Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tuần ‘rung lắc’ mạnh của VN-Index!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tuần giao dịch trước (từ ngày 5 đến ngày 9-8-2024) chứng kiến biến động mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Chỉ số VN-Index rơi gần 50 điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, qua đó lùi sâu xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm. Dù vậy, lực cầu đã nhanh chóng trở lại giúp chỉ số này dần ổn định và hồi phục khá tốt về cuối tuần. Tính chung cho cả tuần, VN-Index vẫn giảm 12,9 điểm (tương đương 1,05%) về mốc 1.223 điểm.

Dòng tiền có xu hướng tập trung ở nhóm vốn hóa lớn VN30 với giá trị giao dịch bình quân phiên ở nhóm này tăng 16,7%, nâng tỷ trọng phân bổ lên 53,5% từ mức 48,5% của tuần trước đó. Giao dịch đột biến ở cổ phiếu VHM trong phiên ngày 7-8 đóng góp đáng kể vào mức tăng về thanh khoản ở nhóm VN30.

Trong khi đó, tỷ trọng dòng tiền ở nhóm vốn hóa vừa VNMID gần như không đổi so với tuần trước đó (35,3% so với 35%) với giá trị giao dịch bình quân phiên tăng nhẹ 7%. Tính chung, giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả ba sàn ở mức 16.376 tỉ đồng, giảm nhẹ 2,8% so với tuần trước đó và giảm 6,6% so với trung bình năm tuần.

Tính chung cả tuần (từ ngày 5 đến ngày 9-8-2024), VN-Index vẫn giảm 12,9 điểm, về mốc 1.223 điểm. Ảnh: LÊ VŨ

Đóng góp vào lực bán mạnh trong tuần qua là động thái bán ròng quyết liệt trở lại của khối ngoại. Thống kê sau năm phiên giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 3.979 tỉ đồng trên toàn thị trường. Hai cổ phiếu bị bán ròng ngàn tỉ đồng trong tuần qua là VJC (1.127 tỉ đồng) và VHM (1.109 tỉ đồng).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM là “điểm sáng” khi được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất với 736 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh quí 2 cho những tín hiệu tích cực về đà hồi phục doanh thu và lợi nhuận đã khiến VNM là một trong số ít các cổ phiếu thu hút được dòng tiền trong chuỗi phiên điều chỉnh của VN-Index vừa qua.

Trên thế giới, tuần qua đánh dấu tuần biến động nhất của TTCK các nước kể từ đầu năm 2024 đến nay. Tại Mỹ, trong phiên đầu tuần 5-8, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã bốc hơi 1.000 điểm, còn S&P 500 sụt 3% - phiên được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 2022. Dữ liệu việc làm gây thất vọng của Mỹ vào tuần trước đó và lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quá muộn màng trong việc hạ lãi suất là nguyên nhân chính dẫn đến đợt bán tháo trên.

Thêm vào đó, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định tăng lãi suất điều hành lên 0,25 % khiến đồng yen tăng giá mạnh, buộc các vị thế “carry trade” (chiến lược kiếm lợi bằng cách tận dụng chênh lệch lãi suất giữa các loại tiền tệ) bằng đồng yen phải nhanh chóng đóng vị thế, đã làm thị trường tài chính toàn cầu trải qua một phen chao đảo.

Đáng chú ý, tại mức thấp nhất trong phiên ngày 5-8, chỉ số S&P 500 đã lao dốc gần 10% so với mức cao mọi thời đại. Đà sụt giảm của Nasdaq Composite thậm chí đã đạt đến vùng điều chỉnh vượt quá 10%. Trong khi đó, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) - thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, cũng đã đạt mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và cuộc đại khủng hoảng tài chính.

Mặc dù vậy, các chỉ số chứng khoán đã mau chóng phục hồi trở lại, với việc số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đáng khích lệ vào ngày 8-8 đã giúp giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về nền kinh tế Mỹ.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống mức 233.000 đơn, giảm 17.000 đơn so với tuần trước đó và thấp hơn mức dự báo 240.000 đơn của Dow Jones. Sau khi thông tin trên được công bố, chỉ số S&P 500 đã tiến thêm 2,3% trong phiên ngày 8-8, đánh dấu phiên tăng tốt nhất kể từ tháng 11-2022, còn chỉ số Dow Jones cũng cộng thêm 1,7% trong khi Nasdaq Composite tăng gần 2,9%.

Một điểm đáng lưu tâm là theo công cụ theo dõi FedWatch của CME Group, thị trường đang đặt cược xác suất tăng dần (quanh mức 50%) cho việc Fed sẽ xem xét cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới (trong khi xác suất cho mức cắt giảm này vào thời điểm cuối tháng 7 chỉ dưới 10%).

Với TTCK Việt Nam, đà hồi phục từ vùng đáy 1.180 điểm vẫn đang diễn ra song vẫn gây không ít nghi ngờ cho các nhà đầu tư do không có sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền. Giá cổ phiếu đi lên chủ yếu nhờ “tiết cung” chứ không hẳn nhận được sự ủng hộ của lực cầu lớn. Đi đầu trong đợt hồi phục này vẫn là những cổ phiếu bluechip có nền tảng cơ bản tốt, hứa hẹn tình hình kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm như FPT, MWG, VNM, MSN, STB…

Trên cơ sở đó, bối cảnh hiện tại vẫn chỉ thích hợp cho các nhà đầu tư duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cân bằng và quản trị chặt rủi ro danh mục. Việc mua đuổi giá xanh trong các phiên tăng điểm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn là cơ hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới