Chủ Nhật, 4/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thấy gì qua cơ cấu cổ đông lớn của các ngân hàng?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nắm lượng cổ phần vượt trội, tỷ lệ sở hữu cô đặc, vốn tập trung về cổ đông tổ chức, các ông bà chủ ngân hàng thật sự lại không muốn lộ diện… Đó là những gì hiện ra trong thông tin công bố cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên của các ngân hàng…

Tại VPBank 17 cổ đông nắm hơn 64,2% vốn điều lệ. Ảnh: LÊ VŨ

Bức tranh muôn màu

Những ngày vừa qua, hàng loạt ngân hàng công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Kết quả cho thấy tỷ lệ sở hữu tại nhiều ngân hàng có tính cô đặc lớn, khi chỉ một lượng cổ đông nhỏ đã nắm giữ tỷ lệ sở hữu khá lớn.

Đơn cử như tại OCB, 20 cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ trở lên đã sở hữu đến 80,6% vốn ngân hàng, tương ứng với số cổ phần sở hữu là 1,66 tỉ cổ phần; gồm 13 cổ đông tổ chức nắm gần 55,8% vốn và bảy cổ đông cá nhân nắm 24,8% vốn còn lại, riêng chủ tịch hội đồng quản trị và người có liên quan sở hữu hơn 19,9% vốn.

Hay như tại VPBank, con số này là 17 cổ đông nắm hơn 64,2% vốn; trong đó bốn cổ đông tổ chức sở hữu 23,4% và 13 cổ đông cá nhân giữ hơn 40,8%. Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này và người có liên quan nắm hơn 33,6% vốn, trong khi tỷ lệ sở hữu công bố cuối năm 2023 tại báo cáo quản trị theo Luật Chứng khoán là 13%. Sự khác biệt lớn này do quy định mới trong Luật các tổ chức tín dụng 2024 mở rộng hơn về “người có liên quan” so với trước, khi bao gồm cả cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, anh em rể, chị em dâu, ông bà nội ngoại… Đây cũng là nguyên nhân chung đẩy tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ và người có liên quan tại các ngân hàng tăng so với số liệu công bố trước đây.

Trái lại, số lượng cổ đông sở hữu vốn từ 1% trở lên tại LPBank dừng lại ở con số 2, gồm Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) với tỷ lệ sở hữu 6,54% vốn, cùng với người có liên quan nắm chưa đến 0,09% vốn. Cổ đông còn lại là ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch Hội đồng quản trị LPBank với tỷ lệ sở hữu hơn 2,765% vốn, và người có liên quan chỉ nắm vỏn vẹn 0,0002%. Như vậy, theo danh sách do LPBank công bố, hơn 90% cổ phần của ngân hàng này là do các cổ đông “nhỏ” sở hữu dưới 1% vốn đứng tên.

Quy định cho phép duy trì tỷ lệ sở hữu hiện hành là một giải pháp lựa chọn dung hòa, khi vừa kiểm soát các cổ đông đang sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt trội không được gia tăng thêm tỷ lệ sở hữu để có thể duy trì quyền thao túng, nhưng cũng tránh gây áp lực buộc các nhóm cổ đông này phải ngay lập tức thoái vốn về mức quy định mà có thể gây bất ổn nhưng chưa chắc thành công.

Trong khi đó tại MSB, dù có 11 cổ đông sở hữu 1% vốn trở lên, gồm 10 cổ đông tổ chức và một cổ đông cá nhân với tổng sở hữu hơn 35,4% cổ phần, nhưng đáng lưu ý danh sách này không thể hiện tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch Hội đồng quản trị MSB là ông Nguyễn Anh Tuấn và người có liên quan. Tuy nhiên, nhóm công ty thành viên của ROX Group – tập đoàn do vợ ông Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và một số doanh nghiệp khác đang nắm hơn 20% vốn MSB. Đơn cử như Công ty cổ phần (CTCP) Rox Key Holdings nắm 2,4% vốn MSB; CTCP Đầu tư xây dựng Rox Cons Việt Nam nắm 1,87%, CTCP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL nắm 1,08%; Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài nắm 4,96%.

Eximbank – ngân hàng vướng vào các cuộc tranh giành quyền kiểm soát những năm gần đây, bất ngờ cho thấy chỉ có năm cổ đông đang sở hữu vốn từ 1% trở lên. Trong đó, ba cổ đông tổ chức là Tập đoàn Gelex nắm 4,9%, đứng thứ hai là Công ty Chứng khoán VIX nắm 3,58%, thứ ba là CTCP Thắng Phương nắm 3,07%. Hai cổ đông cá nhân còn lại gồm bà Lương Thị Cẩm Tú – thành viên Hội đồng quản trị và bà Lê Thị Mai Loan – Phó tổng giám đốc, mỗi người sở hữu hơn 1% vốn Eximbank.

Ngân hàng không có cổ đông cá nhân nào nắm giữ từ 1% vốn trở lên là MBBank, khi đang có sáu tổ chức sở hữu 47,2% vốn. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội nắm 19%; kế tiếp là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm 9,8%. Hai tổ chức sở hữu lớn kế tiếp cũng đều là doanh nghiệp nhà nước gồm Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nắm 8,4% và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nắm 7,1%. Hai cổ đông tổ chức còn lại là quỹ đầu tư Pyn Elite sở hữu 1,6% và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam sở hữu 1,2%.

Cần một cơ cấu sở hữu cân bằng hơn?

Thời gian trước, khi muốn tìm hiểu về cơ cấu cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư thường nghiên cứu báo cáo thường niên và báo cáo quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các báo cáo này có hạn chế là chỉ công bố tỷ lệ sở hữu vượt trội của một vài cổ đông lớn nhất, thường là cổ đông tổ chức, cùng với tỷ lệ sở hữu của các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành và người có liên quan. Những thông tin này chưa thật sự đủ để xác định tỷ lệ sở hữu thật sự của những ông bà chủ đứng phía sau.

Là một ngành kinh doanh có điều kiện và được giám sát chặt chẽ, với những quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu chi phối, có thể thấy ngành ngân hàng luôn được quan tâm lớn về cơ cấu cổ đông. Và động thái công bố thông tin trên của các ngân hàng nhằm đáp ứng quy định mới tại khoản 5, điều 49 của Luật các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Theo đó, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên và các nội dung liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.

Ngoài ra, tuy giới hạn tỷ lệ sở hữu với cổ đông cá nhân được giữ như hiện hành ở mức 5%, nhưng một sửa đổi quan trọng khác là giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cho cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%. Dù vậy, với cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới, họ vẫn được duy trì lượng cổ phần đang nắm giữ nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Rõ ràng với những cổ đông tổ chức đang sở hữu cổ phần ngân hàng vượt mức 10%, hay cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần ngân hàng vượt mức 15%, nếu buộc họ phải đưa tỷ lệ sở hữu về giới hạn mới theo quy định mới, đây sẽ là một thách thức không nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có những hạn chế nhất định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nước ngoài cũng có mức trần quy định, nguồn lực tài chính trong nước suy yếu, dòng tiền mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn gốc rõ ràng, việc thoái vốn các khoản đầu tư vào ngân hàng không phải là điều dễ dàng.

Vì vậy, có thể nói quy định cho phép duy trì tỷ lệ sở hữu hiện hành là một giải pháp lựa chọn dung hòa, khi vừa kiểm soát các cổ đông đang sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt trội không được gia tăng thêm tỷ lệ sở hữu để có thể duy trì quyền thao túng, nhưng cũng tránh gây áp lực buộc các nhóm cổ đông này phải ngay lập tức thoái vốn về mức quy định mà có thể gây bất ổn nhưng chưa chắc thành công.

Dù vậy, trong dài hạn, một cơ cấu cổ đông với tỷ lệ sở hữu cân bằng hơn vẫn là điều cần thiết, nhằm tránh cho hoạt động của các ngân hàng có thể bị thao túng, đặc biệt là ở những tổ chức đang có lượng sở hữu cô đặc và rơi vào một số ít cổ đông cùng người có liên quan nắm tỷ lệ quá lớn.

Gần đây đã có một số ngân hàng lên kế hoạch tìm kiếm lại cổ đông chiến lược nước ngoài, khóa room ngoại để bán vốn cho nhà đầu tư quốc tế, như là cách để đa dạng hóa thành phần cổ đông và tiến tới một cơ cấu sở hữu phù hợp hơn trong giai đoạn tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới