(KTSG) - Phòng, chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh chống tham nhũng mà cản trở phát triển kinh tế và tập trung hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng. Đây là những định hướng xác đáng để đưa cuộc đấu tranh này bước sang một giai đoạn mới, tiến bộ hơn và toàn diện hơn.
Những con số Ban Nội chính Trung ương cung cấp trong cuộc gặp gỡ báo chí, thông báo về phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) vào giữa tuần trước cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn, không ngừng, không nghỉ.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, do liên quan trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, công tác điều tra, truy tố, xét xử; phát hiện, xử lý nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh. Cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án với 5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023).
Chống tham nhũng không chỉ là xử lý các vụ án, vụ việc mà còn là “xây”: “xây” thể chế, “xây” đạo đức công vụ, “xây” thiết chế giám sát từ bên ngoài bộ máy nhà nước.
Cũng trong nửa đầu năm nay, ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 71.431 tỉ đồng và 24,9 héc ta đất; kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3.862 cá nhân (tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với cùng kỳ năm 2023). Cùng với đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để xác minh, truy tìm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong sáu tháng đầu năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.750 tỉ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỉ đồng.
Kết quả này là bằng chứng có tính thuyết phục cao nhất cho quyết tâm chống tham nhũng của Đảng; cho tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Nhờ đó, niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ngày một lớn hơn, vững chắc hơn.
Ở khía cạnh khác, việc hàng ngàn đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, nhiều người phải ngồi tù, trong đó có những cán bộ cấp cao, cũng gợi nhiều trăn trở. Mất tài sản đã đành một lẽ, mất cán bộ còn đau xót hơn! Bất cứ ai để được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo đều phải trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu không hề đơn giản và một quy trình xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, nhiều tầng lớp. Vậy mà khi nắm quyền lực trong tay, nhiều người đã không cưỡng lại được sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền. Nhiều cán bộ cấp cao phải trả giá đắt vì tham nhũng nhưng vẫn có những người đi sau không tránh được vết xe đổ? Phải chăng, thời gian biến đổi con người theo nhiều cách khác nhau, hay luật pháp lỏng lẻo đã “dung dưỡng” và “kích động” lòng tham của con người, hay còn có những nguyên nhân khó nói khác?
Dù lý do là gì đi chăng nữa, thì thực tế đó cũng nhắc nhở rằng, chống tham nhũng là một hành trình dài, đòi hỏi nỗ lực và sự kiên nhẫn rất lớn của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh quyết tâm chống tham nhũng; tiếp tục ưu tiên xử lý nhanh và nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực để lấy lại niềm tin trong nhân dân thì điều đặc biệt quan trọng là phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, pháp luật để ngăn ngừa từ gốc mầm mống phát sinh tội phạm. Với hệ thống pháp luật tường minh và kín kẽ, người ta dù có muốn, dù có những chiêu thức “tinh vi” tới đâu cũng khó mà tham nhũng hoặc sẽ nhanh chóng “lộ sáng”.
Trong phiên họp vừa qua của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
Ông cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể là tập trung hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; thanh toán không dùng tiền mặt… Cùng với đó, khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.
Đây là những ưu tiên hết sức xác đáng để đưa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bước sang một giai đoạn mới, tiến bộ hơn và toàn diện hơn. Chống tham nhũng không chỉ là xử lý các vụ án, vụ việc mà còn là “xây”: “xây” thể chế, “xây” đạo đức công vụ, “xây” thiết chế giám sát từ bên ngoài bộ máy nhà nước. Đơn cử, tiếp tục cải cách điều kiện, giấy phép và các quy định về kinh doanh sẽ giúp giảm bớt tình trạng “tham nhũng vặt”.
Ứng dụng công nghệ vào quản lý, đặc biệt là quản lý công sản; tạo lập cơ sở dữ liệu về kê khai và công khai tài sản của quan chức; sử dụng dữ liệu số đến từ cơ quan thuế, ngân hàng, đăng ký tài sản đất đai và tài sản có giá trị để xác minh tài sản của quan chức nhanh hơn, chính xác hơn và công khai cho người dân giám sát… sẽ giúp tạo thêm sức mạnh kiểm soát từ bên ngoài. Khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật… sẽ giúp các quy định nhất quán, rõ ràng và tường minh, như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ trơn tru, thuận lợi hơn, cán bộ cũng sẽ dám nghĩ, dám làm vì họ không còn phải gánh chịu những rủi ro pháp lý khi thực thi công vụ.
Trong giai đoạn mới, chống tham nhũng cần tập trung vào phần “xây” như vậy để tham nhũng không còn “đất” nảy nở, sinh sôi và điều này cũng góp phần đạt được mục tiêu chống tham nhũng mà không cản trở phát triển kinh tế.