Thứ Bảy, 10/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế vùng Đông Nam bộ chưa mạnh như kỳ vọng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bảy tháng đầu năm nay, dù tăng trưởng khá nhưng tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam bộ vẫn chưa đạt kỳ vọng là trở thành vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.

Tăng trưởng kinh tế vùng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%).

Thông tin này được ghi nhận tại sự kiện Hội nghị Hội đồng điều phối vùng lần thứ 4 ở TPHCM vào ngày 10-8. Sự kiện do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, chủ trì với sự tham dự các thành viên Hội đồng điều phối là lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ.

Tăng trưởng Đông Nam Bộ chỉ cao hơn Tây Nguyên

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt gần 400.000 tỉ đồng, chiếm 38,1% tổng thu NSNN, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng Sông Hồng (chiếm gần 43%).

Giá trị xuất khẩu của vùng đạt 59,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%).

Trong thời gian qua, điểm sáng của vùng Đông Nam Bộ là có số doanh nghiệp đăng ký thành lập và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Quang cảnh Hội nghị Hội đồng điều phối vùng lần thứ 4 ở TPHCM. Ảnh: L. Hoàng

Về tiến độ một số dự án quan trọng, liên kết vùng, ông Dũng cho biết, một số dự án đã có chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có hơn 90% diện tích mặt đường được rải đá dăm, dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30-4-2025, sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao.

Tính hết tháng 7-2024, Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đã hoàn thành 80%. Dự án xây dựng Nhà ga Hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 60% tiến độ toàn dự án, riêng phần xây thô nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%.

Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Đông Nam Bộ

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Mục tiêu là xác định chính sách phù hợp, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng diện áp dụng thí điểm; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng.

Bên cạnh đó là thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư; thí điểm áp dụng một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng và cả nước.

Trong đó, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng vùng Đông Nam Bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù.

Đó là chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng; chính sách về phát triển khu công nghiệp; chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Theo ông Dũng, hiện còn nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ, địa phương hoàn thành theo tiến độ nhưng không nêu lý do hay đề xuất trình cấp có thẩm quyền lùi thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, các đề án, nhiệm vụ mới phê duyệt có nhiều nội dung phức tạp, cần thời gian nghiên cứu.

Nguồn lực triển khai các dự án còn khó khăn, không đủ để thực hiện toàn bộ các công trình, dự án mà cần phân kỳ thực hiện. Hạ tầng giao thông liên kết vùng, liên kết đầu tư phát triển và khả năng kết nối kinh tế tỉnh thành vào chuỗi giá trị toàn cầu chưa cao…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương góp ý để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Tại hội nghị, ông Dũng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng một số bộ, ngành, địa phương có những chỉ thị, hành động để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.

Trong đó, Thủ tướng cần ban hành chỉ thị về công tác phát triển vùng Đông Nam bộ nhằm đôn đốc các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước khẩn trương rà soát, triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Bình Dương khẩn trương có ý kiến tham gia đối với kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam bộ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng, như Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa – Vũng Tàu; đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua địa bàn vùng Đông Nam bộ; các tuyến đường sắt đô thị TPHCM…

TPHCM cần khẩn trương chủ trì, nghiên cứu trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án Đường vành đai 4 TPHCM.

Đồng thời, TPHCM cùng các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài, Chơn Thành – Gia Nghĩa, TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; phấn đấu khởi công vào dịp 30-4-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các dự án có tính chất quan trọng, cấp bách theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch vùng để đề xuất với Hội đồng vùng đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Trong đó, dành nguồn vốn phù hợp để làm trước công tác chuẩn bị đầu tư sau khi được phép nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới