(KTSG) - Ngành du lịch ngày càng quan tâm đến việc sở hữu hoặc điều hành các điểm đến của riêng mình. Điều đó cho phép họ giữ chân du khách tránh khỏi những va chạm với người dân địa phương, đồng thời gia tăng nguồn thu từ du lịch.
- Người phụ nữ giàu nhất châu Âu bán các hòn đảo
- Chọn đạo diễn phim Kong: Skull Island làm đại sứ du lịch Việt Nam
Sôi động thị trường mua bán những hòn đảo tư nhân
Tại Bắc bán cầu, mùa hè đang diễn ra sôi động với những dòng khách du lịch di chuyển tấp nập. Nhưng du lịch sôi động quá mức cũng mang lại một số mặt trái.
Đã có các cuộc biểu tình phản đối khách du lịch ở các thành phố tại châu Âu. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đang hướng tới một giải pháp đáng chú ý: các đảo và bãi biển tư nhân.
Ông Chris Krolow, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Private Islands Inc., một công ty có trụ sở tại Canada chuyên bán và cho thuê các hòn đảo tư nhân, cho biết doanh số bán đảo tư nhân đã tăng đột biến. Ông chỉ ra một số khu vực có độ nóng cao hơn cả như vùng biển Caribe và Trung Mỹ, đặc biệt là những nơi như Belize và Bahamas.
Ông Krolow, người nổi tiếng với chương trình truyền hình ăn khách “Island Hunters” của HGTV, là một nhân vật có vị thế quan trọng trong ngành kinh doanh các hòn đảo tư nhân. Công ty của ông có khoảng 600 hòn đảo đang được rao bán, với mức giá khá đa dạng, dao động từ khoảng 26.000 đô la/lô đất ở Long Caye, Belize, cho đến 160 triệu đô la Mỹ cho đảo Rangyai ở Thái Lan.
Theo ông Krolow, khách hàng tìm mua những hòn đảo, bãi biển tư nhân khá đa dạng, từ những cá nhân giàu có, muốn sở hữu cho mình một không gian riêng biệt, cho tới các công ty với tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Với hơn 25 năm kinh nghiệm mua và bán đảo trên khắp thế giới, ông cảnh báo rằng người mua cần cân nhắc đến chi phí vận hành một hòn đảo, “có thể bao gồm vật tư, bảo trì, cải tạo, nhân sự và hoạt động vận chuyển đến và đi từ đảo”.
Xu hướng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch
Các hãng du thuyền, chuỗi khách sạn và các công ty du lịch khác đang chi mạnh tay cho các điểm đến tư nhân, và hướng tới hai mục tiêu cùng lúc: tránh xa những điểm du lịch quá đông đúc, đồng thời đạt được nguồn thu lớn hơn cho riêng mình.
Công ty Norwegian Cruise Line có hai hòn đảo ở Caribe: Great Stirrup Cay ở Bahamas và Harvest Caye ở Belize. Công ty đã mua Great Stirrup Cay vào năm 1977. Các du khách khi đến đây có thể thư giãn trên bãi biển và tận hưởng các môn thể thao dưới nước. Ngày nay, hòn đảo này có một khu nghỉ dưỡng ven biển. Hòn đảo khác thuộc quyền sở hữu của công ty, Harvest Caye, đã mở cửa cho khách du lịch từ năm 2016 với sự hợp tác của Chính phủ Belize.
Công ty Royal Caribbean đã điều hành hòn đảo tư nhân của hãng ở Bahamas có tên là CocoCay từ những năm 1980. Gần đây, công ty đã đầu tư 250 triệu đô la Mỹ vào hòn đảo này. Công ty cũng điều hành một khu nghỉ dưỡng tư nhân ở Haiti và đang lên kế hoạch xây dựng một khu nghỉ dưỡng khác tại Vanuatu ở Thái Bình Dương. Công ty cho biết, mỗi năm, có khoảng hai triệu người đến thăm các điểm du lịch tư nhân của họ.
Carnival Corp., Disney Cruise Lines, Norwegian Cruise Line, MSC Cruises và Royal Caribbean Cruises hiện vẫn đang trong cuộc canh tranh giành đất. Theo tính toán của Bloomberg, các hãng du thuyền đã chi ít nhất 1,5 tỉ đô la kể từ năm 2019 để mở rộng hoặc cải thiện các địa điểm nghỉ dưỡng tư nhân tại vùng biển Caribe. Hiện tại, các công ty này nắm giữ ít nhất 15 hòn đảo và bãi biển tư nhân, bao phủ khoảng 2.104 héc ta ở Bahamas, Belize, Cộng hòa Dominica, Haiti và Mexico.
Theo ước tính của nhà phân tích Robin Farley của UBS, khu nghỉ dưỡng Perfect Day tại đảo CocoCay của Royal Caribbean, một hòn đảo tư nhân cách thành phố Nassau gần 90 ki lô mét, nơi 9.500 hành khách trên tàu có thể chi tiền mỗi ngày cho các chuyến đi khinh khí cầu và đường trượt zipline, hứa hẹn mang lại khoản lợi nhuận đầu tư ít nhất 40%.
Ông Jay Schneider, giám đốc đổi mới sản phẩm của Royal Caribbean, cho biết: “Lý do số một khiến mọi người đi du lịch là vì các điểm đến. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tạo ra các điểm đến hấp dẫn nhất”.
Những điểm đến xa hoa, độc quyền
Công ty du lịch Fischer Travel có trụ sở tại New York cũng đã ghi nhận sự tăng vọt về nhu cầu đối với các kỳ nghỉ trên những hòn đảo tư nhân trong vài năm qua.
“Khi nói đến các đảo tư nhân, xu hướng luôn giống nhau - khách hàng muốn cùng nhau tụ họp với những người mà họ muốn ở cùng trong bối cảnh riêng tư và xa hoa nhất”, bà Stacy Fischer-Rosenthal, Chủ tịch công ty nói với DW. “Tuy nhiên, nhu cầu đang ngày càng cao hơn và các hòn đảo tư nhân đang chứng kiến lượng đặt phòng ngày càng tăng trong suốt cả năm”.
Để sử dụng dịch vụ của Fischer Travel, khách hàng phải trả mức phí ban đầu là 150.000 đô la và phí thường niên là 25.000 đô la, bên cạnh đó là các khoản chi phí đi lại và điều phối. Dẫu vậy, đây không phải là vấn đề quá lớn đối với các khách hàng giàu có, những người muốn tận hưởng những dịch vụ mà người khác không đủ khả năng chi trả.
Theo bà Fischer, “các hòn đảo tư nhân tại vùng biển Caribe rất được ưa chuộng, bao gồm quần đảo Virgin thuộc Anh và Bahamas. Vùng biển Caribe cũng là nơi thuận tiện cho việc di chuyển, đặc biệt là với những du khách đến từ Mỹ. Những người có máy bay riêng có thể dễ dàng đến đây để tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần”.
Theo Condé Nast Traveler, các hòn đảo tư nhân sẽ giúp các hãng du thuyền có khả năng đáp ứng kỳ vọng của khách hàng về sự riêng tư và bình yên trong khi vẫn kiếm được thêm tiền. Khi sở hữu toàn bộ hòn đảo, các công ty sẽ thu được lợi nhuận từ đồ uống, thức ăn hoặc các hoạt động giải trí mà hành khách của họ có thể tham gia.
Thậm chí còn hơn thế nữa, các hòn đảo tư nhân mang lại cảm giác sang trọng và giàu có cho khách hàng. Beth Butzlaff, một nhân viên tại Công ty lữ hành Virtuoso, cho biết: “Chúng mang lại cảm giác độc quyền cho mọi người. Không có gì thể hiện sự sang trọng hơn việc có thể nói rằng tôi đã dành một ngày nghỉ trên một hòn đảo tư nhân”.
Những thách thức trong việc phát triển các hòn đảo tư nhân
Về bản chất, một hòn đảo là địa điểm tách biệt với đất liền và thiếu hụt nhiều dịch vụ như cơ sở hạ tầng cho nước, xử lý chất thải hoặc điện. Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc tiếp nhận thực phẩm, bưu kiện hoặc chăm sóc y tế khẩn cấp. Sự tách biệt có thể mang lại một số lợi ích, nhưng sự cô lập hoàn toàn đồng nghĩa với sự tốn kém và nhiều vấn đề phức tạp khác.
Ngoài ra, hầu như tất cả các hòn đảo trên thế giới đều do các quốc gia tuyên bố chủ quyền. Một số quốc gia sẽ hạn chế người mua nước ngoài sở hữu bất động sản, trong khi một số quốc gia khác hoàn toàn không cho phép việc người nước ngoài mua đất.
Các luật lệ của quốc gia và quy định của địa phương vẫn cần được thực thi ngay cả ở những hòn đảo nằm cách xa đất liền. Điều này có thể ảnh hưởng đến vấn đề giấy phép xây dựng, các quy định về bảo vệ thiên nhiên, quy tắc lao động và nhiều vấn đề khác. Do đó, các cá nhân hoặc công ty nên có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi cân nhắc đến việc sở hữu một hòn đảo thiên đường cho du lịch.
Bên cạnh đó, sau nhiều thập kỷ cung cấp các khoản giảm thuế và vị trí đắc địa cho các công ty du lịch, các quốc gia tại khu vực Caribe giờ đây đang cố gắng giành được phần lợi nhuận lớn hơn.
Ví dụ như tại Bahamas, chính phủ nước này từng đồng ý để Royal Caribbean thuê 2,8 héc ta bãi biển công cộng với giá chỉ 140.000 đô la/năm. Tuy nhiên, vào năm 2021, sự phản đối của công chúng và những nỗ lực đàm phán lại của chính phủ đã dẫn đến những điều kiện thuận lợi hơn.
Theo đó, Royal Caribbean đã đồng ý trao cho Chính phủ Bahamas cổ phần trong dự án và một khoản cắt giảm 1% doanh thu trong tương lai cho các chương trình du lịch như khôi phục khu trung tâm thành phố Nassau. Các nhà đầu tư Bahamas cũng sẽ có thể tham gia đầu tư - cùng với chính phủ - để sở hữu tới 49% dự án.
Tuy vậy, bất chấp những nhượng bộ này, các thỏa thuận vẫn đang mang lại lợi ích lớn cho các hãng kinh doanh du thuyền như Royal Caribbean. Các điểm dừng chân trên đảo và bãi biển tư nhân đã giúp hồi sinh các hãng du thuyền sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến họ phải tạm ngừng hoạt động trong hơn một năm. Giờ đây, những hòn đảo và bãi biển tư nhân đã trở thành trụ cột quan trọng, giúp cỗ máy du thuyền tiếp tục gặt hái lợi nhuận. Chỉ riêng Royal Caribbean, Carnival và Norwegian đã thu về 44 tỉ đô la doanh thu và tổng lợi nhuận gộp là 19,1 tỉ đô la trong năm ngoái.
Nguồn: DW, Bloomberg, Business Insider