Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chiếc tăm xỉa răng và du lịch Net Zero

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – “Thay vì tăm tre dùng một lần rồi bỏ, nghe có vẻ tận dụng tre nứa, không xả rác nhựa, nhưng đổi lại tôi thấy không an toàn khi nhiều người dùng tăm tre bị chảy máu. Do vậy, tôi gửi cho khách du lịch của mình mỗi người một chiếc tăm làm bằng nhựa cho họ dùng trong suốt chiếc đi”.

Đó là chia sẻ của giám đốc một doanh nghiệp du lịch vừa làm lữ hành quốc tế, vừa có khu lưu trú trong tọa đàm có chủ đề về du lịch Net Zero tại khu du lịch ven núi Hòn Bà có tên Làng Nhỏ ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa hồi đầu tuần này.

Mặc dù ngay từ đầu, các diễn giả là chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch tham gia là khách mời biết rõ đây là tọa đàm nói về du lịch Net Zero, ở tại một khu du lịch được cho là đang thực hành Net Zero, nhưng dường như khi thảo luận, cách hiểu về Net Zero trong chừng mực nào đó vẫn còn khác biệt, cả ở các khái niệm và khi vận dụng vào thực tế.

Khu du lịch nói trên rộng 165 héc ta gồm đất nông nghiệp và đất rừng, chưa kể được giao thêm 40 héc ta đất mặt nước hồ ven rừng. Chủ khu du lịch, một kiến trúc sư nổi tiếng về “kiến trúc cảnh quan”, đang muốn biến khu du lịch rừng của mình dựa vào hai thế mạnh là thiên nhiên và văn hóa dân dã địa phương. Vị kiến trúc sư này cho rằng ông không quan tâm nhiều lắm tới các khái niệm du lịch Net Zero nhưng ông đang muốn biến khu du lịch của mình thành nơi dựa vào cảnh quan thiên nhiên núi rừng, dòng suối, hồ nước và ít tác động tới thiên nhiên nhất có thể.

Đó là việc sử dụng đá, vốn có nhiều ở địa phương Khánh Hòa là đá chẻ (hay còn gọi đá ba lát), gỗ rừng trồng trong nước hoặc tận dụng gỗ thông panel, gỗ nhập khẩu. Điện cho khu du lịch thì ông tận dụng dòng suối làm trạm thủy điện nhỏ, rồi lắp đặt pin điện mặt trời và nếu thiếu thì dùng thêm máy phát điện chứ cơ sở không nối điện lưới quốc gia.

Các sản phẩm của khu du lịch đều nương theo thiên nhiên như lội suối, trekking đường rừng, tắm suối, tắm hồ bơi mà nước hồ lấy từ suối. Thậm chí thiết kế nhà vệ sinh theo kiểu tầng lửng men theo triền núi bằng gỗ, khách ngạc nhiên khi thấy giữa nhiều buồng tắm có cây cối còn đang sống chen giữa buồng; hay lối đi cầu thang có nhánh cây chen giữa, như một minh chứng là ông đã cố gắng xây dựng khu du lịch này làm sao hạn chế chặt phá cây, giữ lại cây rừng, mảng xanh nhiều nhất có thể.

Net Zero là một thuật ngữ được hiểu nhiều cách khác nhau tùy theo là quy mô toàn cầu, quy mô quốc gia hay trong từng doanh nghiệp. Ở từng doanh nghiệp thì Net Zero thường được hiểu là trạng thái mà các hoạt động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp không gây ra tác động đến khí hậu do phát thải carbon (đại ý nói phần thải ra phải ít hơn phần hấp thu - phóng viên). Tại tọa đàm hôm ấy, các chuyên gia có chung quan điểm cho rằng, du lịch Net Zero là hướng tới mục tiêu giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động du lịch.

Đến đây thì các doanh nghiệp có nhiều cách hiểu khác nhau. Một chuyên gia giảng dạy đại học cho biết tại một dự án mà ông tư vấn về du lịch Net Zero, ông đã mua quả bầu khô của nông dân, móc ruột ra, làm bình đựng nước phát cho du khách, mỗi quả bầu 30.000 đồng, có vẻ khách thích thú thay vì dùng chai nhựa. Một doanh nghiệp lớn về lữ hành lại thắc mắc liệu dùng chai nước bằng nhựa phát cho du khách, quan khách dự tọa đàm đồng nghĩa với xả chất thải rắn ra môi trường thì làm sao mà Net Zero được? Hay như ông giám đốc doanh nghiệp ở phần đầu bài viết, cho rằng tăm tre nghe có vẻ ít tác động tới môi trường hơn so với tăm nhựa nhưng không hiệu quả cả về an toàn cho du khách lẫn môi trường vì phải dùng rất nhiều, trong khi tăm nhựa phát cho từng người có thể dùng nhiều lần.

Rồi ngay cả chai nước làm bằng quả bầu khô nhưng giá tới 30.000 đồng, trong khi chai nước bằng nhựa rẻ hơn, hiệu quả hơn, vậy liệu dùng chai nhựa thì có đủ chuẩn Net Zero hay không? Quan sát của người viết là cả các chuyên gia lẫn doanh nghiệp du lịch cũng đang lúng túng và mỗi người hiểu theo cách riêng của mình, đại ý hiểu chung “du lịch Net Zero” là làm sao vừa có hiệu quả kinh tế, vừa ít xả rác thải, ít xả thải carbon ra môi trường nhiều nhất có thể.

Thế nhưng, như thế nào là ít xả thải, ít xả carbon ra môi trường với những cái lặt vặt như chai nước bằng nhựa, tăm xỉa răng hay vật dụng trong khu du lịch lại là những cái mà doanh nghiệp phải đối mặt hàng ngày thì các chuyên gia và doanh nghiệp hiểu khác nhau. Thậm chí, dường như có người còn cực đoan hơn khi cho rằng đã là Net Zero thì không được dùng đồ nhựa, không được tác động tới thiên nhiên, không xả thải, tức cái gì cũng hữu cơ, cũng tái chế, năng lượng tái tạo…

Hành trình Net Zero trong du lịch có vẻ còn phải tranh luận nhiều trong tương lai nhưng ít ra cũng đã có không ít doanh nghiệp vận dụng vào kinh doanh du lịch theo nhiều cách hiểu khác nhau.

3 BÌNH LUẬN

  1. “Du lịch Net Zero không chỉ tốt cho môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Khi du khách ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường, các doanh nghiệp du lịch bền vững sẽ có lợi thế cạnh tranh và thu hút được nhiều khách hàng hơn. Ngoài ra, du lịch bền vững còn góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn văn hóa.”
    “Du lịch Net Zero là một cơ hội để chúng ta khám phá những vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa độc đáo của từng địa phương. Bằng cách du lịch bền vững, chúng ta không chỉ tận hưởng kỳ nghỉ mà còn góp phần bảo vệ những giá trị quý báu này cho thế hệ sau.”

  2. Để đạt được mục tiêu du lịch Net Zero, chúng ta cần sự chung tay của cả chính phủ, doanh nghiệp và du khách. Các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng nhựa, và lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ địa phương. Du khách cũng có thể đóng góp bằng cách lựa chọn các điểm đến bền vững, giảm thiểu tiêu thụ và tham gia vào các hoạt động bảo tồn.”
    “Tôi rất ấn tượng với mô hình du lịch của Làng Nhỏ. Việc sử dụng vật liệu tự nhiên và năng lượng tái tạo là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn, khu du lịch có thể xem xét đến việc giảm thiểu lượng nước tiêu thụ, tái chế rác thải hữu cơ và tổ chức các hoạt động giáo dục về bảo vệ môi trường cho du khách.”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới