(KTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết các đơn hàng tăng trở lại, giúp doanh thu và lợi nhuận có phần khởi sắc so với thời gian ảm đạm trước đây.
- Hàng dệt may có thể bị Indonesia điều tra phòng vệ thương mại
- Dệt may, da giày, gỗ Việt hấp dẫn doanh nghiệp ngoại đến ‘tận cửa’ mua hàng
Theo đó, tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết riêng trong quí 2 năm nay, doanh thu đã tăng 11,2% so với quý trước đó, TTXVN đưa tin.
Trong đó, công ty Hòa Thọ đạt kết quả kinh doanh tốt trong quí 2 với doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tăng tới 110%, đạt mức cao nhất trong vòng 7 quí trở lại đây.
Chi phí giá vốn giảm giúp biên lợi nhuận của công ty đã tăng lên 14%, góp phần tăng lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế mang về công ty mẹ đạt hơn 115 tỉ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch về doanh thu và 65% kế hoạch lãi trước thuế.
Ngoài Vinatex, một số công ty trong ngành dệt may cũng ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng cho biết quí 2 đạt doanh thu thuần hơn 2.000 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lãi ròng đạt khoảng 86,3 tỉ đồng với biên lợi nhuận gộp được cải thiện.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng cao nhờ việc tập trung vào các sản phẩm khó, mở rộng thị trường xuất khẩu và tự động hóa quá trình sản xuất.
Còn tại công ty dệt may Thành Công, doanh thu nửa đầu năm đạt hơn 1.800 tỉ đồng, đạt 47% so với kế hoạch cả năm. Lợi nhuận ròng đạt hơn 147 tỉ đồng, hoàn thành 85% kế hoạch năm, đã nhận hơn 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quí 3 và quí 4.
Tuy nhiên, các chuyên gia chia sẻ ngành dệt may vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, gồm các quy định mới về môi trường và lao động, cạnh tranh từ các nước khác, chi phí sản xuất tăng cao và thiếu hụt nguồn nhân lực.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 20 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ riêng trong tháng 7, ngành dệt may đã mang về gần 3,4 tỉ đô la Mỹ.