Thứ Sáu, 2/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Người già nông thôn – đường dài lệ thuộc con cháu

Nguyễn Minh Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Kết quả các cuộc khảo sát xã hội học gần đây cho thấy, có rất nhiều người trên 70 tuổi đang nương nhờ con cháu. Các số liệu thống kê cũng khẳng định về một số lượng không nhỏ người cao tuổi trong tương lai sẽ tiếp tục sự lệ thuộc vào thế hệ con cháu.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ảnh: N.K

Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2036, tức gần 12 năm nữa. Năm 2019, Việt Nam có 11,9% dân số trên 60 tuổi và tỷ lệ này sẽ chiếm hơn 25% vào năm 2050.

Tháng 2-2024 báo Dân Trí cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ có hơn 6,1 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp người có công, trợ giúp xã hội… Nghĩa là đang có hơn 8 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu không có lương hưu, chế độ trợ cấp, trong đó số lượng người già nông thôn không ít.

Vấn đề đặt ra là chính sách chăm sóc người già trước đây như thế nào và tương lai sẽ được cải thiện ra sao khi đến năm 2050 có tới hơn 25% dân số là người trên 60 tuổi? Có lẽ đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng và nhân hệ số cao nhất là 3 lần, tức mức hưởng cao nhất là 1.080.000 đồng. Với tình trạng sức khỏe người lớn tuổi ngày càng đi xuống, chi phí chăm sóc sức khỏe cao thì mức hỗ trợ với số tiền 360.000 đồng… quả là ít ỏi. Số lượng người già sau tuổi lao động tiếp tục tăng lên thì gánh nặng xã hội tiếp tục ảnh hưởng lên Nhà nước và nhất là các gia đình.

Nguyên nhân chính được nhắc đến vẫn là số người tham gia BHXH trong độ tuổi lao động còn thấp, dẫn tới các điểm khuyết trong chính sách an sinh – xã hội đối với người cao tuổi. Hiện có khoảng 34 triệu người lao động (tương đương 65%) không có BHXH. Với 34 triệu người lao động này, nếu không quyết liệt và kịp thời có biện pháp thúc đẩy tham gia dịch vụ hoặc chế độ an sinh, hưu trí thì tương lai gần chắc chắn là một gánh nặng cho Nhà nước, nhất là khi Nhà nước đang hướng tới mô hình an sinh và phúc lợi công bằng xã hội.

Đầu tháng vừa rồi, tôi về quê dự đám tang bà ngoại. Bà tôi làm nông ở quê cho đến gần 60 tuổi thì theo người làng vào Nam, đến Bà Rịa – Vũng Tàu bán vé số khoảng 10 năm mới trở về sống ở quê nhà cho đến khi mất.

Nhờ đi bán vé số hồi đó, bà nuôi được cả nhà, các dì nhỏ của tôi cũng được sánh ngang cùng bạn bè trong làng, thậm chí có phần nhỉnh hơn là đằng khác. Mỗi lần về, bà hay gom từng xấp vé số đã dò về cho bọn nhỏ xem chơi. Bà nói đó là tiền người ta mua chơi mà không trúng. Bà luôn hào hứng với những câu chuyện được người dưng giúp trên đường đi bán vé số và cả những lần bị giật vé, đánh tráo vé đã dò. Mỗi lần bà về nhà, ai cũng cản bà đừng đi nữa vì bà già rồi, đi lại khó khăn, nhưng bà vẫn đi vì có việc làm, có niềm vui, có tiền và thấy được nhiều thứ ngoài xã hội.

Rồi, tôi đi học xa, đi làm xa, thờ ơ tới nỗi quên mất thời điểm, giai đoạn khi bà trở về với lưng còng, chân mỏi. Bà ở nhà, nói chuyện nhiều nhưng không có tiền như lúc đi bán vé số. Công việc này đã cho bà một cuộc đời khác. Cuộc đời của một người đàn bà miền Trung chất phác, quen với phố thị nhộn nhịp nơi miền Nam và xứ biển tiêu dùng. Như bao người làng khác, bà trở về nương nhờ con cháu sau bao năm làm mẹ, giờ làm bà. Nhưng gánh bà thì các cháu không đương được, mà gánh mẹ thì “mười con không chăm nổi”… Như bao người già khác trong làng, bà chỉ còn ngồi đó chờ con cháu trợ giúp cái ăn, cái mặc và cả thuốc men bệnh tật vì già yếu. Bà tôi với cả đời lo lắng cho con cái, cho chúng hết những gì mình có nhưng giờ tay không lệ thuộc con cháu.

Chuyên khảo “Tìm phố trong làng” của tác giả Nguyễn Công Thảo(*) nói lên niềm “tâm tư” của người cao tuổi trong xã hội hiện đại. Trong đó có các diễn ngôn của nhà nước về người cao tuổi cũng như diễn ngôn của giới khoa học đối với người cao tuổi. Chuyên khảo cũng cung cấp góc nhìn của họ về sự biến chuyển xã hội nơi có sự phai nhạt của truyền thống, sự xâm lấn của hiện đại, nó giằng xé bên trong người cao tuổi.

Tìm phố trong làng là một khảo cứu khoa học nhưng đồng thời cũng như là một câu chuyện mà trong đó mô tả trạng thái “vừa im lặng, trầm ngâm, buồn tủi vì sự phai nhạt của truyền thống về những thứ đã mất. Vừa hả hê, háo hức, tự hào với sự đổi thay của làng nhà cao tầng, ô tô khắp nơi, cà phê Internet, siêu thị…”. Những mâu thuẫn nội tâm của họ vì những không gian thiêng, nhà ở, vườn nhà bị xâm lấn – nơi dành cho/thuộc về người cao tuổi. Tác giả thuật lại “Những âm giọng thở dài trầm ngâm chùng xuống, thừa nhận sự cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”.

Sự chăm sóc của con cái trong nhà dường như không còn bù đắp được những tâm tư của người già, dù chỉ là “cảm nhận”. Người cao tuổi nhìn thấy quá trình đô thị hóa diễn ra và xâm lấn làng thì cũng là lúc làng của họ mất dần đi tính nông thôn và văn hóa làng. Những tương quan giữa con người trong làng dần phai nhạt. Những người trẻ ra đi vì không bám được với mảnh vườn đồng quê, họ bỏ lại cả cha mẹ và con cái.

Những lúc nghe câu chuyện của họ, tôi lại miên man nghĩ về ai là người đang thụ hưởng thật sự của sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển không ngừng suốt gần 40 năm qua của đất nước? Ở nông thôn, cuộc chuyển đổi nông nghiệp theo hướng phi nông nghiệp nói thì dễ mà kết quả thì chưa rõ ràng, chưa nói đến hiệu quả. Người cao tuổi sau bao chuyến làm ăn xa thì trở về làng và bắt đầu sự lệ thuộc vào con cái khi khoản dành dụm hiếm hoi cạn kiệt. Người trẻ chịu ảnh hưởng của tư duy phi nông nghiệp, chọn học các ngành thời thượng, hoặc rẽ sang lĩnh vực khác không phải nông nghiệp. Ý niệm về gắn bó với ruộng đồng, sống với nghề nông sau khi học xong dường như không còn nữa, trừ một số rất ít những trường hợp đặc biệt.

Ở quê, tôi đã thấy nhiều nhà bê tông và nhà cao tầng đang dần cao hơn. Chủ nhà lái xe hiệu đời mới, dùng thiết bị hạng sang và đều là những người di cư, kể cả di cư chính thức lẫn không chính thức – bứt ra khỏi ruộng đồng để mưu tìm sinh kế riêng. Suốt quá trình hiện đại hóa không thể cản bước ở nông thôn, người nông dân không còn đóng kín trong làng như trước đây mà đã hòa mình vào sự tiến bộ, hiện đại của thế giới công nghệ và kỹ thuật cao. Nhưng trong không gian mới, nếp sống mới được hình thành đó dường như lại không dành chỗ cho những người chớm già, sẽ già và phải đối mặt với thực tế suy giảm trí lực, tài chính và sự trở lại của ký ức về quê nhà thuở nhỏ. Thật may, làng tôi dù đã đổi thay nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn còn đầy. Nơi đây, hàng xóm chung tay chăm sóc bà tôi, thăm hỏi và chia sẻ khi con cái trong nhà không phải lúc nào cũng có mặt.

Theo Hội nghị tập huấn công tác đối ngoại và bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế của ngành BHXH Việt Nam giữa tháng 7 này, đến tháng 6 vừa qua, số người tham gia BHXH là 18,305 triệu người, chiếm 39,05% lực lượng trong độ tuổi lao động . Trong khi đó, Báo cáo quí 2-2024 của Tổng cục Thống kê công bố “Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quí 2-2024 ước tính là 52,5 triệu người”.

Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh trong khu vực châu Á, sự già hóa của dân số cộng với tuổi thọ bình quân của người dân ngày càng tăng đòi hỏi Nhà nước phải chi tiêu nhiều cho các khoản hưu trí, chăm sóc sức khỏe và y tế.

Trong báo cáo Tổng quan Tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam năm 2023 được Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hiệp quốc cho biết “dân số lao động tạo ra thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu của mình và “gánh đỡ” nhóm dân số phụ thuộc trong nền kinh tế Việt Nam thực chất là nhóm những người trong độ tuổi từ 22-53 tuổi, không phải nhóm dân số trong độ tuổi lao động, từ 15-64 tuổi”. Báo cáo cho hay “Đây không phải một lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam”. Chất lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động ở đây xét ở sức lao động, cho thấy nhóm lao động từ 54-64 tuổi mặc dù chưa hết tuổi lao động nhưng hiệu quả không còn cao.
Ngọc Quyên

(*) Nguyễn Công Thảo. (2020). Tìm phố trong làng: Những chiều tâm tư của người cao tuổi (sách chuyên khảo). NXB Khoa học Xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới