Thứ Năm, 1/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thêm muối i-ốt vào thực phẩm: Chọn lọc hay ‘phủ’ toàn diện?

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thiếu i-ốt sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ nhưng thừa chất này cũng không tốt, có thể gây ra bệnh cường giáp Jod-Basedow. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, việc đưa muối i-ốt vào sản xuất thực phẩm phải có chọn lọc.

Bổ sung muối i-ốt vào thực phẩm có thực sự cần thiết?

Lo ngại tình trạng ăn thiếu i-ốt, Bộ Y tế đã ra Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Nghị định quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”.

 Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm từng có kiến nghị bãi bỏ quy định này vì cho rằng, yêu cầu này gây lãng phí và kém hiệu quả cho đơn vị sản xuất. Đặc biệt, việc thay muối có i-ốt sẽ làm tăng giá thành, chất lượng sản phẩm giảm bớt vì hương vị, màu sắc…

Trao đổi với KTSG Online, ông Vũ Thế Thành, chuyên gia độc lập, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học thuộc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, về mặt lợi ích, như đa số mọi người nghĩ, thiếu i-ốt có thể gây ra bệnh bướu cổ và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Trong đó, trẻ thiếu i-ốt có thể bị thiểu năng, chậm phát triển tâm thần… Phụ nữ mang thai thiếu chất này cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển não của thai nhi. Người lớn bị rối loạn do thiếu i-ốt, nhất là phụ nữ thì từ tinh thần đến thể xác đều mệt mỏi, làm việc uể oải.

“Vì vậy, nếu thiếu i-ốt thì rất cần bổ sung, đặc biệt là với trẻ em và phụ nữ mang thai”, ông Thành nói và cho biết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người trưởng thành cần trung bình 150 microgam i-ốt mỗi ngày. Phụ nữ mang thai cần nhiều hơn là 220 microgam và phụ nữ cho con bú cần đến 290 microgam mỗi ngày.

Việc bổ sung muối có i-ốt sẽ làm tăng giá thành, chất lượng sản phẩm giảm bớt vì hương vị, màu sắc. Ảnh minh hoạ: Minh Thảo

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Bá Thoại, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, có nhiều nguồn cung i-ốt cho cơ thể như từ thức ăn, nước uống. Do đó, việc bổ sung i-ốt vào trong muối ăn không phải là nguồn duy nhất. Thế nhưng, việc thừa vi chất này sẽ gây ra cường giáp Jod-Basedow, cũng nguy hiểm không kém suy giáp. Đây là hội chứng cường giáp sau khi dùng quá thừa i-ốt như ăn quá nhiều hoặc dùng thuốc có i-ốt (thuốc chống loạn nhịp tim amiốtarone, thuốc cản quang có chứa i-ốt để chụp phim quang tuyến X trong chẩn đoán hình ảnh y khoa).

Việc bắt buộc tất cả thực phẩm phải dùng muối có i-ốt có thể gây nguy hiểm sức khỏe cho những người thừa i-ốt (bệnh cường giáp). Những người có bệnh cường giáp phải hạn chế tiêu thụ thực phẩm có nhiều i-ốt. Nếu toàn dân phải dùng muối i-ốt thì những bệnh nhân cường giáp phải lựa chọn thực phẩm khó khăn hơn.

Ở góc độ sản phẩm thương mại, ông Vũ Thế Thành cũng cho rằng, nhiều loại thực phẩm dùng muối i-ốt, khi chế biến đưa lên nhiệt độ cao đều thất thoát quá nhiều i-ốt, thậm chí không còn i-ốt trong thành phẩm như đồ hộp, mì gói, xúc xích tiệt trùng… Trong một vài trường hợp có thể trở ngại cho thực phẩm công nghiệp, bởi muối i-ốt có tính oxid hóa làm sẫm màu thực phẩm.

“Sự biến màu này không có hại cho sức khỏe, nhưng về ngoại quan của sản phẩm không đạt. Chẳng hạn như nước mắm công nghiệp dùng màu tổng hợp nên bền, không bị ảnh hưởng nếu dùng muối i-ốt. Còn màu nước mắm truyền thống là màu tự nhiên, rất mong manh, chỉ cần tiếp xúc lâu với ánh sáng cũng đủ xuống màu, huống gì với muối i-ốt”, ông Thành đưa ra dẫn chứng.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đối với ngành nước mắm, việc bổ sung muối i-ốt làm tăng chi phí giá thành, thậm chí giảm sức cạnh tranh trên chính sân nhà. Bởi các nước láng giềng như Thái lan xuất khẩu nước mắm không bổ sung i-ốt sang nước ta với giá rẻ hơn. Một số nước từ chối nhập khẩu như Nhật, Úc… nếu nước mắm có sử dụng muối i-ốt.

Nước mắm không cần thiết phải sử dụng muối i-ốt vì chủ yếu làm từ cá biển đã rất giàu i-ốt. Qua quá trình ủ chượp (quá trình ủ lên men cá tươi trong một thùng chứa để tạo ra nước mắm) lâu từ 6-12 tháng, i-ốt của muối sẽ bay hơi.

Các giải pháp bổ sung i-ốt trên thế giới

Theo đại diện VASEP, đa số các nước chỉ bắt buộc bổ sung i-ốt cho muối ăn dùng trong nấu ăn hàng ngày. Đặc biệt, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Úc và các nước châu Âu là tự nguyện bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm (không yêu cầu bắt buộc).

Một số nước chỉ quy định sử dụng muối i-ốt để chế biến các loại thực phẩm cụ thể. Việc sử dụng i-ốt nhiều trong đời sống, ít gây ra thay đổi về mặt cảm quan. Phần lớn lượng i-ốt có thể được giữ lại trong sản phẩm muối, viên gia vị, hạt nêm… Còn Nhật Bản cấm sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm (kể cả đối với sản phẩm nhập khẩu).

Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cho biết, thực tế, nhiều nước chỉ yêu cầu tất cả muối bán trên thị trường phải là muối i-ốt. Còn đưa muối i-ốt vào công nghiệp thực phẩm phải có chọn lọc và tùy ngành; không phải bắt tất cả ngành thực phẩm chế biến sử dụng muối i-ốt như Việt Nam.

Nhiều nước trên thế giới đưa muối i-ốt vào công nghiệp thực phẩm phải có chọn lọc và tùy ngành. Ảnh minh họa

Mỗi quốc gia đều có mức độ kinh tế phát triển khác nhau, thu nhập khác nhau, mức chênh lệch giữa nông thôn và đô thị khác nhau, thế mạnh công nghiệp, trình độ văn hóa, giáo dục và thói quen ẩm thực khác nhau.

“Vì vậy, không thể sao chép giải pháp “phủ vi chất toàn diện” của nước này áp dụng cho Việt Nam, bất chấp những khó khăn của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế. Bởi có loại thực phẩm bổ sung vi chất nhưng không hiệu quả như mì gói bổ sung muối i-ốt sau giai đoạn chiên”, ông Thành chia sẻ thêm.

Trước thực trạng này, chuyên gia này cho rằng, muối i-ốt có thể bổ sung vào nước mắm công nghiệp, nước tương hoặc sữa học đường. Kẽm, sắt có thể bổ sung vào bột nêm…hoặc “phủ tùy vùng”. Chẳng hạn như tập trung vào vùng cao nguyên hoặc nông thôn, nhất là những nơi mức sống thấp, có thể phun sắt kẽm vào gạo bán với giá trợ cấp, thay vì “phủ toàn diện” và tước đi quyền chọn lựa của người dùng. Việc “phủ toàn diện” chỉ nên áp dụng trong trường hợp đặc biệt như ở các nước phát triển, quy định bổ sung vitamin D vào sữa bò để tăng cường hấp thu canxi…

Có thể thấy rằng việc bổ sung i-ốt, sắt và kẽm vào thực phẩm là điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Vấn đề là chọn giải pháp nào là hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của doanh nghiệp và quyền lựa chọn của người dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới