Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều yếu tố không chắc chắn, nhà đầu tư có thể lựa chọn đứng ngoài thị trường

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bất chấp mùa cao điểm công bố báo cáo tài chính quí 2-2024, thị trường chứng khoán lại đang chịu khá nhiều áp lực điều chỉnh, từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư, tín hiệu kỹ thuật tiêu cực, nhận định thận trọng của các tổ chức, cho đến nhiều yếu tố không chắc chắn đang xuất hiện đồng thời.

Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn là ngân hàng nhưng chừng đó vẫn không đủ sức giúp chỉ số chung lấy lại sắc xanh trong phiên đầu tuần này (22-7-2024). Ảnh: LÊ VŨ

Quyết tâm thoát hàng?

Sau khi giảm 10 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước, phiên giao dịch đầu tuần này (22-7-2024) chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 10 điểm, thậm chí có lúc trong phiên giảm đến 20 điểm, về vùng 1.245 điểm. Tính từ đỉnh cao gần nhất 1.298 điểm đạt được hôm 10-7, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 3,5% tính đến phiên ngày 22-7. Một lần nữa chỉ số này lại thất bại khi muốn vượt qua vùng kháng cự 1.300 điểm.

Đáng lưu ý là dù dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn là ngân hàng, với nhiều cổ phiếu ngân hàng đóng cửa trong sắc xanh (như Techcombank, VietinBank, Vietcombank, HDBank, TPbank), nhưng chừng đó vẫn không đủ sức giúp chỉ số chung lấy lại sắc xanh trong phiên đầu tuần này. Hàng loạt cổ phiếu chìm sâu trong sắc đỏ, thậm chí giảm sàn, đã gây sức ép lên thị trường.

Đi kèm với những phiên giảm điểm là khối lượng giao dịch lớn hơn, cho thấy quyết tâm thoát hàng của nhà đầu tư, trước những yếu tố không chắc chắn ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đơn cử như hai phiên ngày 19-7 và 22-7, khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đều tăng lần lượt là 11% và 15% so với phiên trước đó. Hay như phiên ngày 17-7, VN-Index lao dốc gần 20 điểm, khối lượng giao dịch cũng tăng vọt đến 70% so với ngày trước đó.

Sự e ngại của nhà đầu tư thực tế vẫn duy trì trong hai tháng qua, khi chỉ số VN-Index đã không thể thoát khỏi vùng 1.300 điểm. Sự biến động khó lường nhưng xu hướng vẫn thiên về khả năng điều chỉnh khiến các nhà đầu tư thường mạnh tay bán ra mỗi khi thị trường đi xuống. Ngoài ra, các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn hiện cũng phát tín hiệu VN-Index đang bước vào chu kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ có động thái mua ròng trở lại trong những phiên thị trường đi xuống. Chính giao dịch của khối ngoại tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã phần nào kìm hãm tốc độ giảm của VN-Index, khi có những phiên chỉ số VN 30 giảm thấp hơn nhiều so với VN-Index.

Đây có lẽ cũng là lý do khiến nhiều công ty chứng khoán đang khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng với thị trường trong giai đoạn hiện nay, bất chấp mùa công bố báo cáo tài chính quí 2-2024 đang cho thấy sự tăng trưởng tích cực ở nhóm doanh nghiệp niêm yết. Việc vụ án ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán được đưa ra xét xử từ ngày 22-7 cũng có thể răn đe các hành vi giao dịch nội gián, thao túng cổ phiếu của các nhóm đầu tư, đội lái, ảnh hưởng lên thanh khoản trong ngắn hạn.

Tỷ lệ sử dụng margin cao cũng là một trong những yếu tố gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư. Thống kê cho thấy dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào ngày 30-6-2024 ước tính tăng khoảng 18.000 tỉ đồng, ghi nhận quí thứ 6 liên tiếp tăng so với quí trước. Trong đó, dư nợ margin ước tính khoảng 218.000 tỉ đồng, tăng 23.000 tỉ đồng so với cuối quí trước và cũng là con số kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, vượt xa giai đoạn đầu năm 2022 khi VN-Index trên đỉnh 1.500.

Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ có động thái mua ròng trở lại trong những phiên thị trường đi xuống. Ngày 17-7, khối ngoại mua ròng hơn 467 tỉ đồng trên cả ba sàn, ngày 18-7 mua ròng 1.103 tỉ đồng và ngày 22-7 mua ròng 352 tỉ đồng. Chính giao dịch của khối ngoại tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã phần nào kìm hãm tốc độ giảm của VN-Index, khi có những phiên chỉ số VN 30 giảm thấp hơn nhiều so với VN-Index.

Nhiều yếu tố không chắc chắn

Như đã nói, với nhiều yếu tố không chắc chắn phía trước, quyết định đứng ngoài thị trường có lẽ đang là lựa chọn phù hợp trong bối cảnh này đối với nhiều nhà đầu tư.

Về tình hình quốc tế, sự kiện ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây rúng động toàn cầu, nhưng sau đó cũng giúp tỷ lệ ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới tăng vọt bất ngờ. Nhiều loại tài sản đã phản ứng mạnh trước khả năng ông Donald Trump một lần nữa bước vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới sẽ không dễ dự đoán, khi mới đây ông Joe Biden tuyên bố rút khỏi chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2024, đồng thời ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris thay thế ông làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc cạnh tranh với ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa. Đây được xem là việc chưa từng có tiền lệ trong bầu cử Mỹ khi gần đến ngày bầu cử lại có ứng cử viên tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, nhưng bất ngờ là lượng tiền quyên góp cho đảng Dân chủ tăng vọt sau khi ông Joe Biden rút lui.

Với khả năng tác động sâu sắc đến các thị trường tài chính, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng mang đến nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, một yếu tố cần quan tâm nữa là cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9 tới, với xác suất cơ quan này sẽ lần đầu tiên giảm lãi suất trở lại kể từ tháng 3-2020 đang lên đến 92%. Với kỳ vọng rộng khắp như vậy, trong trường hợp Fed bất ngờ vẫn giữ nguyên lãi suất, đó sẽ là cú sốc cho thị trường. Vì vậy, không ít nhà đầu tư có lẽ vẫn muốn chờ động thái rõ ràng hơn của Fed trước khi quay lại thị trường.

Trong nước, bộ máy thượng tầng cũng đang đứng trước sự chuyển đổi lớn nhất trong nhiều năm qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm tới, mà còn tác động đến chính sách ngoại giao và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho giai đoạn kế tiếp. Việt Nam những năm qua đã trở thành điểm sáng về thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, nhưng không ít nhà đầu tư có lẽ đang chờ đợi xem liệu có sự thay đổi quan trọng nào sắp tới hay không?

Trong một diễn biến khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây chính thức đăng tải dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của bốn thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt nâng hạng thị trường trong thời gian tới.

Trong đó, dự thảo thông tư sửa đổi có nhiều quy định mới nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng. Đối với hoạt động công bố thông tin, dự thảo thông tư quy định: ngôn ngữ thông tin công bố trên thị trường chứng khoán là tiếng Việt. Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh, bảo đảm thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới