Thứ Ba, 27/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư hướng về thị trường chứng khoán Đông Nam Á

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chuyển hướng sang thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế Đông Nam Á, những nơi có tốc độ tăng trưởng cao và dự kiến hưởng lợi lớn khi Mỹ chuẩn bị hạ lãi suất.

Tượng bò tót và gấu bên ngoài trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán Malaysia ở Kuala Lumpur. Nhà đầu tư nước ngoài đang rất chú ý đến cổ phiếu ở Malaysia, nơi có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn ở các lĩnh vực như hạ tầng và năng lượng. Ảnh: Media Mulia.

Chứng khoán ASEAN bật dậy

Thị trường cổ phiếu của khu Đông Nam Á tăng lên đỉnh cao mới kể từ giữa tháng 8. Hôm 21-8, chỉ số IDX Composite của Indonesia chạm mức kỷ lục. Trước đó một ngày, chỉ số Kuala Lumpur Composite của Malaysia tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12-2020.

Từ  đầu tháng 8 đến nay, chỉ số số chứng khoán ASEAN của MSCI, tính theo giá trị đô la, tăng 6% nhờ tác động kết hợp của đà tăng giá cổ phiếu cùng với các đồng tiền ở Đông Nam Á. Trong cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ chỉ tăng 2%.

Đà tăng của chứng khoán Đông Nam Á diễn ra trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Mỹ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng Chín tới. Phát biểu tại tại hội nghị kinh tế thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming hồi cuối tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đánh giá, rủi ro lạm phát đã giảm bớt và nhấn mạnh “đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ”.

Để ghìm lạm phát, Fed đã nâng lãi suất lên biên độ 5,25-5%, mức cao nhất trong 23 năm, vào tháng 7-2023. Cơ quan này duy trì biên độ lãi suất này kể từ đó vì lạm phát vẫn cao dai dẳng. Tuy nhiên, lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng chậm lại rõ rệt trong thời gian gần đây. Cùng lúc đó, thị trường lao động Mỹ phát đi những tín hiệu đáng lo ngại. Vì vậy, khả năng Fed bắt đầu nới lỏng tiền tệ trong cuộc họp vào tháng tới gần như chắc chắn 100%.

Mức chênh lệch lợi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á đang thu hẹp khi các đồng tiền trong khu vực tăng giá so với đô la Mỹ. Đầu tháng này, đồng ringgit của Malaysia giao dịch ở mức cao nhất trong 16 tháng so với đồng bạc xanh.

“Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tăng vọt đối với cổ phiếu ở Malaysia”, Paul Chew, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Phillip Securities Research (Singapore) nói và cho biết thêm, trong khu vực ASEAN, thị trường chứng khoán Malaysia hoạt động tốt nhất.

Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về những cải cách cấu trúc đang diễn ra ở Malaysia. Nước này đang triển khai nhiều sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Trong đó, có việc khuyến khích phát triển trung tâm dữ liệu, mở các đặc khu kinh tế và nâng cấp hạ tầng giao thông.

Theo Vikas Pershad, giám đốc danh mục đầu tư chứng khoán châu Á của M&G Investments, những lĩnh vực nổi bật ở Malaysia như xây dựng, năng lượng và cơ sở hạ tầng mang đến cho nhà đầu tư nước ngoài cơ hội mới ngoài những công ty công nghệ và tiêu dùng đang thống trị ở các khu vực khác.

“Tiềm năng đa dạng hóa đầu tư này là một trong những yếu tố quan trọng khiến Malaysia trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn”, Pershad nói.

Sự suy yếu của đồng đô la cũng tạo ra luồng gió thuận lợi cho các thị trường mới nổi khác như Nam Phi và Brazil. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài chú ý hơn đến tốc độ tăng trưởng cao của các nền kinh tế Đông Nam Á.

Theo Ngân hàng trung ương Malaysia, GDP thực của Malaysia tăng trong quí 2 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này vượt dự báo của thị trường và đánh dấu tốc độ cao nhất kể từ quí cuối năm 2022. Tăng trưởng của Việt Nam và Thái Lan cũng đang tăng tốc.

Trong khi hoạt động huy động vốn cổ phần trên toàn cầu chững lại trong năm nay, tình hình đang bùng nổ ở Malaysia. 99 Speed ​​​​Mart Retail Holdings, công ty điều hành chuỗi siêu thị mini lớn nhất Malaysia dự kiến niêm yết cổ phiếu vào tháng tới sau khi tiến hành chào cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thu về 509 triệu đô la.

Trong báo cáo mới đây, các nhà phân tích của Nomura Holdings cho rằng, đã đến lúc phải tăng tỷ trọng trọng phân bổ vốn vào chứng khoán ASEAN. Ảnh minh họa: linkedin.com

Triển vọng tăng trưởng lạc quan trong dài hạn

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại về mức 1,9% trong năm 2025. Triển vọng của các nền kinh tế mổi trên thế giới trong năm 2025 cũng không nổi bật, với Brazil dự kiến tăng trưởng 2,4%, Nam Phi (1,2%) và Nigeria ( 3%).Trong khi đó,  Malaysia, Indonesia, Philippines được dự báo tăng trưởng lần lượt 4,4%, 5,1% và 6,2% vào năm tới.

Triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của Đông Nam Á cũng tươi sáng. Theo báo cáo nghiên cứu chung gần đây của Hội đồng Angsana, tổ chức tư vấn chính sách ở Singpore, hãng tư vấn quản lý Bain & Co (Mỹ) và ngân hàng DBS (Singapore), sáu nền kinh tế lớn của Đông Nam Á sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 5,1% trong giai đoạn 2024-2034. Trong cùng giai đoạn, Trung Quốc dự kiến tăng trưởng từ 3,5-4,5% mỗi năm.

Dự báo này cho thấy, động lực thúc đẩy nền kinh tế kinh tế toàn cầu ở châu Á đang dịch chuyển từ Trung Quốc xuống các nền kinh tế ở phía Nam. Trong báo cáo mới đây, các nhà phân tích của Nomura Holdings khuyến nghị khách hàng giảm tỷ trọng cổ phiếu của Trung Quốc và tăng tỷ trọng cổ phiếu ở Indonesia và Malaysia. Lý do là hai nền kinh tế này sẽ được hưởng lợi từ động thái nới lỏng tiền tệ sắp tới của Mỹ.

“Đã đến lúc phải tăng tỷ trọng phân bổ vốn dứt khoát vào thị trường chứng khoán ASEAN”, báo cáo nhấn mạnh và lưu ý, đầu tư vào Indonesia có thể là cách tốt nhất để đặt cược vào sự hồi sinh chứng khoán ở các thị trường mới nổi khi Fed bắt đầu giảm lãi suất.

Thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài

Đông Nam Á cũng hưởng lợi từ làn sóng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung dâng cao. Các mức thuế cao hơn mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa của Trung Quốc đã cản trở hoạt động xuất khẩu của nước này sang nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó thúc đẩy nhiều công ty đa quốc gia dời dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, có vị thế chính trị trung lập hơn.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như xe điện và pin tại Indonesiangày càng tăng. Tại Malaysia và Singapore, vốn nước ngoài chảy mạnh vào các nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn và dự án trung tâm dữ liệu. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã ca ngợi đất nước của ông là  “nơi trung lập nhất” đối với hoạt động sản xuất bán dẫn.

Hãng chip Intel của Mỹ lên kế hoạch đầu tư 30 tỉ ringgit (6,8 tỉ đô la Mỹ) vào Malaysia trong 10 năm kể từ năm 2021. Hãng bán dẫn Infineon Technologies của Đức đã mở rộng hoạt động và bắt đầu sản xuất thiết bị bán dẫn điện thế hệ tiếp theo ở nước này vào đầu tháng 8. Trong khi đó, Samsung Electronics tích cực đầu tư vào Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào 10 quốc gia thành viên ASEAN đạt mức kỷ lục 229,8 tỉ đô la Mỹ, theo số liệu sơ bộ vào năm 2023. Trong đó, Singapore, Việt Nam và Campuchia chứng kiến mức tăng đáng chú ý nhất.

Trong những năm qua, các nước Đông Nam Á vật lộn với lạm phát toàn cầu và đồng đô la mạnh. Lạm phát đè nặng lên nhu cầu trong nước trong khi đồng nội tệ yếu hơn làm tăng gánh nặng chi phí vay nợ bằng đồng đô la của các nước trong khu vực.

Tăng trưởng kinh mờ nhạt và đồng tiền yếu khiến dòng vốn bị rút khỏi khu vực. Tuy nhiên, triển vọng đã thay đổi khi lạm phát toàn cầu hạ nhiệt và các đồng tiền ở Đông Nam Á tăng giá.

Jeff Suteesopon, giám đốc quản lý danh mục đầu tư cỉa LGT Securities (Thái Lan) nhận xét, các thị trường chứng khoán ASEAN tụt hậu so với các thị trường Bắc Á như Đài Loan và Hàn Quốc, chủ yếu do thiếu cổ phiếu của các công ty công nghệ tầm cỡ thế giới.

“Tuy nhiên, nếu sự lạc quan hiện nay xung quanh lĩnh vực công nghệ chững lại, chúng ta có thể chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư nước ngoài đối với các thị trường ASEAN”, ông nói.

 Theo Nikkei Asia, Reuters

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới