Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lại phải lo đổi chứng chỉ hành nghề!

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thông tin “thực hành” tại một bệnh viện của một bác sĩ nổi tiếng về tim mạch sau khi ra tù ở Hà Nội được khá nhiều báo đài, mạng xã hội loan tải nhưng dường như một số phương tiện truyền thông này đã nhầm đôi chút.

“GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội) sau khi chấp hành xong hình phạt tù đã có đơn xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để được cấp chứng chỉ hành nghề” là nội dung mà nhiều báo đã đăng. Hầu như các nhà báo này đều nói thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, vốn quá quen thuộc với nhiều y bác sĩ nhưng hiện nay thực ra lại khác.

Nhiều người ít chú ý đến chi tiết “quy định chuyển tiếp về chuyển đổi chứng chỉ hành nghề sang giấy phép hành nghề” khi Luật số 15/2023/QH15 về khám bệnh, chữa bệnh của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Trong khi, với hàng trăm ngàn y bác sĩ đang có chứng chỉ hành nghề, họ phải lo thay đổi tên một thứ giấy tờ mà công năng của nó là tính pháp lý để cho phép họ hành nghề y.

Theo đó, chứng chỉ hành nghề cấp trước ngày 1-1-2024 được chuyển đổi sang giấy phép hành nghề theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 5 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi theo quy định của luật này. Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với hồ sơ đã nộp trước ngày 1-1-2024 thực hiện theo luật cũ. Còn y bác sĩ nào nộp hồ sơ “xin được hành nghề” kể từ 1-1-2024 trở đi như trường hợp của bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn thì tên gọi của tờ giấy có tính pháp lý ấy sẽ là “giấy phép hành nghề”.

Điều này có nghĩa, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn ở phần đầu bài viết đi “thực hành” tại một bệnh viện để làm hồ sơ cho Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hành nghề chứ không còn gọi là “chứng chỉ hành nghề” nữa, vì hồ sơ nộp sau ngày 1-1-2024.

Một bác sĩ lâu năm ở TPHCM nói với người viết là chứng chỉ hành nghề hay giấy phép hành nghề nó chỉ khác nhau cái chữ, cái tên, còn bản chất vẫn là chứng nhận pháp lý do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp. Vị bác sĩ này nhận xét: cho phép y bác sĩ hành nghề thì việc gì lúc là chứng chỉ, lúc lại là giấy phép cho mất thời gian, tốn kém thời gian, tiền bạc.

Trong hội nghị gần đây ở một phòng y tế quận tại TPHCM nhằm hướng dẫn cho các cơ sở y tế trên địa bàn, mặc dù đại diện ngành y tế đã trình bày quy trình chuyển đổi từ chứng chỉ hành nghề sang giấy phép hành nghề nhưng sau đó nhiều bác sĩ vẫn thắc mắc, đủ để thấy điều này gây phiền toái, rắc rối cho cả cơ quan quản lý lẫn y bác sĩ.

Thế nhưng, hiện nay pháp luật quy định nhiều ngành, lĩnh vực mà người tham gia phải có chứng chỉ hành nghề. Trong một thống kê về cải cách hành chính, hiện có tới gần 30 ngành nghề cần có chứng chỉ hành nghề, mặc dù giảm rất nhiều so với cách nay chừng hơn mười năm. Từ khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, dịch vụ định giá bất động sản, dịch vụ làm thủ tục thuế, hành nghề luật sư, hành nghề y dược (nay chuyển sang giấy phép hành nghề)…

Có vẻ các chứng chỉ hành nghề đang được khôi phục trở lại qua cách mà bộ ngành nào cũng đòi ngành mình, lĩnh vực mình phải có chứng chỉ hành nghề. Và dường như các bộ ngành khi xây dựng dự thảo luật, sửa đổi bổ sung luật cho ngành mình để Chính phủ trình Quốc hội đều cố gắng “cài cắm” vài điều có lợi cho mình, như một “giấy phép con”, mà chứng chỉ hành nghề là dễ dàng thuyết phục nhất. Thậm chí, có ý kiến đề nghị giáo viên trong ngành giáo dục phải có chứng chỉ hành nghề.

Thực ra, các bộ ngành nếu cần có chứng chỉ hành nghề để đảm bảo chất lượng chuyên môn và tiện cho quản lý nhà nước thì cũng không có gì đáng nói, nhưng cũng nên thấy rằng bản chất của chứng chỉ hành nghề là tờ giấy có giá trị pháp lý do cơ quan quản lý ngành cấp cho một cá nhân tham gia làm việc trong ngành. Dù cơ quan quản lý có đổi chứng chỉ hành nghề sang giấy phép hành nghề thì giá trị pháp lý nó cũng chẳng có gì thay đổi nhưng các sở ngành cấp tỉnh, huyện sẽ thêm việc, người dân sẽ thêm phiền toái, tốn kém.

Không biết hàng chục chứng chỉ hành nghề hiện nay liệu lại có phải đổi tên sang giấy phép hành nghề như trường hợp ngành y hay không, nếu có thật là phiền toái và lãng phí biết bao cho Nhà nước và người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới