(KTSG Online) - Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành chỉ thị 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng.
- Sẽ tổ chức đấu giá nhập khẩu 126.000 tấn đường trong tháng 9
- Đề xuất đầu tư 19.000 tỉ đồng di dời ga Đà Nẵng, xây mới hầm Hải Vân
Chỉ thị đề cập đến việc ngành vật liệu xây dựng đang trải qua giai đoạn khó khăn khi sản lượng, tiêu thụ và doanh thu giảm sút, đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của ngành, TTXVN đưa tin.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này gồm chính sách của ngành không phản ứng kịp thời với các phát sinh, nguyên liệu đầu vào cao, chưa ổn định, nhu cầu giảm, chi phí vận tải tăng và bị cạnh tranh gay gắt.
Song song đó, nhiều doanh nghiệp, nhà máy hoạt động, sản xuất không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, nợ xấu. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái chưa được giải quyết triệt để.
Để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần bám sát thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần phát triển ngành bền vững, hiện đại, năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu tác động môi trường, khuyến khích đầu tư và phân bố hợp lý các cơ sở sản xuất, chủ động dự báo thị trường, chống gian lận và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh các chiến lược, chương trình phù hợp, có cơ chế với các sản phẩm nhập khẩu, tập trung gỡ khó cho thị trường bất động sản. Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện chiến lược phát triển ngành thép đến năm 2050, bảo đảm cân đối cung cầu.
Tại hội nghị chuyển đổi số ngành xây dựng toàn quốc năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này đã tích cực chuyển đổi số tại các đơn vị trực thuộc. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, đáp ứng các hoạt động chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nhờ những nỗ lực trên, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tính từ đầu năm 2024 đến nay đạt 87%, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.