Thứ Tư, 21/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bán lẻ hàng giá rẻ đồng giá với thách thức sinh lời

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Với sản phẩm đồng giá chỉ từ 9.000 – 19.000 đồng, thậm chí rẻ hơn, kinh doanh hàng giá rẻ dường như luôn thu hút lượng lớn khách mua sắm tại các điểm bán trực tiếp cũng như gian hàng thương mại điện tử. Tuy vậy, nhiều ông chủ tiết lộ phải cân đo đong đếm chiến lược sinh lời trước thị trường bán lẻ có nhiều sự thay đổi.

Mở cửa hàng đồng giá vài chục nghìn đồng, làm sao lời?

Mô hình cửa hàng đồng giá với các sản phẩm giá rẻ từ 9.000 đến 39.000 đồng không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt. Một số hệ thống từ thương hiệu nước ngoài đã xuất hiện từ lâu, gần đây là sự gia nhập của nhiều cái tên mới trong thị trường hàng đồng giá như Tổng kho 6A với khoảng 20 cửa hàng, Look Look với 8 cửa hàng, Small Duck với 3 cửa hàng, Luck & Joy với 2 cửa hàng…

Tại TPHCM, theo ghi nhận của KTSG Online, thị trường có khoảng 9 nhãn hiệu bán hàng đồng giá. Mỗi nhãn hiệu có khoảng 2-3 cửa hàng tập trung ở những khu dân cư đông học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, khu công nghiệp có mật độ dân số cao… với mặt bằng to, dễ nhìn thấy.

Ông Phùng Thanh Ngọc, chuyên gia trong mảng nhượng quyền, nhân chuỗi cửa hàng chia sẻ, kho hàng ở Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) được mệnh danh là nơi tập trung các tổng kho hàng đồng giá lớn nhất quốc gia này. Một số doanh nhân tại đây đã tận dụng sự phát triển của thương mại điện tử để làm các ứng dụng mua hàng, liên kết với các kho hàng đồng giá. Điều này thuận tiện cho các đơn vị phân phối tại Việt Nam lựa chọn và mua buôn các sản phẩm này.

Từ đầu năm 2024 tới nay, công ty Retail Hub đã kết hợp cùng với đối tác các bên mở khoảng 10 cửa hàng bán sản phẩm đồng giá. Chuyên gia bán lẻ cho biết có vài yếu tố chính được cân nhắc kỹ để đảm bảo cho bài toán hoàn vốn, sinh lời của các cửa hàng đồng giá là tiêu chí lựa chọn điểm bán, phát triển ngành hàng và cơ cấu sản phẩm, các chương trình truyền thông khuyến mãi. Trong đó, việc tìm điểm bán đúng tiêu chí là quan trọng nhất.

Thông thường, điểm bán được lựa chọn có không gian tối thiểu từ 80 mét vuông, giá thuê tốt để đảm bảo thời gian thu hồi vốn cho mặt hàng giá trị không cao. Đồng thời điểm bán có diện tích kho đáp ứng cho việc lưu trữ và bổ sung hàng hóa kịp thời, có chỗ để xe cho lượng khách từ 30-70 khách/lượt.

Qua khảo sát 10 cửa hàng cho thấy tệp khách hàng chi tiêu cởi mở nhất với mô hình này là khách văn phòng và gia đình trẻ. Họ thường mua khoảng 8-12 món/lần. Sinh viên đông hơn thường mua khoảng 4-6 món/lần, khoảng dưới 100.000 đồng.

Với mặt bằng diện tích lớn, giá thuê tốt, ở khu vực đông tệp khách hàng tiềm năng, thời gian thu hồi vốn có thể đặt mục tiêu từ 12-14 tháng. “Người ngoài có thể nhìn thấy các diện tích khá rộng, nhưng thực tế các điểm này sẽ phải hy sinh đi một số tiêu chí khác để tối ưu giá thuê và thời gian thu hồi vốn”, ông Thanh Ngọc nói.

Đang vận hành 2 cửa hàng đồng giá được khoảng vài tháng nay, anh Nguyễn Thế Bảo, quản lý cửa hàng đồng giá Luck&Joy cho biết, cửa hàng với 3.000 mã hàng đồ gia dụng, văn phòng phẩm… có giá 19.000 đồng chiếm đến 98% tổng sản phẩm trưng bày và đón khoảng 1.000 lượt khách/ngày.

Bên trong cửa hàng đồng giá sản phẩm 19.000 đồng. Ảnh: Hoàng An

Đại diện điểm bán cho biết, hệ thống hai cửa hàng Luck&Joy nhập khoảng 70% hàng nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam, còn lại khoảng 30% mã hàng từ Trung Quốc có hóa đơn chứng từ nhập khẩu.

Anh ước tính trung bình một ngày mỗi lượt khách mua sắm từ 5-10 món hàng, bán khoảng 5.000 món/ngày, chi phí lợi nhuận phải 30-50% tùy món mới đảm bảo vận hành. Ngoài ra, để có giá bán lẻ như giá sỉ, chiết khấu tốt, anh kể hệ thống đánh vào việc nhập số lượng lớn trực tiếp từ nhà máy từ vài nghìn đến vài chục nghìn cái cho một mã hàng.

Bên cạnh đó, việc kích cầu khách liên tục đến điểm mua cũng quan trọng. Hiện tại, cửa hàng chủ động thay đổi luân phiên mẫu mã, tạo chương trình khuyến mãi, mua càng nhiều càng rẻ, truyền thông ngay tại điểm bán.

“Có những món cửa hàng bán không lời, nhưng sẽ bù lại những món khác lấy số lượng vì tất cả đều cùng một mức giá 19.000 đồng. Hơn nữa, việc tạo niềm tin cho khách hàng quay lại vì chất lượng cũng quan trọng khi không phải mua hàng rẻ mà xài không tốt hoặc không cho đổi trả”, anh nói.

Bán hàng online giá rẻ cũng gặp nhiều sức ép

Theo thống kê từ Metric, nền tảng số liệu thương mại điện tử Việt Nam, với sản phẩm từ 1.000 – 50.000 đồng, trong 6 tháng đầu năm 2024, TikTok Shop đã bán khoảng 81 triệu sản phẩm, đạt doanh số 3.000 tỉ đồng. Ở 4 sàn TMĐT còn lại là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo bán gần 750 triệu sản phẩm, đạt hơn 13.000 tỉ đồng.

Từ tháng 3-2024, các nền tảng có nhiều chính sách ưu tiên khách hàng, gia tăng trải nghiệm mua sắm như cho trả hàng hoàn tiền trong vòng 15 ngày, trả hàng khi không còn nhu cầu sử dụng, hoặc với nhiều lý do dễ dàng, việc kinh doanh mặt hàng giá rẻ với nhà bán hàng online gặp không ít khó khăn.

Anh Nguyễn Khoa, tham gia bán hàng trên TMĐT đã 4 năm nay với sản phẩm chính như văn phòng phẩm, cho biết lượng hàng hoàn về shop đã tăng 30% so với trước đây. Trung bình 10 đơn giao đi có 3-5 đơn trả về với lý do khách hàng không còn nhu cầu, thay đổi nhu cầu.

Ghi nhận trên các diễn đàn, hội nhóm, nhiều nhà bán hàng phản ánh đa phần những đơn hàng có giá trị dưới 50.000 đồng thì khi người mua thao tác trả hàng hoàn tiền với bất kỳ lý do gì đều được nền tảng xác nhận yêu cầu. Nhiều trường hợp khách không cần phải gói trả lại sản phẩm cho đơn vị vận chuyển để đưa về shop.

Tại gian hàng của anh Khoa, anh dẫn ra các đơn trả hàng hoàn tiền của mình dưới 50.000 đồng, anh không thể nào yêu cầu khách trả lại sản phẩm. Trên tài khoản của hệ thống không có mục khiếu nại nay yêu cầu khách làm việc này. Một số nhà bán hàng khác cho hay nếu yêu cầu khách gửi lại sản phẩm thì tiền vận chuyển hoàn về cao gấp 2-3 lần giá trị sản phẩm chỉ dao động 50.000 đồng.

“Mặc định khách vừa được nền tảng hoàn tiền mua sản phẩm đó và vừa giữ luôn sản phẩm, nhà bán hàng rất khó khăn khi khiếu nại vì cần cung cấp nhiều bằng chứng khác nhau. Cuối cùng, nhiều trường hợp tôi vừa mất hàng, vừa không nhận được tiền hoàn món hàng đó, hoặc muốn nhận hàng thì tiền vận chuyển ngược lại quá cao”, anh nói.

Để sinh lời với mặt hàng giá rẻ trên TMĐT, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Haravan, đơn vị chuyên cung ứng giải pháp kinh doanh số cho rằng, bán sản phẩm giá rẻ hầu hết đều dựa trên sản lượng hàng lớn được bán ra hoặc đó là một sản phẩm phễu cho những món chủ lực khác.

Trong trường hợp, sản phẩm giá rẻ là sản phẩm chính, nếu số lượng bán ra không đủ lớn, nhà bán hàng sẽ không tối ưu được chi phí sản phẩm, chi phí nhân sự, chi phí bán hàng… Chính vì vậy, với các sản phẩm giá rẻ có vòng quay tiêu thụ nhanh, tùy vào lĩnh vực ngành hàng mà các shop sẽ có chỉ số doanh thu, số lượng đơn hàng cần đạt được để có mức lợi nhuận tốt từ 8-10% sau khi trừ các chi phí.

Theo đó, các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử nên tham khảo, tìm hiểu nghiệp vụ quản lý tồn kho, xử lý đơn hàng chuyên nghiệp từ những chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Đây là điều cần thiết để tránh sai sót nhằm tối ưu được chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng, giảm được ngay tỉ lệ hoàn hàng.

Nhân viên đang xử lý lượng lớn đơn hàng online. Ảnh: Đỗ Quang Huy

Chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Đỗ Quang Huy tiếp lời kinh doanh hàng giá rẻ muốn bền vững, biên lợi nhuận ít nhất phải chiếm 50-60% giá trị đơn hàng vì phải chi trả nhiều mức phí khác như phí sàn từ 11-20%, tiền vận hành, nhân sự, thuế…

Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán hàng giá rẻ, chiến lược tập trung nhập số lượng lớn để lấy chiết khấu cao khó đi lâu dài vì giá trị sản phẩm vốn không cao. Trường hợp nhập hàng quá nhiều nhưng sức tiêu thụ không đủ thì dễ bị tồn hàng, khó xoay vốn.

Thay vào đó họ có thể tạo ưu thế bằng việc tìm sản phẩm mới, thêm nhiều mặt hàng giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, cửa hàng nên đầu tư nhân sự giám sát đơn hàng, xử lý khiếu nại trên nền tảng tránh thất thoát vốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới