Thứ Hai, 9/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Điện ảnh kỳ ảo cùng trí tuệ nhân tạo

Amy Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Năm 2022, đạo diễn trẻ tài năng người Mỹ Damien Chazelle – người từng khuấy đảo Hollywood với bộ phim xuất sắc cả về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu Lala Land – đã có canh bạc “để đời” với màn ra mắt tác phẩm tiếp theo của anh là Babylon. Nhưng nếu Babylon ra mắt muộn hơn chỉ 2-3 năm, thì Chazelle sẽ phải bổ sung thêm một cảnh phim tiêu biểu cho “tình nhân” mới nhất đang rất được Hollywood đầu tư chăm bẵm: trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI).

Người xem hẳn còn nhớ đoạn cuối phim Babylon, Chazelle đã cho trình chiếu một đoạn clip ngắn tổng hợp tất cả những gì mà anh cho là bước đột phá trong công nghệ làm phim qua hơn 100 năm như một lời tri ân sau cùng dành cho lĩnh vực đầy hào quang nhưng cũng không thiếu góc tối này.

Người hâm mộ (fan) điện ảnh hiện đại có thể dễ dàng nhận ra những hình ảnh kinh điển như màn biến thân của gã người máy hủy diệt làm từ kim loại lỏng T-1000 trong Terminator 2: Judgment Day, một trong những phim sớm nhất áp dụng thành công kỹ thuật CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) hay đại cảnh thiên nhiên muông thú hoành tráng trong Avatar, kiệt tác phim 3D thành công nhất mọi thời đại. Có lẽ, nếu Babylon ra mắt muộn hơn chỉ 2-3 năm, thì Chazelle sẽ phải bổ sung thêm một cảnh phim tiêu biểu cho “tình nhân” mới nhất đang rất được Hollywood đầu tư chăm bẵm: AI.

AI – quá khứ và tương lai đều ở “nơi đây”

Nếu là một fan cuồng nhiệt của nền điện ảnh Hollywood trong hơn 30 năm qua, hẳn bạn chí ít cũng đã từng nghe qua cái tên Robert Zemeckis. Ông được coi là một trong những nhà tiên phong, luôn tìm tòi khám phá những kỹ thuật hiệu ứng hình ảnh mới. Những đổi mới đáng chú ý trong “hồ sơ năng lực” của vị đạo diễn đã hơn 70 tuổi mà vẫn còn rất sung sức này gồm có: kết hợp giữa đồ họa máy tính và đoạn phim người thật trong “tam bộ khúc” Back to the Future và kiệt tác Forrest Gump, kết hợp nhân vật hoạt hình vẽ tay và diễn viên bằng xương bằng thịt trong Who Framed Roger Rabbit, cùng các bộ phim hoàn toàn bằng CGI, bắt chuyển động diễn viên như Beowulf và The Polar Express.

Tinh thần tìm tòi, nghiên cứu cái mới này chẳng hề có vẻ gì là giảm sút khi cuối tháng 6 vừa qua, hãng Sony đã tung ra đoạn phim giới thiệu của Here – thành quả sáng tạo mới nhất của Zemeckis, dự kiến ra rạp vào tháng 11 năm nay.

Hình ảnh hai diễn viên chính trong Forrest Gump (1994, phía trên) và Here (2024, phía dưới). Nhờ công nghệ Metaphysic Live AI, gần như không có gì khác biệt về độ trẻ trung giữa các nhân vật do hai người thủ vai. Nguồn: Kênh YouTube chính thức của Sony Pictures Entertainment

Khi đọc qua thông tin giới thiệu của Here, hẳn là kể cả những người không hào hứng lắm với bộ môn nghệ thuật thứ bảy cũng phải thấy lý thú: một bộ phim chính kịch dựa trên cuốn tiểu thuyết đồ họa cùng tên của Richard McGuire, có bối cảnh tại một mảnh đất duy nhất, trong một góc quay duy nhất đặt cố định, kể câu chuyện về thời quá khứ xa xưa, ở tương lai xa vời và mọi khoảng thời gian ở giữa đó, qua hàng ngàn năm.

Trọng tâm sẽ là cuộc đời kéo dài nhiều thập niên của một cặp vợ chồng người Mỹ do Tom Hanks và Robin Wright thủ vai. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu màn hội tụ sau đúng 30 năm của những tên tuổi đã sáng tạo ra tuyệt phẩm không thể nào quên Forrest Gump. Ngoài đạo diễn Zemeckis và hai diễn viên gạo cội nêu trên, còn có sự tái hợp của biên kịch, chỉ đạo quay phim và nhà sáng tác nhạc. Nhiều fan hâm mộ đã nói đùa đây chính là “Forrest Gump trong đa vũ trụ điên loạn” hay “Forrest Gump 2”. Có thể nói đây vừa là dịp “đoàn tụ gia đình” thân mật, lại vừa là một thử nghiệm đầy táo bạo nữa của “con nghiện công nghệ” Zemeckis.

Điểm đáng chú ý nữa của Here là tuy thuộc thể loại phim chính kịch, không có những đại cảnh hoành tráng hay màn chiến đấu cháy nổ kịch tính, song để phục vụ ý đồ truyền tải nội dung của đạo diễn và biên kịch, bộ phim này vẫn được áp dụng triệt để kỹ xảo tiên tiến nhất, ở đây là AI.

Nhằm thể hiện được sự thay đổi qua nhiều năm tháng trên các nhân vật, phim sẽ sử dụng một công cụ AI tạo sinh mới có tên là Metaphysic Live do hãng CAA phát triển, có khả năng trẻ hóa và hoán đổi khuôn mặt theo thời gian thực. Kết quả nhận được hẳn là đã khiến Zemeckis thỏa mãn.

“Tôi luôn bị cuốn hút bởi những công nghệ có thể giúp tôi truyền tải câu chuyện. Đối với Here, không thể nào làm được phim này mà không có cách để diễn viên hóa thân thành phiên bản trẻ hơn của chính họ một cách trơn tru. Công cụ AI Metaphysic đã làm được đúng như vậy, theo cách thức mà trước đây tưởng như bất khả thi”, vị đạo diễn hồ hởi tiết lộ. Ông cũng cho biết thêm: “Sau khi đã thử nghiệm đủ loại hình công nghệ hoán đổi khuôn mặt và trẻ hóa hiện có, thì Metaphysic thực sự là kỹ thuật tiên phong trong khả năng tạo ra nội dung AI chất lượng điện ảnh và là lựa chọn hoàn hảo cho bộ phim vô cùng phức tạp, tràn ngập cảm xúc này”.

Kevin Baillie – người giám sát sản xuất hiệu ứng hình ảnh cho Here – chia sẻ: “Thật phi thường khi chứng kiến Metaphysic AI có thể tạo ra nội dung tích hợp vào cảnh quay trực tiếp trên phim trường. Các diễn viên thậm chí còn có thể tận dụng công nghệ này làm “tấm gương tươi trẻ” – thử nghiệm các phương án diễn xuất cho phiên bản trẻ trung của họ trong thời gian thực”.

Hình ảnh hai diễn viên chính trong Forrest Gump (1994, phía trên) và Here (2024, phía dưới). Nhờ công nghệ Metaphysic Live AI, gần như không có gì khác biệt về độ trẻ trung giữa các nhân vật do hai người thủ vai. (Nguồn: Kênh YouTube chính thức của Sony Pictures Entertainment).

AI trong mọi khía cạnh

Nhờ sức mạnh vượt trội của AI, các nhà sáng tạo nội dung giờ đây có thể đạt được hiệu ứng hình ảnh và đồ họa choáng ngợp mà không cần đến trang thiết bị đắt đỏ, studio cồng kềnh hay thậm chí là nhân lực hùng hậu. Nhưng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hiệu ứng, AI còn tạo nên cuộc cách mạng trong cách chúng ta truyền tải câu chuyện, cách chúng ta tương tác với khán giả và thậm chí cả cách sản xuất và phát hành phim.

Cụ thể, thông qua kỹ thuật học sâu, AI có thể phân tích hàng trăm kịch bản để dự đoán khả năng thành công hay thất bại, giúp các biên kịch trau truốt lại kịch bản và tối ưu hóa quá trình ra quyết định cho nhà sản xuất. Trong khâu tuyển chọn diễn viên và địa điểm quay phim, AI có thể phân tích dữ liệu trước đây, xác định xu hướng và dự đoán ai sẽ là siêu sao kế tiếp; cung cấp thông tin chuyên sâu về dự báo thời tiết, kiểm soát đám đông và hậu cần, đảm bảo việc quay phim suôn sẻ.

Để trợ giúp nhân viên marketing và phân phối, AI có thể dùng dữ liệu đối tượng nhắm đến để điều chỉnh chiến lược marketing phim, dự đoán xem đoạn phim giới thiệu nào được đông đảo lượt view hay phong cách thiết kế poster nào thu hút được nhiều sự chú ý. Công nghệ này còn có thể tối ưu hóa cho công tác phát hành phim qua việc dự đoán khung thời gian ra rạp và nền tảng phát hành lý tưởng nhất.

Trí tuệ nhân tạo đang làm nên cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực, và ngành phim ảnh cũng không nằm ngoài đường đi của cơn bão. Trái với suy nghĩ của không ít người, việc triển khai AI trong quy trình làm phim không kìm hãm sức sáng tạo mà trái lại còn giúp “trí tưởng tượng bay xa”. Như trong ví dụ của bộ phim Here sắp ra mắt ở trên, trẻ hóa diễn viên trước đây vốn là khâu hậu kỳ tốn rất nhiều công sức thủ công thì nay lại có thể thực hiện được trong thời gian thực, trực tiếp tại địa điểm quay phim, trước sự chứng kiến và đánh giá của cả đoàn làm phim.

AI đã chứng tỏ được là một công cụ mạnh mẽ cho phép các nhà làm phim mường tượng và sáng tạo ra nội dung mà nếu không có nó, thì sẽ không thể nào đạt được hay chí ít thì cũng đặt ra thách thức vô cùng to lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới