(KTSG) - Vẫn có một số người thay vì nghiên cứu kỹ càng để tìm ra vẻ đẹp, minh triết của những cộng đồng thiểu số thì lại dễ dãi khai thác những thứ dị biệt và làm quá chúng lên để câu khách.
- Tư lúa mùa - trăn trở chuyện bảo tồn văn hóa Lúa mùa Tư Việt
- Kiến tạo chuỗi giá trị bảo tồn văn hóa chợ nổi
Một bộ phim truyền hình gần đây đã gây ra nhiều tranh cãi. Việc sử dụng lễ phục Dao đỏ trong phim làm khán giả hiểu lầm về trang phục và văn hóa của người Dao, gây phản cảm trong cộng đồng. Trong phim, nhân vật nữ mặc lễ phục Dao đỏ đi chăn trâu. Còn nhân vật nam lại mặc yếm của nữ.
Bóp méo ý nghĩa của trang phục
Ông Bàn Tuấn Năng, tiến sĩ nhân học người Dao, bức xúc: “Đây là sự xúc phạm không chỉ về văn hóa mà còn cả tôn giáo của người Dao”.
Ông Năng cho hay, theo truyền thuyết người Dao, xưa kia phụ nữ được giao việc thờ cúng. Song một lần phụ nữ sinh con ngay gian giữa - là nơi thờ cúng - và bị cho là đã làm vấy bẩn khu thờ cúng trong gian nhà. Từ đó, người Dao mới để nam giới cúng với điều kiện khi cúng đàn ông phải mặc áo của phụ nữ với ý chỉ là làm thay người phụ nữ. Và cũng từ đó, phụ nữ không được ngồi gian giữa nhà nữa…
Đây không phải là lần đầu xảy ra việc người ta sử dụng sai trang phục của các dân tộc. Trong chương trình truyền hình thực tế, một nhóm nhạc đã gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Nguyên nhân là vì phần khố Ê đê trong trang phục của nhóm này có thêu họa tiết được cho là giống piêu của dân tộc Thái. Gần đây, một khu nghỉ dưỡng ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã cắt đôi chiếc piêu để làm bức tranh trang trí. Đây là việc xúc phạm nghiêm trọng đến văn hóa Thái.
Piêu (khăn đội đầu) là một mảnh vải bông nhuộm chàm đen, dài khoảng 180 cen ti mét, rộng 36 cen ti mét, nhưng là vải làm piêu nên người ta nhuộm thêm vài lần với nước măng chua, nước vỏ cây ban để mặt vải láng cứng, ánh sắc chàm đen. Người Thái có hai loại piêu, gồm loại piêu được trang trí hoa văn ở hai đầu và loại khăn thường có màu đen hay màu trắng.
Piêu gắn liền với cuộc sống của phụ nữ Thái, giúp họ giữ ấm đầu trong những ngày đông giá rét và che nắng, che mưa trong mùa hè nóng nực. Có thể nói, piêu gắn bó với người phụ nữ Thái suốt bốn mùa, mọi nơi, mọi lúc.
Ngoài giá trị sử dụng, piêu còn mang giá trị tinh thần to lớn. Piêu là tín vật tình yêu. Trai gái yêu nhau sẽ tặng piêu để nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc piêu đẹp nhất. Đối với chàng trai, piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay của người con gái mình yêu. Còn trong đám cưới, piêu là tặng vật quý của con dâu dành tặng bố mẹ chồng và anh em nhà chồng. Trong nghi lễ cúng tổ tiên, vật dâng cúng không thể thiếu piêu...
Piêu được người phụ nữ Thái tự dệt bằng loại vải bông, nhuộm chàm, thêu các hoa văn với các loại chỉ màu ở hai đầu khăn. Để làm một chiếc piêu phải mất từ 2-4 tuần thêu liên tục. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ Thái chỉ thêu trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi nên một chiếc piêu thêu xong thường phải mất vài tháng.
Trong các tuýp hoa văn thêu trên piêu, độc đáo nhất là xai peng (dây tình). Xai peng thêu trên piêu để cô gái đội lên đầu cất giữ, đó là biểu tượng của lứa đôi. Tình yêu nồng nàn và sự sống sôi động, như hai sợi dây tình quấn quýt, bện lấy nhau mãi mãi, như đôi sam ôm nhau không bao giờ rời xa, cho đến ngày tuổi già khuất bóng thì dây tình mới chia lìa. Khi ấy, chiếc piêu được cắt làm đôi, một nửa đặt vào quan tài, gối lên đầu người mất để mang theo cùng đến thế giới bên kia. Nửa còn lại chia cho người còn sống để dành, gối đầu giường.
Ông Cà Văn Chung, nhà nghiên cứu văn hóa Thái, cho biết: “Piêu trở thành một ẩn dụ về tình yêu và sự bền chặt của tình vợ chồng… Piêu đồng hành với người con gái Thái trong suốt cuộc đời”. Ngoài đội trên đầu, gối đầu, treo trên tường, trong tủ thì người Thái không sử dụng piêu cho bất cứ việc gì khác. Việc nhóm nhạc nói trên lấy piêu làm khố là sự xúc phạm.
Còn việc cắt đôi piêu? Cầm Trang Thơ, nhà nghiên cứu trang phục người Thái, lý giải: “Cắt đôi piêu ra có nghĩa là chồng hoặc vợ - chủ của chiếc khăn đó - đã chết và đã mang theo một nửa, nửa còn lại này là của người vợ/chồng còn sống. Mai này khi người còn lại cũng ra đi thì nửa piêu cũng được chôn theo để giúp người vừa khuất tìm được người đi trước bằng cách ghép hai nửa khăn với nhau, để họ lại được một lần nữa bên nhau không rời xa.
Do đó, khi nhìn thấy nửa piêu thì người Thái sẽ liên tưởng đến sự chết chóc tang thương. Vì thế, người Thái thường sẽ cất kỹ nửa khăn còn lại chứ không để cho người khác thấy. Nhưng chưng một nửa piêu thì có thể chủ của nửa cái khăn muốn công khai rằng họ đã góa vợ hoặc chồng và không muốn nghĩ đến ai khác ngoài vợ/chồng đã mất và treo piêu vì muốn hàng ngày nhìn thấy, tưởng nhớ tới người đã khuất.
Nếu vợ hoặc chồng chưa chết mà cắt khăn ra làm đôi là phạm vào điều kiêng kỵ, bởi như vậy có nghĩa là họ sẽ bị cô quả, góa bụa hoặc mãi mãi lận đận về đường tình duyên.
Ở một khía cạnh khác, tháng 5-2018, hãng thời trang Eponine London lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của người Mông ở miền Bắc Thái Lan để thiết kế một bộ váy và gọi tên mẫu thiết kế của họ là “Phong cách dân tộc”. Việc làm này đã bị công chúng lên án là một hành động cẩu thả, xem nhẹ lịch sử và nền văn hóa đặc sắc của người Mông.
Jin Thao, một người Mông, khi đấy cũng rất bức xúc: “Trang phục truyền thống là tinh hoa, cũng là cách chúng tôi bảo tồn ngôn ngữ và lịch sử của dân tộc. Trang phục đó là thành quả từ những nỗ lực phi thường nhằm bảo vệ bản sắc”. Thế nên cần phân biệt rõ giữa việc trân trọng văn hóa và chiếm đoạt văn hóa. Để thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu giá trị của một nền văn hóa, thì điều nên làm ngay từ đầu là đặt tên “thiết kế được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của người Mông” thay vì “phong cách dân tộc”.
Một vấn đề nổi cộm nữa là trong quá trình hội nhập văn hóa diễn ra mạnh mẽ, giới trẻ ngày càng thích những bộ trang phục phá cách, những mẫu “độc”, “lạ”. Tuy nhiên, cũng có không ít mẫu thiết kế bị coi là “lố bịch”, phạm phải điều kiêng kỵ, gây phản cảm và xúc phạm đến cộng đồng các dân tộc.
Đúng mới đẹp
Ông Lê Quang Bình, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, nói: “Trên thực tế, giữa các dân tộc thiểu số và người dân (chủ yếu là người Kinh) sống tại các thành phố có một khoảng cách khá lớn không chỉ về địa lý mà còn về thông tin. Chẳng hạn đời sống văn hóa, sinh kế, tâm linh của các dân tộc thiểu số còn rất xa lạ với đa số người, thậm chí có khi bị hiểu lầm hay định kiến”.
Văn hóa không có cao, thấp, mà đẹp ở sự đa dạng và sự khác biệt. Nhưng vẫn có một số người thay vì nghiên cứu kỹ càng để tìm ra vẻ đẹp, minh triết của những cộng đồng thiểu số thì lại dễ dãi khai thác những thứ dị biệt và làm quá chúng lên để câu khách. Ẩm thực và trang phục là hai lĩnh vực của người thiểu số hay được số đông chú trọng khai thác bị làm biến tướng nhiều nhất.
Vương Xuân Tình, phó giáo sư, tiến sĩ dân tộc học, cho rằng: “Bản sắc tộc người là vấn đề được các nhà nhân học quan tâm tìm hiểu và thường gắn với nghiên cứu các thành tố văn hóa tộc người cụ thể, như trang phục, nhà cửa, ẩm thực, quan hệ gia đình và dòng họ, các thực hành tôn giáo và tín ngưỡng. Nhà nghiên cứu phải điền dã, tham gia các hoạt động trong đời sống thường ngày của đối tượng nghiên cứu để tìm hiểu từ chính góc nhìn của họ. Cần phải tránh việc áp đặt nhãn quan của tộc người này để nhìn nhận văn hóa của tộc người khác”.
Những sự việc lấy vài yếu tố lạ để giật gân, câu khách hoặc thiếu hiểu biết kể trên thể hiện sự hời hợt và trình độ văn hóa thấp, sự “xâm lược văn hóa” của người thực hiện. Hiểu để yêu và muốn yêu thì phải hiểu. Trang phục là tấm hộ chiếu văn hóa của một tộc người nên cần được đối xử rất thận trọng.