(KTSG Online) - Nhờ những cải cách trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư nên dự kiến cả năm 2024, Hà Nội sẽ thu hút được 3,13 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài.
- Thu hút FDI vào ĐBSCL: đáng lo với thủ tục, pháp lý chồng chéo
- Điểm danh địa phương và lĩnh vực thu hút FDI hàng đầu
Đây là thông tin được phía thành phố Hà Nội đưa ra trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 17-8, theo Chinhphu.vn
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, do những cải cách trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của thành phố nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế đến đầu tư. Dự kiến, đến hết năm nay, thủ đô Hà Nội thu hút được 3,13 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nhờ cải cách môi trường đầu tư nên kinh tế của Hà Nội tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được bảo đảm, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04%, cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324.000 tỉ đồng, bằng 79,2% dự toán
Giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7-2024 đạt hơn 23.000 tỉ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18.100 tỉ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương.
Cũng theo ông Thanh, sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế là điểm sáng nổi bật của thành phố. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%, thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển.
Theo ông, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu năm 2024 và cả nhiệm kỳ, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, phân cấp, ủy quyền, quản lý cán bộ, thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
"Điều này không chỉ giúp Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững", Chủ tịch UBND thành phố nói.
Bên cạnh đó, Hà Nội tìm cách thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ.