(KTSG Online) – Mỹ, một trong những nước sản xuất nhựa lớn nhất thế giới, cho biết sẽ ủng hộ một hiệp ước của Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi giảm lượng nhựa sản xuất mỗi năm trên toàn cầu.
- Tín chỉ nhựa có phải là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác nhựa?
- Các cường quốc dầu mỏ cản trở hiệp ước giải quyết ô nhiễm nhựa
Thông tin này được Reuters tiết lộ trong tuần qua và sau đó được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận. Động thái trên báo hiệu sự thay đổi chính sách của Mỹ khi các nước chạy đua đàm phán đạt được thỏa thuận cuối cùng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm rác nhựa ngày càng nghiêm trọng, đe dọa môi trường và sức khỏe con người.
Sự thay đổi này đưa Mỹ đến gần hơn với một nhóm được gọi là “các nước có tham vọng cao” gồm các quốc gia thành viên EU, Hàn Quốc, Canada, Rwanda và Peru. Nhóm này ủng hộ một hiệp ước toàn cầu nhằm hạn chế và giảm dần việc sản xuất nhựa. Nhóm cũng đề xuất loại bỏ một danh sách các hóa chất gây lo ngại về môi trường, được sử dụng trong sản xuất nhựa.
Theo một nguồn thạo tin, Mỹ ủng hộ đặt ra các tiêu chí toàn cầu để xây dựng danh sách “sản phẩm nhựa cần tránh” để giảm sản xuất dần theo từng giai đoạn.
Sự ủng hộ của Mỹ sẽ thúc đẩy triển vọng LHQ có thể thông qua một hiệp ước mang tính bước ngoặt để quản lý rác nhựa vào cuối năm nay khi vòng đàm phán cuối cùng diễn ra ở Hàn Quốc.
Trong các cuộc đàm phán do LHQ chủ trì hồi đầu năm nay, Mỹ cùng với Trung Quốc và Saudi Arabia phản đối đưa các biện pháp kiểm soát sản xuất nhựa vào hiệp ước. Thay vào đó, kêu gọi tập trung vào các biện pháp tái chế và tái sử dụng rác nhựa.
Nhưng các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi và các công ty hàng tiêu dùng lớn, sử dụng nhiều bao bì nhựa, đề xuất các nước sản xuất dầu khí và nhựa lớn trên thế giới phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong nỗ lực kiểm soát rác nhựa và làm sạch môi trường.
Ngành công nghiệp hóa dầu của Mỹ chỉ trích những giải pháp do LHQ hậu thuẫn nhằm hạn chế sản xuất nhựa. Hồi tháng 4, ExxonMobil (Mỹ), một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất thế giới lập luận rằng, hạn chế sản xuất nhựa sẽ không giúp giảm ô nhiễm môi trường. Tập đoàn này cảnh báo, các giải pháp thay thế nhựa có thể tạo ra lượng khí thải carbon cao hơn.
Sự thay đổi quan điểm của Washington diễn ra khi các nhà khoa học cung cấp thêm bằng chứng đáng lo ngại về tác hại của nhựa.
Một báo cáo được công bố trên tạp chí Biên niên sử về sức khỏe toàn cầu hôm thứ 19-8 chỉ ra rằng, mọi nhóm hóa chất nhựa đều có liên quan đến “ít nhất một hậu quả bất lợi cho sức khỏe”.
Các nhà khoa học và cơ quan quản lý đặc biệt lo ngại về các “hóa chất vĩnh cửu”, chẳng hạn như nhóm hóa chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl, thường được gọi là PFAS. Các hóa chất này không bao giờ phân hủy, tích tụ ngày càng nhiều trong môi trường và chuỗi sinh học, kể cả trong cơ thể con người. PFAS thường được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm gia dụng, từ vải bọc ghế đến bao bì thực phẩm, dầu gội và đồ điện tử.
Hồi tháng 4, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ra lệnh các công ty cấp nước ở các chính quyền thành phố phải loại bỏ PFAS khỏi nước uống. Trích dẫn các nghiên cứu khoa học đã được bình duyệt, EPA cho biết. PFAS có liên quan đến các rủi ro sức khỏe như giảm khả năng sinh sản, chậm phát triển ở trẻ em, tăng nguy cơ ung thư và giảm chức năng miễn dịch.
Mỹ là nước có mức rác nhựa trung bình trên đầu người lớn nhất thế giới. Ước tính, mỗi người Mỹ thải ra 130 kg rác nhựa mỗi năm. Xếp ngay sau đó là Anh, Hàn Quốc, Đức.
Hội đồng Hóa học Mỹ (ACC), tổ chức diện cho khoảng 190 công ty trong ngành công nghiệp hóa chất của Mỹ ra tuyên bố, việc chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ đưa quy định giới hạn sản xuất nhựa vào hiệp ước của LHQ cho thấy Nhà Trắng “sẳn sàng phản bội ngành sản xuất của Mỹ”.
ACC lập luận, nhựa rất quan trọng đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe hiện đại và cung cấp nước uống sạch, và giúp ngăn ngừa lãng phí thực phẩm.
“Nếu chính phủ Mỹ muốn đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, thế giới sẽ cần phải sử dụng nhựa nhiều hơn chứ không phải ít hơn”, tuyên bố của ACC nhấn mạnh.
Theo Financial Times, Reuters