(KTSG Online) – Tiêu thụ bấp bênh, trong khi dịch bệnh, chi phí nhân công lao động tăng, khiến nông dân trồng thanh long ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dần rời xa loại cây trồng từng mang lại sự sung túc…
Cách đây không lâu, thanh long là “trái cây vua”, mang về cho Việt Nam trên 1 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Thế nhưng, thời gian gần đây, sức hút của loại trái cây này ngày một giảm khi thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc… “chê”.
Trung Quốc “chê”, trái cây “vua” thoái vị
Căn cứ vào dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, thị trường Trung Quốc đang ngày càng ít quan tâm hơn đối với trái thanh long Việt Nam, khiến loại sản phẩm chủ lực của Việt Nam ngày một sa sút.
Theo đó, vào năm 2020, thanh long có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong ngành cây ăn trái của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,13 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 1,035 tỉ đô la Mỹ và chiếm tỷ trọng 91% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Bước sang năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam sụt giảm 7,9% so với năm trước đó, đạt 1,04 tỉ đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 926 triệu đô la Mỹ, giảm 10,6% so với năm 2020, chiếm 88,72% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Trái thanh long tiếp tục “trượt dài” khi giá trị kim ngạch giảm sâu ở những năm tiếp theo, chỉ còn trên 600 triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, năm 2022 đạt 642,95 triệu đô la Mỹ và 2023 là 628,82 triệu đô la Mỹ, lần lượt giảm 38,4% và 3% so với năm liền kề trước đó.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam chỉ đạt 298,4 triệu đô la Mỹ, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 203,35 triệu đô la Mỹ, giảm 26,3% so với cùng kỳ.
Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, nhưng xu hướng ngày càng sụt giảm và chưa có dấu hiệu thay đổi.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho rằng, giá bán sang Trung Quốc ngày càng thấp, khiến trị giá xuất khẩu thanh long sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. “Ngày xưa xuất khẩu sản lượng cũng như bây giờ, nhưng lúc đó giá 40.000-60.000 đồng/kg, trong khi bây giờ chỉ 20.000-30.000 đồng/kg nên trị giá xuất khẩu giảm”, ông giải thích.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, sau khi Trung Quốc trồng thành công thanh long, thì số lượng nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm đáng kể. “Từ chỗ nhập khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ, thì những năm gần đây chỉ còn trên 600 triệu đô la Mỹ”, ông dẫn chứng.
Nông dân bỏ thanh long, tìm hướng đi khác
Sức “hấp dẫn” từ nhu cầu của thị trường giảm, trong khi dịch bệnh, chi phí cao, khiến hiệu quả mang lại cho người nông dân không như mong đợi. Đây chính là lý do khiến không ít hộ sản xuất thanh long ở ĐBSCL từ bỏ để tìm hướng đi khác.
Chia sẻ với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Tám, ngụ xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, đã quyết định từ bỏ cây thanh long sau 8 năm gắn bó bởi đã không còn hiệu quả như trước.
Theo ông Tám, ngoài giá cả bấp bênh, dịch bệnh bùng phát mạnh cũng như chi phí đầu tư cao khiến sản xuất không còn hiệu quả. “Từ khi trồng đến thời điểm xông đèn (vụ cho trái đầu tiên) mỗi công (1.000 m2) đầu tư khoảng 100 triệu đồng”, ông dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thơi, xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang đang lên kế hoạch chuyển toàn bộ 6 công đất trồng thanh long sang trồng dừa. “Thanh long bây giờ không còn hiệu quả như xưa nữa”, ông nói và giải thích, do đầu ra giá bán thấp nhưng đầu vào lại tăng.
Theo ông, bây giờ nhân công vuốt ngoe (một công đoạn của hoạt động sản xuất) đã lên đến 40.000 đồng/giờ, trong khi dịch bệnh nhiều nên thường xuyên thua lỗ. Nếu giá bán bình quân phải 10.000 đồng/kg, với điều kiện cây không bệnh mới có lãi chút ít, còn nếu gặp bệnh coi như lỗ.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, so với thời điểm trước dịch Covid-19, diện tích thanh long của địa phương hiện đã giảm khoảng 4.000 héc ta, tức từ mức khoảng 12.000 héc ta giảm xuống còn 8.000 héc ta. “Chu kỳ khai thác thanh long cũng gần 10 năm rồi nên bà con bán không được cũng buông luôn vì cũng hết chu kỳ khai thác”, ông Truyền giải thích.
Trong khi đó, vị chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An ước tính, diện tích sản xuất thanh long của vùng hiện đã giảm khoảng 25% so với trước đó.
Còn ghi nhận thực tế của KTSG Online ở tỉnh Long An và Tiền Giang- vùng sản xuất thanh long trọng điểm của ĐBSCL- cho thấy, việc nông dân bỏ thanh long chuyển sang trồng rau màu, cây ăn trái khá phổ biến, khiến vùng chuyên canh ngày xưa trở thành “da beo”, đan xen giữa thanh long với nhiều loại cây trồng khác nhau…
Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí cho nông dân với lại đàm phán với Trung Quốc là chuyển đổi phương thức xuất khẩu thành long từ truyền thống sang chính ngạch vậy giúp thanh long tăng giá và tạo ổn định cho nông dân ạ