Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng tiết kiệm Hàn Quốc chú trọng phục vụ lao động nhập cư

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các ngân hàng tiết kiệm và ngân hàng số Hàn Quốc đang tập trung vào tệp khách là lao động phổ thông người nước ngoài trong các kế hoạch mở rộng kinh doanh.

Các ngân hàng tiết kiệm là các tổ chức cho vay thương mại được xem là hạng hai (thứ cấp) ở Hàn Quốc, chủ yếu phục vụ những khách hàng có điểm xếp hạng tín dụng quá thấp, không thể tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng hạng nhất (lớn hơn).

Các ngân hàng tiết kiệm là các tổ chức cho vay thương mại được xem là hạng hai (thứ cấp) ở Hàn Quốc, chủ yếu phục vụ những khách hàng có điểm xếp hạng tín dụng quá thấp, không thể tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng hạng nhất (lớn hơn).

Hàn Quốc hiện là nơi sinh sống và làm việc của 2,61 triệu công dân nước ngoài, tăng 4% so với con số 2,51 triệu người vào đầu năm nay và đến 34% so với cuối năm 2021. Số lao động nước ngoài chiếm khoảng 1 triệu người, trong đó người lao động từ Trung Quốc và Việt Nam là hai nhóm đông nhất, với tỷ lệ lần lượt là 35,3% và 11,3%.

Tệp khách tiềm năng mới

Sự gia tăng số lượng cư dân nước ngoài đã khiến các ngân hàng tiết kiệm nhận ra nhu cầu lớn trong bối cảnh các khoản vay trong nước của công dân quốc tịch Hàn Quốc ngày càng giảm.

Số dư nợ chưa thanh toán đã giảm xuống còn 99.950 tỉ won (72,88 tỉ đô la) tính đến tháng 5 vừa rồi, giảm 4,7% so với mức 104.930 tỉ won của năm 2023 và giảm 13,2% so với mức 115.280 tỉ won của năm 2022.

“Việc giảm số dư nợ chưa thanh toán không có nghĩa là khách hàng, gần như 100% là công dân Hàn Quốc, đã cân bằng được tình hình tài chính, có cuộc sống khá hơn và do đó không cần phải vay mượn thêm tiền. Trên thực tế, mức giảm như vậy cho thấy ngày càng nhiều người Hàn Quốc có tình trạng tài chính tồi tệ hơn và không đủ điều kiện để vay tiền từ chúng tôi”, người phát ngôn của một ngân hàng tiết kiệm nói.

Lao động phổ thông người nước ngoài có thị thực E-9 đã thu hút sự chú ý của ngành ngân hàng Hàn Quốc, bởi họ là tệp khách hàng bị lãng quên và có rất ít dữ liệu về xếp hạng tín dụng.

Người có thị thực E-7 cũng được quan tâm. Đây là những lao động nước ngoài có kỹ năng nâng cao và đủ điều kiện ở lại Hàn Quốc lâu dài sau khi làm việc hơn năm năm theo thị thực E-9.

Các ngân hàng tiết kiệm sẽ tận dụng kinh nghiệm phục vụ tệp khách có điểm tín dụng thấp trước đây để thu hút tệp khách lao động phổ thông nước ngoài. Thị trường cho vay với lao động phổ thông nước ngoài hiện có quy mô khoảng 500 tỉ won mỗi năm.

Kể từ khi giới thiệu dịch vụ cho vay dành riêng cho người sở hữu thị thực E-9 từ chín quốc gia, bao gồm Campuchia, Myanmar và Việt Nam, tính đến tháng 4 vừa rồi, ngân hàng Welcome Savings Bank (WSB) đã cho vay khoảng 10 tỉ won. Đây là số tiền cho vay lớn nhất trong mạng lưới ngân hàng tiết kiệm. WSB nói lao động phổ thông nước ngoài là tệp khách tiềm năng, bởi tỷ lệ quỵt nợ chỉ 0,2%.

"Chúng tôi xem bước đột phá ban đầu vào các dịch vụ tài chính cho người nước ngoài là “thành công” và có kế hoạch kinh doanh dài hạn cho thị trường này”, WSB nói.

OK Savings Bank cũng đã ra mắt dịch vụ cho vay với người có thị thực E-9 vào tháng 4. Ngoài ra, KB Savings Bank đã giới thiệu dành cho người có thị thực E-9 và E-7.

Ngân hàng số cũng nhập cuộc

Ngân hàng số tức các ngân hàng chỉ phục vụ trực tuyến đang phát triển mạnh tại Hàn Quốc. Hiện có ba ngân hàng số tại nước này. Trong đó, KakaoBank đứng đầu với 23 triệu tài khoản, trong khi Kbank và Toss Bank có hơn 10 triệu khách hàng mỗi ngân hàng.

Tuy nhiên, Toss Bank là ngân hàng số duy nhất phục vụ người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, với dịch vụ tài khoản và thẻ thanh toán. Ra mắt tháng 10-2021, nhưng hơn sáu tháng sau Toss Bank mới giới thiệu dịch vụ tiền gửi dành cho người nước ngoài.

Song Kwan-suk, người tiên phong trong việc mở dịch vụ dành cho người nước ngoài, nói rằng dịch vụ mới là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh ban đầu của ngân hàng kỹ thuật số này. Toss Bank đã đáp ứng các nhu cầu của thị trường tài chính mà các ngân hàng truyền thống đã bỏ lơ.

Hiện Toss Bank có khoảng 100.000 khách hàng nước ngoài, chiếm khoảng 1% trong tổng số khách của ngân hàng. Năm quốc tịch hàng đầu trong tệp khách nước ngoài của ngân hàng này là Trung Quốc, Việt Nam, Uzbekistan, Nhật Bản và Mỹ.

Tương lai đầy thách thức

Bức tranh tương lai của các ngân hàng tiết kiệm Hàn Quốc rất đa dạng, tùy thuộc vào năng lực hỗ trợ vốn của công ty mẹ. Bởi các ngân hàng này đang bị nợ xấu trong mảng bất động sản trì kéo.

Theo Liên đoàn Ngân hàng Tiết kiệm Hàn Quốc (KFSB), tỷ lệ nợ quá hạn trung bình đối ở mảng bất động sản đối với 20 ngân hàng tiết kiệm hàng đầu tính theo quy mô tài sản đã tăng hơn 11% trong quí đầu 2024, tăng 6,65 điểm phần trăm so với quí 1 năm ngoái.

Đáng chú ý, số lượng các ngân hàng tiết kiệm có tỷ lệ nợ quá hạn ở mảng bất động sản vượt quá 10% đã tăng vọt từ 1% trong quí 1-2023 lên 10% trong quí 1-2024.

Tình trạng này cho thấy các ngân hàng tiết kiệm đủ mọi quy mô đang trong vùng không an toàn khi hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đã tăng cao hơn mức khuyến nghị của Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC).

Nhà chức trách Hàn Quốc khuyến khích các ngân hàng tiết kiệm có tài sản trên 1.000 tỉ won (726 triệu đô la) duy trì tỷ lệ này là 11%, trong khi các ngân hàng có tài sản dưới 1.000 tỉ won nên duy trì tỷ lệ dưới 10%.

Trong khi đó, cuộc đua giành giấy phép ngân hàng số thứ tư ở Hàn Quốc đang diễn ra sôi động giữa bốn đơn vị, gồm Soso Bank, Korea Credit Data Bank, U-Bank và Douzone Bank.

Ổn định về tài chính là yếu tố chính để FSC quyết định cấp phép. FSC cũng khuyến khích các đơn vị xin cấp phép đề xuất các sản phẩm tài chính có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ (MSME).

Theo Korea Times, Korea Herald, Chosun, Yonhap

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới