Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cà phê ngày càng …xa xỉ vì biến đổi khí hậu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các mẫu hình thời tiết khắc nghiệt do nhiệt độ toàn cầu tăng đang làm giảm đáng kể sản lượng cà phê robusta, đẩy giá tăng mạnh trong năm nay.

Các nhà rang xay cà phê trên thế giới bắt đầu tăng giá bán để bù đắp chi phí nguyên liệu cao hơn. Theo các chuyên gia, giá cà phê dự kiến vẫn đắt đỏ trong thời gian dài vì tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Điều đó cũng có nghĩa là cà phê sẽ trở thành thức uống ngày càng xa xỉ đối với người tiêu dùng.

Các báo cáo nghiên cứu dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu có thể giảm đến 50% vào năm 2050 do nhiều khu vực không còn thích hợp để trồng cà phê khi nhiệt độ tăng lên dưới tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Climate Institute

Sản lượng cà phê toàn cầu có thể giảm 50% vào năm 2050

Ở một vùng hẻo lánh thuộc cao nguyên Chiapas ở miền nam Mexico, có khoảng 150 nông dân làm việc tại trang trại cà phê của gia đình Edelmann. Bóng mát của các tán cây giúp tránh được cái nắng gay gắt của mùa hè.

Theo Tomas Edelmann, một nông dân trồng cà phê thế hệ thứ tư và là phó chủ tịch của một hợp tác xã nông dân cà phê địa phương, phương pháp trồng dưới bóng râm giúp cây cà phê trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn. Tuy nhiên, mùa khô kéo dài hơn bình thường do biến đổi khí hậu vẫn khiến vụ thu hoạch cà phê năm nay chịu tổn thất.

“Nếu thời tiết bất lợi, sản lượng cà phê sẽ bị ảnh hưởng. Với sản lượng thấp, rõ ràng chi phí sản xuất sẽ tăng lên”, ông chia sẻ với hãng tin CNN.

Chi phí sản xuất cao có thể dẫn đến lạm phát giá cà phê. Các tín đồ cà phê có thể phải tốn nhiều tiền hơn trong tương lai khi giá tăng cao. Các nhà rang xay và chuyên gia cà phê cũng dự báo, giá cà phê có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài do các yếu tố như biến đổi khí hậu làm giảm nguồn cung cà phê toàn cầu.

Tháng trước, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo chỉ giá tổng hợp ICO, theo dõi giá cà phê trung bình trên toàn cầu, đạt mức cao nhất trong 13 năm, 2,27 đô la Mỹ mỗi pound (0,45 kg). Trong dài hạn, giá có thể còn tăng cao hơn nữa vì biến đổi khí hậu gây ra những tác động nghiêm trọng và khó lường đối với sản lượng cà phê.

Theo một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học PLOS One năm 2022, do tác động của biến đổi khí hậu, đến năm 2050, số khu vực thích hợp để trồng cà phê trên toàn cầu dự kiến giảm khoảng 50%. Sự suy giảm này chủ yếu là do nhiệt độ tăng lên ở các nước trồng cà phê lớn như Brazil, Việt Nam, Indonesia và Colombia.

Một báo cáo khác của Viện Khí hậu (Mỹ) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu có thể giảm 50% vào năm 2050 do biến đổi khí hậu.

Theo đó, nhiệt độ nóng lên gây ra một số mối đe dọa mới đối với sản xuất cà phê, từ nhiệt độ trồng không phù hợp đến một loại sâu bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm. Trong đó, nghiêm trọng nhất có lẽ là bệnh rỉ gắt (làm vàng lá) khiến lá cây cà phê rụng hàng loạt. Bệnh này, do các bào tử nấm Hemileia vastatrix gây ra, từng tàn phá ngành công nghiệp cà phê ở Sri Lanka. Loại nấm này sinh sản và lây lan nhanh hơn ở vùng có khí hậu nóng.

Nông dân tưới cây cà phê ở một trang trại ở tỉnh Đắk Lắk. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê robusta niên vụ 2024-2025 sẽ chỉ đạt từ 1,28 - 1,35 triệu tấn, giảm tới 20% so với niên vụ 2023-2024 do tình trạng khô hạn và sâu bệnh. Ảnh: AFP

Robusta “lèo lái” thị trường cà phê

Theo Michael Hoffmann, giáo sư danh dự của Trường Nông nghiệp và khoa học đời sống thuộc Đại học Cornell (Mỹ), cà phê nhạy cảm hơn với những thay đổi về nhiệt độ so với nhiều loại cây trồng khác. Các mẫu hình khí hậu cực đoan gần đây, bao gồm hiện tượng El Nino đã làm suy giảm sản lượng cà phê

“Biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ. Thời tiết khắc nghiệt hơn với nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cà phê và những người làm việc ở trang trại cà phê. Có lẽ đối với người tiêu dùng, cà phê sẽ ngày càng đắt đỏ hơn”, Michael Hoffmann nói.

Các chuyên gia trong ngành cà phê thường nói rằng “khi Brazil hắt hơi, phần còn lại của thế giới sẽ cảm lạnh”, ám chỉ vị thế nhà sản xuất arabica số 1 thế giới của nước này.

Arabica là loại cà phê cao cấp hơn robusta và chiếm hơn 60% tổng sản lượng cà phê toàn cầu. Vì vậy, khi một đợt sương giá mạnh bất thường tàn phá vụ mùa cà phê ở Brazil vào mùa hè năm 2021, thị trường cà phê hứng chịu cú sốc nguồn cung ngay lập tức. Giá cà phê arabica kỳ hạn đã tăng lên tới mức 2,6 đô la mỗi mỗi pound.

Theo Ryan Delany, người sáng lập Coffee Trading Academy, giá cà phê arabica thường dao động trong khoảng từ 1-1,4 đô la/pound nhưng trong 3 năm qua, liên tục cao hơn mức đó.

Tác động của sương giá đối với cà phê arabica cũng lan sang sang cà phê robusta. Delany giải thích, khi giá cà phê arabica tăng cao, các nhà rang xay chuyển sang sử dụng cà phê robusta, có giá rẻ hơn và thường sử dụng trong cà phê hòa tan. Với việc ngày càng có nhiều người đổ xô vào thị trường cà phê robusta, giá càng tăng nhanh, lên các mức kỷ lục trong năm nay trong bối cảnh nguồn cung từ Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới, sụt giảm.

Delany lưu ý, hiếm khi nhu cầu robusta vượt qua arabica nhưng điều đó đang xảy ra khi giá cà phê arabica tiếp tục duy trì ở mức cao.

Dù robusta có khả năng chịu hạn tốt hơn, sản lượng vẫn suy giảm khi nhiệt độ cao hơn bình thường. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê robusta niên vụ 2024-2025 sẽ chỉ đạt từ 1,28 - 1,35 triệu tấn, giảm tới 20% so với niên vụ 2023-2024 do tình trạng khô hạn và sâu bệnh.

Neil Rosser, giám đốc và nhà tư vấn hàng hóa chuyên về cà phê của Bison Luxley Commodities, cho biết arabica thường chi phối trường cà phê. Tuy nhiên, năm nay, đà tăng mạnh của giá robusta đang đẩy giá cà phê trung bình toàn cầu tăng lên. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường cà phê và vấn này sẽ kéo dài dai dẳng.

Không chỉ thời tiết bất lợi khiến giá cà phê tăng cao. Nhu cầu mới nổi tại các thị trường như Trung Quốc sẽ khiến nguồn cung cà phê thắt chặt hơn.

Các nhà kinh doanh và rang xay cà phê từ lâu mua cà phê của nông dân với giá thấp. Nhưng một số đang tăng giá mua để giúp ngành cà này phát bền vững hơn. Thu nhập cao hơn sẽ khuyến khích nông dân tiếp tục trồng cà phê thay vì các loại cây trồng khác và tái đầu tư cho các biện pháp giảm thiệu rủi ro sâu bệnh và khí hậu. Nếu giá cà phê không tăng lên đáng kể thì không có lý do gì để người trồng cà phê duy trì sản xuất lâu dài.

Các nhà rang xay rục rịch tăng giá

Trao đổi với Financial Times hồi tháng 6, Giuseppe Lavazza, Chủ tịch Lavazza Group (Ý), sở hữu thương hiệu cà phê Lavazza, cho biết giá cà phê ở các siêu thị tại Anh đã tăng giá khoảng 15% trong năm nay và có thể tăng thêm 10% vào năm sau. Giá cà phê sẽ duy trì ở mức cao chứ không giảm xuống đáng kể do chuỗi cung ứng đang chịu áp lực.

Ngoài nhiệt độ cao kỷ lục làm suy giảm sản lượng, ngành cà phê còn đối mặt các quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) và tình trạng gián đoạn vận tải biển do tác động của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ. Nhiều nhà rang xay cà phê như Lavazza Group buộc phải tăng giá và giảm tỷ suất lợi nhuận do chi phí nguyên liệu thô tăng cao.

JM Smucker, công ty sở hữu các thương hiệu cà phê Folgers và Café Bustelo, đang thống trị thị trường cà phê quê nhà Mỹ đã tăng giá bán vào mùa hè này. Do chi phí tăng cao, Pret A Manger, chuỗi cà phê và thức ăn nhanh của Anh vừa loại bỏ gói dịch vụ cho phép khách hàng uống tới 5 cốc cà phê mỗi ngày với mức phí 30 bảng (39 đô la Mỹ) mỗi tháng.

Chuỗi cửa hàng cà phê Variety Coffee Roasters ở New York gần đây tăng giá bán lẻ khoảng 5%. Đây là lần đầu tiên công ty tăng giá bán sau 5 năm.

Chênh lệch giá cà phê robusta và arabica tiến gần đến mức nhỏ nhất chưa từng thấy do robusta tăng giá mạnh hơn trong năm nay. Điều này khiến một số nhà rang xay tìm mua cà phê arabica chất lượng thấp thay vì sử dụng robusta trong công thức pha chế như trước đây để giảm chi phí.

Theo Michael Kapos, Phó Chủ tịch Downeast Coffee Roasters, một nhà rang xay cà phê ở bang Rhode Island (Mỹ), chiến lược tiết kiệm chi phí bằng cách sử dụng robusta pha chế kèm với arabica không còn hiệu quả .

“Các cửa hàng cà phê không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá bán”, ông nói. Downeast Coffee Roasters đã tăng giá bán 5% vào đầu năm nay.

Những người yêu thích cà phê của chuỗi cửa hàng Starbucks có thể sẽ chưa chứng kiến mức giá cao hơn cho đồ uống. Điều này là vì Starbucks đã ký hợp đồng mua cà phê với số lượng trong dài hạn ở mức giá cố định. Tuy nhiên, Neil Rosser của Bison Luxley Commodities cho rằng, nếu chi phí cà phê nguyên liệu tiếp tục neo ở mức cao thì việc khách hàng trả tiền cho một cốc cà phê đắt tiền hơn trong tương lai điều không thể tránh khỏi.

“Các nhà rang xay muốn giữ giá bán lẻ ổn định. Họ không thích làm phiền người tiêu dùng. Nhưng đôi khi điều đó là không thể nếu giá cà phê tăng quá cao”, Rosser nói.

Bất chấp giá tăng, các chuyên gia khẳng định, nhu cầu cà phê sẽ không sớm giảm. “Không có lựa chọn thay thế nào cho cà phê. Nếu bạn có sở thích uống cà phê vào mỗi buổi sáng, thì dù giá mỗi cốc cà phê là 1 đô la hay 3 đô la, bạn cũng phải uống”, Delany nói.

 Theo CNN, Bloomberg

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới