(KTSG) - Kể từ khi OpenAI cho ra mắt ChatGPT vào tháng 11-2022, thế giới chứng kiến một cuộc đua của các công ty công nghệ lớn, rót tiền vào các dự án xây dựng trí tuệ nhân tạo (AI). Một ước tính cho thấy năng lực tính toán dùng cho các dự án AI cứ 100 ngày là tăng gấp đôi. Từ đó mức tiêu thụ năng lượng và mức khí thải phát ra từ các dự án này cũng tăng vọt tương ứng.
Theo tờ Conversation, một câu hỏi đặt ra cho các AI tạo sinh, dù thuộc loại đơn giản, cũng gây tốn điện gấp 10 lần một câu hỏi tương tự sử dụng Google Search. Tính chung, một hệ thống AI có thể dùng lượng điện gấp 33 lần một phần mềm bình thường để hoàn thành một tác vụ. Nhu cầu sử dụng điện to lớn này dẫn đến việc phát thải một lượng khí carbon lớn không kém, đồng thời tiêu thụ một lượng nước khổng lồ, với những hệ lụy gây biến đổi khí hậu chưa đo lường hết.
Hầu hết các ứng dụng AI dựa vào các trung tâm dữ liệu để xử lý. Năm 2023, trước khi bùng nổ công nghệ AI, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính các trung tâm dữ liệu đã chiếm chừng 1-1,5% lượng điện tiêu thụ trên thế giới cũng như chừng 1% lượng khí thải carbon liên quan đến sử dụng năng lượng. Với sự phát triển rầm rộ của công nghệ AI, IEA dự báo mức tiêu thụ điện này sẽ tăng vọt 10 lần tính đến năm 2026. Để tiện so sánh, nên biết vào năm 2022, ngành hàng không chiếm chừng 2% lượng phát thải khí carbon toàn cầu, trong khi ngành thép chịu trách nhiệm cho khoảng 7-9%.
Các báo cáo gần đây của Microsoft, Google Meta hé mở cho thấy các con số đáng lo ngại. Microsoft đầu tư nhiều vào AI thông qua việc hợp tác với OpenAI cũng như ứng dụng Copilot của mình. Từ năm 2022-2023, Microsoft tiết lộ mức phát thải khí carbon của họ tăng đến 40%, từ mức tương đương 12,2 triệu tấn CO2 lên 17,1 triệu tấn. Đây không phải chỉ tính riêng mức phát thải trực tiếp mà còn cộng cả các dạng phát thải gián tiếp như lượng điện sử dụng để chạy các trung tâm dữ liệu.
Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đổ tiền vào AI. Năm 2023, công ty này tiết lộ mức phát thải gián tiếp của họ tăng 65% trong vòng hai năm, từ mức tương đương 5 triệu tấn CO2 năm 2020 lên 8,4 triệu tấn vào năm 2022.
Mức phát thải của Google năm 2023 cao hơn mức ghi nhận vào năm 2019 đến 48%. Báo cáo môi trường 2024 của hãng này thú nhận nỗ lực giảm phát thải sẽ rất khó “vì nhu cầu năng lượng ngày càng tăng từ mức độ năng lực tính toán AI ngày càng lớn”. Chỉ tính riêng năm ngoái, Google sản sinh 14,3 triệu tấn khí thải C02, tăng 13% so với năm trước đó, tương đương mức phát thải CO2 của 38 nhà máy điện chạy khí đốt phát ra hàng năm. Mức tiêu thụ điện của Google vào năm 2023 đã tăng 17% chủ yếu do các trung tâm dữ liệu mới mọc lên để đáp ứng các công cụ AI mới như Gemini. Tính chung các trung tâm dữ liệu của Google chiếm đến 10% tổng lượng điện toàn bộ các trung tâm dữ liệu toàn cầu tiêu thụ vào năm 2023.
Các trung tâm dữ liệu phát ra rất nhiều nhiệt lượng, cần sử dụng một lượng nước lớn để làm mát các máy chủ. Theo một nghiên cứu vào năm 2021, các trung tâm dữ liệu ở Mỹ dùng khoảng 7.100 lít nước cho mỗi megawatt/giờ năng lượng chúng tiêu thụ. Chỉ tính riêng các trung tâm dữ liệu của Google tại Mỹ đã xài đến 12,7 tỉ lít nước vào năm 2021. Ở những nơi đang thiếu nước hay bị hạn hán kéo dài như ở California, việc vận hành các trung tâm dữ liệu gây lo ngại làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước.
Trong các đợt nắng nóng kéo dài ở nhiều đô thị, sự hiện diện của các trung tâm dữ liệu làm việc tranh giành các nguồn lực hạn hẹp càng rõ nét. Ví dụ hệ thống điều hòa không khí của hộ gia đình phải cạnh tranh với các hệ thống làm lạnh khổng lồ ở các trung tâm dữ liệu. Khi nguồn lực hạn hẹp, nhu cầu tăng vọt như thế sẽ dễ dẫn tới cúp điện hay làm cho hệ thống điện mất ổn định.
Các tập đoàn công nghệ lớn có nhiều tiền trong tay nên dễ dàng cam kết giảm mức phát thải nhưng chủ yếu bằng cách mua lại tín chỉ carbon từ nơi khác. Chẳng hạn, mới tuần trước Microsoft ký hợp đồng với Occidental Petroleum trao đổi tín chỉ carbon trị giá hàng trăm triệu đô la, theo đó Occidental, một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất nước Mỹ, sẽ bán 500.000 tín chỉ carbon cho Microsoft trong vòng sáu năm tới. Theo hợp đồng, Occidental dùng tiền này để đầu tư vào công nghệ thu gom khí thải và chôn xuống lòng đất.
Microsoft đã cam kết sẽ có mức phát thải “carbon âm” vào năm 2030 còn Google cam kết sẽ đạt mức trung hòa phát thải cũng vào năm 2030. Các cam kết này sử dụng tín chỉ carbon nên bị săm soi xem chúng có thực chất không hay chỉ giảm khí CO2 trên giấy tờ. Dù sao mục tiêu giảm khí phát thải lại đối nghịch với tham vọng đầu tư mạnh vào công nghệ AI nên chưa biết các “ông lớn” công nghệ hóa giải mâu thuẫn này như thế nào.