(KTSG Online) - Trong bối cảnh thị trường EU đã thêm nhiều thông báo về việc thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt cần sớm thích ứng với quy định mới này để có thể duy trì đà tăng trưởng.
- EU nâng rào cản kỹ thuật, xuất khẩu nông sản Việt Nam có thể gặp khó
- TPHCM: Các nhà bán lẻ lớn đẩy mạnh quảng bá, xuất khẩu nông sản Việt
Thời gian gần đây, một số thị trường nhập khẩu nông sản như Liên minh châu Âu (EU) đã thêm nhiều thông báo lấy ý kiến thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về việc thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, TTXVN đưa tin.
Chẳng hạn, EU vừa thông báo về dự thảo quy định thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật gồm Zoxamide, Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid. Dự kiến những thay đổi này sẽ áp dụng từ tháng 2-2025.
Trong bối cảnh xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản Việt sang EU đang dẫn đầu về tăng trưởng với gần 30%, doanh nghiệp Việt cần thích ứng với quy định mới của thị trường này để có thể duy trì đà tăng trưởng.
TTXVN dẫn thông tin từ đại diện Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, muốn giữ được thị trường này thì người sản xuất bao gồm cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin, điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát nhiều hơn đối với các MRL ở mức thấp (0,01 ppm) để đáp ứng được quy định của EU trong thời gian tới.
Ngoài ra, về vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương cần liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhận 57 cảnh báo. Trong khi cả năm 2023, Việt Nam chỉ nhận 67 cảnh báo vi phạm nông sản, thực phẩm từ EU. Các nhóm sản phẩm bị EU cảnh báo như thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm; cá, mực, tôm, ếch, ngao; tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở... Bên cạnh đó, một số sản phẩm cũng phải kiểm tra như thanh long chịu tần suất kiểm tra biên giới 30%, ớt 50%, đậu bắp 50%, sầu riêng 10%.