Thứ Bảy, 7/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu vàng lên đỉnh, đầu cơ vàng vào tầm ngắm

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong dòng tiền chảy vào vàng thế giới tiếp tục tăng lên ở quí 2 vừa qua, nhu cầu vàng của Việt Nam được đánh giá là đạt mức cao nhất kể từ năm 2014.

Vàng thanh và vàng xu. Nguồn: WGC.

Nhu cầu vàng tiếp tục tăng

Theo báo cáo quí 2 của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quí 2 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.

“Các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước”, báo cáo của WGC đánh giá.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là trong quí 2, Việt Nam ghi nhận ​​nhu cầu vàng trang sức yếu hơn, khi giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó kéo lùi nhu cầu trong nửa đầu năm 2024 về mức thấp nhất kể từ năm 2020. Sự sụt giảm chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua, theo lý giải của WGC.

Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác cũng ghi nhận nhu cầu vàng tăng lên, đi cùng xu hướng giá vàng tăng.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC, cho biết nhu cầu vàng của các quốc gia ASEAN đang theo dõi vẫn ở mức tích cực, khi tất cả đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. “Một phần là do tiền mất giá”, vị này lý giải.

Ở quy mô toàn cầu, tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là quí tăng mạnh nhất trong dữ liệu thu thập được. Tổng nguồn cung vàng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng vàng tái chế tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, là quí tăng cao nhất kể từ năm 2012.

Trong số tổng nhu cầu vàng tăng lên, phần lớn đến từ các giao dịch trên thị trường phi tập trung sôi động hơn, tăng 53%. Còn nếu loại trừ thị trường này thì lại giảm 6% do lượng tiêu thụ vàng trang sức giảm mạnh.

Trong quí 2, giá vàng tăng lên mức kỷ lục lên mức 2.427 đô la Mỹ/ounce. Mức giá trung bình đạt 2.338 đô la/ounce, cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Động lực thúc đẩy được cho là đến từ nhu cầu trên thị trường phi chính thức tăng, hoạt động mua vào liên tục từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chậm lại.

Các ngân hàng trung ương và các tổ chức thuộc chính phủ đã nắm giữ thêm 183 tấn vàng trên toàn cầu, dù tốc độ đã chậm lại so với quý 1 nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Khảo sát của WGC cũng cho kết quả các nhà quản lý có thể tiếp tục gia tăng mua vàng, do nhu cầu bảo vệ và đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị diễn biến phức tạp.

Bà Louise Street, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại WGC, đánh giá những thay đổi đang diễn ra trên thị trường toàn cầu có thể hỗ trợ và làm tăng nhu cầu vàng. Trong đó bao gồm đợt cắt giảm lãi suất của Fed, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF đang tăng lên khi sự quan tâm từ các nhà đầu tư phương Tây trở lại; hay cắt giảm thuế nhập khẩu gần đây tại Ấn Độ.

Thị trường Việt Nam đang chững lại và siết đầu cơ

Trong diễn biến có liên quan, giá vàng thế giới sáng ngày 31-7 lại tăng mạnh lên trên mốc 2.400 đô la/ounce, sau khi nhiều phiên xoay quanh mức 2.380. Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm thêm 500.000 giá bán vàng miếng, về mức 78 triệu đồng mỗi lượng.

Tại Việt Nam, một số các chính sách quản lý vàng liên quan đến quản lý hành chính cũng đang được triển khai thêm. Chẳng hạn, TPHCM thành lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh đến việc xác minh các trường hợp mua gom vàng để đầu cơ trục lợi.

Việc mua vàng miếng trực tiếp qua 5 đơn vị được phép bán cũng có điểm mới, khi khách hàng phải có tài khoản thanh toán rồi mới được mua vàng. Ngân hàng cũng sẽ giao vàng vào ngày tiếp theo sau khi hoàn thành thủ tục.

Tại cuộc họp báo mới đây, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đang phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau để cùng quản lý thị trường vàng, bao gôm buôn lậu, quản lý hóa đơn mua bán… Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Đánh giá của NHNN cho biết mục tiêu ban đầu là kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được. Mức chênh lệch trên 5 triệu đồng mỗi lượng, theo thống kê tại buổi họp báo hồi 23-7.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá rằng bên cạnh các giải pháp hành chính có thể giúp hạn chế phần nào tâm lý đầu cơ tích trữ, điều chỉnh tâm lý người mua, bên cạnh các giải pháp điều chỉnh trực tiếp liên quan đến cung – cầu thị trường.

Tuy nhiên, các chính sách trên được cho là giải quyết các vấn đề trước mắt, như đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, sẽ cần thêm những giải pháp mang tính dài hạn hơn. Nhu cầu vàng sẽ còn đối diện với áp lực tăng giá trên thị trường thế giới trong nửa cuối năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới