(KTSG) - Dữ liệu được xác định là nguồn tài nguyên mới, mang tính then chốt khơi mở cho sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số. Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia đã được xây dựng và đang hoàn thiện. Những lợi ích ban đầu cùng với những thách thức, bất cập trong việc việc quản trị, sử dụng, bảo vệ dữ liệu quốc gia đang dần hiển lộ.
- Khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ điều tra dân số và nhà ở
- Thủ tướng yêu cầu liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và dân cư
Bước đầu khai mở giá trị dữ liệu
Từ tháng 5-2015, với việc ban hành Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử đã bắt đầu. Gần một thập niên xây dựng và bồi đắp, đến nay đã có bảy CSDL quốc gia được vào vận hành và khai thác, bao gồm: (i) CSDL quốc gia về dân cư; (ii) CSDL hộ tịch toàn quốc; (iii) CSDL quốc gia về bảo hiểm; (iv) CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; (v) CSDL đất đai quốc gia; (vi) CSDL quốc gia về tài chính; (vii) CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã thiết lập được 2.087 CSDL chuyên ngành phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước. Tỷ lệ các bộ, tỉnh xác định được danh mục CSDL chiếm 64%.
Dựa trên nền tảng các CSDL đã được tạo lập, các hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia cũng bước đầu được thực hiện và tạo nên những giá trị kinh tế và hiệu quả quản lý nhà nước khá rõ ràng. Những số liệu đạt được từ việc triển khai dịch vụ công trực tuyến là minh chứng rõ ràng cho giá trị của dữ liệu. Theo thống kê, 81% thủ tục hành chính đã được triển khai dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến và 48,5% thủ tục hành chính được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Qua đó, bài toán liên ngành trong việc thực hiện thủ tục hành chính bước đầu đã có lời giải. Nhờ khai thác được CSDL quốc gia và CSDL dùng chung, việc tích hợp nhiều quy trình thực hiện thủ tục hành chính vào một quy trình đã có thể thực hiện.
Dữ liệu chỉ thực sự có giá trị nếu như có được cơ chế khai thác mở rộng để phục vụ không những cho Nhà nước mà còn hướng đến doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, mức độ người dân, doanh nghiệp tiếp cận và khai thác được giá trị của các bộ dữ liệu chuyên sâu để có thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị vẫn còn rất hạn chế vì thiếu cơ chế pháp lý.
Đơn cử như việc tích hợp bốn quy trình vào một quy trình trong quá trình đăng ký doanh nghiệp dựa trên nền tảng liên thông giữa (i) CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với (ii) hệ thống thông tin đăng ký thuế thuộc Bộ Tài chính; (iii) hệ thống thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và (iv) hệ thống thông tin của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Ngày trước, muốn tiến hành khởi sự kinh doanh phải bắt đầu bằng tám thủ tục hành chính với thời gian tối thiểu là 16 ngày, nay giảm xuống còn ba thủ tục với sáu ngày. Khoảng 650.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã được thực hiện theo quy trình mới, ước tính đã có thể tiết kiệm cho người dân và xã hội khoảng 6,5 triệu ngày công lao động.
Việt Nam đã có những bước nhảy khá tốt trên bảng xếp hạng quốc gia về dữ liệu. Theo đánh giá gần nhất của Open Data Watch vào năm 2022, Việt Nam đã tăng 25 bậc về xếp hạng dữ liệu mở trên thế giới (từ vị trí 105 tiến lên vị trí 80) và đang xếp vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, chỉ số thành phần về độ phủ dữ liệu mở đã tăng 44 bậc, từ vị trí xếp hạng 125 thế giới tiến lên vị trí 81(1).
Chỉ là những bước đầu
Mặc dù có những thành quả bước đầu nhưng thứ hạng về dữ liệu mở nói riêng và dữ liệu quốc gia nói chung của ta vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và dư địa phát triển. Sau quá trình thiết lập các nền tảng ban đầu khá tốt thì nhiều vấn đề bất cập đã bộc lộ.
