(KTSG Online) – Qua 19 năm xếp hạng PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá tích cực về môi trường đầu tư, kinh doanh. Thế nhưng, điều này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để “kéo” nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào vùng. Vậy, nhà đầu tư muốn gì, các địa phương cần có chiến lược ra sao để thay đổi tình thế?
Số liệu báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, luỹ kế đến ngày 20-6-2024, cả nước thu hút được khoảng 484,77 tỉ đô la Mỹ vốn FDI, trong đó, khu vực ĐBSCL được hơn 36,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 7,5% tổng vốn FDI cả nước, xếp 4/6 vùng kinh tế cả nước.
ĐBSCL thu hút vốn FDI khá “èo uột”, dù luôn được doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh qua 19 năm Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (trước đây là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI) đánh giá, xếp hạng PCI.
Môi trường tốt vẫn “chưa làm hài lòng” nhà đầu tư!
Tại hội thảo khu vực ĐBSCL về “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững” diễn ra hôm 31-7, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Ban pháp chế VCCI cho biết, qua 19 năm triển khai PCI, đơn vị này đã nhận được phản hồi của gần 190.000 doanh nghiệp trong cả nước. Riêng năm 2023, có gần 10.700 doanh nghiệp, trong đó, ĐBSCL gần 1.400 tham gia trả lời khảo sát môi trường kinh doanh.
Phản hồi của doanh nghiệp là chỉ số đo lường mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh của các địa phương trong cả nước. “Kết quả công bố hồi tháng 5-2024 cho thấy trong tốp 30 địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, thì ĐBSCL có đến 8 đại diện, bao gồm Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh và Tiền Giang”, ông Thạch cho biết.
Xét tổng thể dữ liệu điều tra 19 năm qua của VCCI, xu hướng chung là chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước đã có sự cải thiện, nhất là với khu vực ĐBSCL. “Xét tương quan trong 10 năm gần đây (2013-2023), ĐBSCL đạt điểm trung bình vùng nằm trong nhóm có chất lượng môi trương kinh doanh được đánh giá cao”, ông Thạch nhận xét và cho biết, riêng năm 2023, vùng ĐBSCL đạt điểm số trung bình 66,71 điểm, đứng thứ 3 trong các vùng kinh tế cả nước (sau Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ).
Còn đánh giá cụ thể môi trường kinh doanh của khu vực ĐBSCL, vị phó trưởng ban Ban pháp chế VCCI nhấn mạnh, khu vực này được doanh nghiệp đánh giá cao thiết chế pháp lý ổn định, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp.
“Một loạt chỉ tiêu đánh giá thiết chế pháp lý của ĐBSCL cao nhất cả nước, bao gồm về hệ thống pháp luật giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ; doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật; về các vấn đề liên quan quyền tài sản; doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết tranh chấp”, ông Thạch dẫn chứng
ĐBSCL là khu vực có chi phí không chính thức thấp nhất cả nước khi chỉ có 2% doanh nghiệp được hỏi cho biết chi trên 10% doanh thu cho chi phí này. Trong khi tỷ lệ này của các vùng còn lại đều cao hơn.
ĐBSCL cũng là khu vực được doanh nghiệp đánh giá cao về sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền qua nhiều năm điều tra. “Năm 2023, điểm trung bình của ĐBSCL là 6,85 điểm, đứng thứ hai sau Đồng bằng sông Hồng”, ông Thạch dẫn chứng.
Làm sao để “kéo” dòng vốn FDI về ĐBSCL?
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút vốn FDI là cần thiết, nhưng rõ ràng qua thực tế đã chứng minh vẫn chưa đủ “sức hấp dẫn” với các nhà đầu tư.
Vậy, câu hỏi được đặt ra, đó là các địa phương trong vùng cần phải làm thêm những gì để có thể đáp được những đòi hỏi của các nhà đầu tư?
Trao đổi với KTSG Online, ông Toshiyuki Fukuda, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam International thừa nhận, đối với doanh nghiệp nhỏ/công ty gia đình của Nhật Bản, khi đầu tư vào một khu vực, họ đưa cả vợ, con theo nên tiện ích phục vụ đời sống cũng là yếu tố lựa chọn quan trọng. “Tuy nhiên, vấn đề của ĐBSCL là điều kiện phục vụ nhu cầu này chưa đáp ứng” ông nói và đưa ra dẫn chứng, học ở trường quốc tế là một trong những yêu cầu đặt ra khi có con nhỏ theo cùng.
Trong khi đó, với các tập đoàn lớn, vị Tổng giám đốc Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam International cho biết, địa điểm chọn đặt nhà máy là nơi có chi phí nhân công rẻ với những ngành như: chế biến thực phẩm, may mặc. “Nếu ĐBSCL thay đổi, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, thì dòng vốn sẽ tăng lên”, ông nói.
Ngoài ra, theo vị này, bên cạnh việc giải quyết vấn đề hạ tầng, môi trường kinh doanh, tay nghề của người lao động cũng phải đáp ứng. “Địa phương nào có lao động lành nghề và dịch vụ một cửa thuận lợi luôn là ưu tiên của các nhà đầu tư”, ông cho biết.
Liên quan vấn đề lao động, trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI khu vực ĐBSCL gợi ý, khi các địa phương đã định hình được lĩnh vực phát triển/thế mạnh riêng, thì phải xây dựng chương trình đào tạo cho lĩnh vực đó, kể cả lao động quay trở lại địa phương. “Chính quyền phải có chính sách hỗ trợ cho người dân. Khi nhà đầu tư đến, có sẵn hạ tầng, đủ nguồn lực họ sẽ đầu tư”, ông Lam nhận định.
Theo gợi ý của vị giám đốc VCCI khu vực ĐBSCL, mọi việc phải được tiến hành song song để “chớp lấy cơ hội”, chứ có đường cao tốc rồi, mà vẫn phải chờ khu công nghiệp, chờ lao động có tay nghề…, thì mỗi nhịp mất 2-3 năm, thậm chí 5 năm là rất khó. “Đường cao tốc là câu chuyện ban đầu, nhưng sự chuẩn bị của các địa phương mới là quan trọng’, ông nói.
Ông Thạch của VCCI chia sẻ với KTSG Online rằng, có nhiều lý do khiến thu hút FDI khu vực ĐBSCL chưa như kỳ vọng. Trong đó, ngoài yếu tố địa lý “không thay đổi được”, thì chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực là những yếu tố nhà đầu tư rất quan tâm. “Thậm chí, một trong những điểm chúng tôi quan sát thấy là họ cũng rất quan tâm đến chuỗi cung ứng có liên quan. Đó là những điều các địa phương cần chủ động chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư”, ông nhấn mạnh.
Đại diện của Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam International thừa nhận, tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư khi đến Việt Nam, đó là địa điểm đầu tư phải gần các trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông vận tải lớn như cảng biển, sân bay…
Ngoài ra, một tiêu chí khác là gần nguồn nguyên liệu, khu vực có nhân công giá rẻ, lao động giỏi nghề. “Đấy là những tiêu chí doanh nghiệp lựa chọn đầu tư”, ông nói.
Thực tế, trong tổng số 36,2 tỉ đô la Mỹ vốn FDI vào vùng ĐBSCL luỹ kế đến 20-6-2024 như đã nêu ban đầu, riêng tỉnh Long An chiếm 13,887 tỉ đô la Mỹ cũng là con số phản ánh chính xác vai trò của vị trí địa lý khi nằm cạnh Trung tâm kinh tế lớn của cả nước là TPHCM...
Do ổn, chứ ko phải tốt, tiêu đề có lý do gòi
Khu này có thể đẩy thêm thương hiệu, quốc tế hoá dược, y, giáo dục y dược, nghiên cứu nông nghiệp, sinh học năng lượng tái tạo ngoài khơi và mặt trời không nhĩ?