tại doanh nghiệp hay những bất nhất từ việc hướng dẫn của cơ quan chức năng, tiến gần hơn tới mục tiêu giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp thay vì quy định theo phương pháp loại trừ bằng mã ngành như hiện nay.
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
(1) https://chinhsachonline.chinhphu.vn/ap-dung-muc-thue-gtgt-8-hay-10-70261.htm, truy cập ngày 23-6-2024.