Các CSDL quốc gia theo Quyết định 714/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa được xây dựng đầy đủ, trong đó có những CSDL quan trọng, mang tính nền tảng như CSDL đất đai quốc gia.
Trước khi có chiến lược quốc gia về dữ liệu, các hoạt động thu thập, lưu trữ dữ liệu được tiến hành mang tính cục bộ và phân tán, rời rạc dẫn đến sự trùng lặp và chồng chéo giữa các trường thông tin. Giữa các CSDL chưa có tính đồng bộ về tiêu chuẩn và khả năng kế thừa. Nhiều bộ, ngành thiếu một hệ thống quản lý dữ liệu tập trung, thay vào đó lại được triển khai theo ngành dọc, phân tán ở nhiều nơi từ trung ương đến địa phương.
Nhận thức chung về tầm quan trọng của dữ liệu vẫn chưa được hình thành dẫn đến tình trạng một số bộ, ngành triển khai quyết liệt và đã công bố dữ liệu gốc (như CSDL về dân cư; CSDL về cán bộ, công chức, viên chức; CSDL về đăng ký doanh nghiệp), phần còn lại vẫn đang trong quá trình triển khai hoặc chỉ mới bắt đầu.
Bên cạnh đó, tình trạng cát cứ, cục bộ, phân mảnh trong việc xây dựng, quản lý, chia sẻ dữ liệu vẫn đang tồn tại. Thực trạng này tạo nên những rào cản, khó khăn trong việc liên thông, kết nối, chia sẻ và khai thác giá trị của dữ liệu. Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại dữ liệu, thông tin được số hóa chỉ mới dừng ở mức 9%. Điều này dẫn đến xuất hiện hiện tượng số hóa nửa vời, khi mà vẫn còn tình trạng người dân phải đi xin cấp giấy tờ, trích xuất thông tin từ một cơ quan, đơn vị này để thực hiện một hồ sơ, thủ tục tại một cơ quan, đơn vị khác.
Thêm vào đó, trong thời gian qua, một rào cản quan trọng đang tồn tại để khai mở được giá trị dữ liệu là thiếu các cơ chế về tiếp cận dữ liệu, sử dụng và kinh doanh dữ liệu hay chính sách khuyến khích phát triển dữ liệu, hình thành nền kinh tế dữ liệu. Dữ liệu chỉ thực sự có giá trị nếu như có được cơ chế khai thác mở rộng để phục vụ không những cho Nhà nước mà còn hướng đến doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, mức độ người dân, doanh nghiệp tiếp cận và khai thác được giá trị của các bộ dữ liệu chuyên sâu để có thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị vẫn còn rất hạn chế vì thiếu cơ chế pháp lý.
Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2024/NĐ-CP ngày 9-5-2024 quy định về danh mục CSDL quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia. Nghị định này đã phần nào tháo gỡ những rào cản để các doanh nghiệp có cơ chế tiếp cận, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia. Vừa qua, các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu khai thác và sử dụng nguồn dữ liệu tin cậy từ CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ cho hoạt động định danh và xác thực điện tử đối với khách hàng như là một biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến.
Những lát cắt về hiện trạng dữ liệu quốc gia nói trên cho thấy chúng ta đã xây dựng được nền móng ban đầu trong chiến lược tổng thể của quốc gia về việc khai mở giá trị dữ liệu để biến dữ liệu thành một loại tài nguyên mới phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia với tầm nhìn trở thành một quốc gia số phát triển và an toàn. Mặc dù còn hàng loạt vấn đề cần phải tiếp tục xây dựng, bồi đắp, sửa chữa nhưng việc theo đuổi một chiến lược quốc gia về dữ liệu với tầm nhìn đến năm 2030 như đã công bố từ đầu năm 2024 là một bước đi đúng hướng.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.
(1) https://odin.opendatawatch.com/Report/multiYearCountryProfile