Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường tài chính chờ đợi quyết định giảm lãi suất của Fed trong tháng 9

Trịnh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các thông báo trong tuần trước của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 9-2024 đang tạo ra không khí phấn khởi trên thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng.

Việc giảm lãi suất của Fed sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Ảnh: LÊ VŨ

Fed đưa ra nhiều dấu hiệu về khả năng giảm lãi suất trong tháng 9-2024

Biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) được công bố thứ Tư tuần trước cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đang tiến dần tới khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Phần lớn các thành viên dự họp cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ là phù hợp nếu các số liệu kinh tế tiếp tục diễn biến phù hợp với dự báo.

Giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh lạm phát đang trên đà giảm nhưng vẫn còn cách khá xa mức lạm phát mục tiêu 2%, trong khi nền kinh tế bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu đáng lo ngại về khả năng suy thoái. Việc Fed hạ lãi suất trong tình thế cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, mặc dù là một tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính nhưng cũng phản ánh sự yếu đi trông thấy của nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.

Mặc dù vẫn còn những dự báo và phân tích xoay quanh việc Fed sẽ giảm 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản trong tháng 9, tuy nhiên việc giảm lãi suất gần như đã nằm trong sự kỳ vọng của thị trường. Theo dữ liệu từ Investing.com, chỉ số DXY trong tuần trước đã giảm nhanh chóng xuống gần mức 100 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất kể từ tháng 4-2022.

Thị trường tài chính của Việt Nam sẽ “dễ thở”

Fed hạ lãi suất là một yếu tố tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Cụ thể, Fed hạ lãi suất sẽ giúp giảm chênh lệnh lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ, qua đó giúp giảm áp lực dòng vốn chảy ra và cuối cùng sẽ giảm áp lực về tỷ giá. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới ở mức dưới 80 đô la Mỹ/thùng cũng giúp giảm áp lực lạm phát. Kết quả của chuỗi phản ứng dây chuyền này là Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế khi cả hai yếu tố gây căng thẳng trong suốt hai quí vừa qua là tỷ giá và lạm phát đã dần chuyển biến tích cực.

Ở phần còn lại của thị trường tài chính là thị trường vốn, bao gồm thị trường cổ phiếu và trái phiếu, việc giảm lãi suất của Fed sẽ không có tác động trực tiếp. Tuy nhiên, tâm lý phấn khởi của các nhà đầu tư có thể sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Cần thêm thời gian để phản ánh vào nền kinh tế thực

Nhìn rộng ra các động thái của các ngân hàng trung ương lớn, việc cắt giảm lãi suất điều hành đã được thực hiện ở hầu hết các nền kinh tế khác như EU, Trung Quốc từ trước đó do áp lực suy thoái của nền kinh tế. Thực tế cho thấy sau khi cắt giảm lãi suất, các quốc gia này vẫn chưa ghi nhận được sự hồi phục kinh tế đáng kể nào.

Việc Fed hạ lãi suất phải kích thích được sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, kéo theo sự hồi phục về đơn hàng và xuất khẩu từ Việt Nam đến thị trường trên. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam mới thực sự được “hưởng lợi” từ sự đảo chiều chính sách này của Fed.

Nền công nghiệp, sản xuất và dịch vụ tại khu vực châu Âu đều tỏ ra kém năng động khi ghi nhận chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) nằm trong khu vực thu hẹp dưới 50 kể từ đầu năm 2024 đến nay. Các nền kinh tế lớn của khu vực này như Đức, Pháp và Ý vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Ở Trung Quốc, kinh tế cũng hồi phục kém với hoạt động sản xuất cầm chừng trong khi doanh thu bán lẻ tháng 6-2024 chỉ tăng 2% và là mức tăng thấp nhất trong 18 tháng, bất chấp hai đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 4 và tháng 7-2024.

Mặc dù sự quan tâm đang tập trung vào các quyết định về lãi suất của Fed nhưng trong ngắn hạn các thay đổi này chỉ ảnh hưởng trong phạm vi thị trường tài chính, trong khi đó nền kinh tế thực sẽ mất nhiều thời gian hơn để “hấp thụ” những thay đổi này. Do đó, sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ sau khi Fed chuyển sang chu kỳ nới lỏng tiền tệ mới là những chỉ báo mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.

Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính khác như EU hay Trung Quốc đều đang phải vật lộn với quá trình hồi phục khó khăn, việc Fed hạ lãi suất phải kích thích được sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, kéo theo sự hồi phục về đơn hàng và xuất khẩu từ Việt Nam đến thị trường trên. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam mới thực sự được “hưởng lợi” từ sự đảo chiều chính sách này của Fed.

Ở phía thị trường Mỹ, các dữ liệu cần tiếp tục được quan sát bao gồm các dữ liệu về sản xuất và tiêu dùng như chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ, chỉ số đơn đặt hàng lâu bền, chỉ số tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan. Ở thị trường lao động, chỉ số việc làm phi nông nghiệp giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp cũng là những chỉ báo quan trọng cần theo dõi.

DXY, hay còn gọi là U.S. Dollar Index, là một chỉ số đo lường giá trị của đô la Mỹ (USD) so với một rổ gồm sáu loại tiền tệ chính trên thế giới, bao gồm tiền của EU, Nhật Bản, Anh, Canada, Thụy Điển, Thụy Sỹ. DXY giảm phản ánh việc đô la Mỹ yếu đi khi lợi suất từ các tài sản bằng đô la Mỹ như trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khi Fed giảm lãi suất điều hành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới