Thứ Bảy, 31/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các nhà nhập khẩu Âu chạy đua tích trữ cà phê

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) – Các lô hàng cà phê đang nhanh chóng được vận chuyển đến châu Âu khi giới thương nhân và những nhà rang xay ở khu vực này chạy đua mua tích trữ trước khi Quy định chống phá phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực cuối năm nay.

EUDR yêu cầu nhà nhập khẩu phải chứng minh những mặt hàng nông nghiệp chủ lực như cà phê, thịt bò, ca cao, gỗ… không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Tuy nhiên, sự thiếu rõ ràng về các chi tiết của EUDR khiến nhiều doanh nghiệp bối rối và chưa sẵn sàng tuân thủ. Vì vậy, một khi EUDR được triển khai, tình trạng nguồn cung cà phê vào châu Âu bị gián đoạn là điều không thể tránh khỏi.

Công nhân bốc các bao cà phê thô tại một nhà máy chế biến cả phê xuất khẩu ở Kampala, Uganda. Trong tháng Bảy, xuất khẩu cà phê của Uganda đạt mức cao nhất trong lịch sử với phần lớn các lô hàng hướng về châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Nguồn cung cà phê cho châu Âu chủ yếu phụ thuộc vào hàng triệu nông dân canh tác nhỏ lẻ trên khắp thế giới. Điều đó đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo mọi hạt cà phê đều tuân thủ EUDR. Vì vậy, các thương nhân đang chạy đua để nhập khẩu cà phê vào châu Âu với số lượng nhiều nhất thể trước khi EUDR có hiệu lực vào ngày 30-12-2024

Trong bảy tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê từ Brazil, nước sản xuất hàng đầu thế giới sang EU tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Uganda ngày càng trở thành nhà cung cấp cà phê robusta quan trọng đối với châu Âu sau khi nguồn cung của Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới, giảm mạnh do thời tiết khô hạn. Quốc gia Đông Phi này chứng kiến ​​xuất khẩu cà phê đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng trước, với phần lớn cà phê hướng tới châu Âu.

“Đây là vụ cà phê robusta cuối cùng mà chúng tôi có thể xuất khẩu trước khi EUDR có hiệu lực”, Ted Marley, một nhà kinh doanh cà phê ở Uganda nói và cho biết, vụ thu hoạch cà phê robusta tiếp theo diễn ra vào tháng 10. Tuy nhiên, do thời gian vận chuyển đến châu Âu lên tới 70 ngày vì tàu phải vòng qua Nam Phi cũng như cần thêm thời gian để chế biến nên hầu hết cà phê robusta trong vụ sắp tới sẽ phải tuân thủ EUDR.

Theo Ricardo Dos Santos, giám đốc cấp cao của nhà cung cấp cà phê Riccoffee (Anh), các nhà rang xay ở châu Âu đang sốt sắng mua tích trữ cà phê để đề phòng sự thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra trong quí đầu tiên của năm 2025.

Ông nói thêm, rất ít thương nhân sẵn sàng mạo hiểm vận chuyển cà phê đến châu Âu sau tháng 10. Hiện tại, những người này không muốn bỏ lỡ cơ hội vận chuyển những lô hàng cà phê chưa cần được chứng nhận tuân thủ EUDR.

Cuộc chạy đua nhập khẩu ở châu Âu diễn ra khi thị trường cà phê đang nóng hừng hực. Giá của cà phê robusta, thường được sử dụng cho các sản phẩm hòa tan, liên tiếp đạt các mức cao kỷ lục mới trong năm nay. Trong khi đó, giá cà phê arabica cũng tăng hơn 30% trong năm nay. Chi phí vay cao, tình trạng thiếu container và thời gian vận chuyển dài hơn cũng làm tăng thêm thách thức.

“Chúng tôi không có năng lực và cũng không có tiền để mua cà phê tích trữ dự phòng cho 12 tháng tới ở châu Âu”, Holger Preibisch, giám đốc của Hiệp hội cà phê Đức nói.

Theo Preibisch, các thương nhân đang cố gắng vận chuyển cà phê đến châu Âu ở mức nhiều nhất có thể trước khi EUDR có hiệu lực. Họ lo ngại tình hình trong tương lai không chắc chắn vì Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU), vẫn chưa công bố tất cả các chi tiết để thực hiện EUDR. Điều đó có nghĩa ngay sau năm 2024, khối lượng cà phê nhập khẩu vào châu Âu sẽ ít hơn, có thể đẩy giá lên cao.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, những nước xuất khẩu lớn như Brazil và Costa Rica có sự chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu chống phá rừng. Trong khi đó, nhiều công ty xuất khẩu cà phê ở châu Phi chưa sẵn sàng tuân thủ EUDR.

Joab Kankiriho, nhà môi giới cà phê của Công ty Wakanda Coffee (Uganda) cho biết, Uganda thực sự chậm trễ về mặt tuân thủ EUDR. “Nhiều nhà xuất khẩu của Uganda đã không thực hiện các chương trình thương mại cà phê bền vững cho đến khi EUDR được công bố”, ông nói.

Trong năm nay, Ethiopia, một nhà xuất khẩu cà phê lớn khác của châu Phi đã đề xuất kế hoạch hành động quốc gia để đảm bảo tuân thủ EUDR trong ba năm tới. Chính phủ Ethiopia đề nghị gia hạn thực hiện quy định này đối với chuỗi cung ứng cà phê ở Ethiopia nhưng EU từ chối.

Một số nước thành viên EU và hiệp hội kinh doanh cà phê đang kêu gọi sửa đổi EUDR. Gần đây, trong thư ngỏ gửi cho Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, một loạt tổ chức gồm Diễn đàn các nhà sản xuất thế giới, Hiệp hội Cà phê ASEAN, Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil, Hiệp hội cà phê châu Âu… kêu gọi can thiệp khẩn cấp để giải quyết các mối lo ngại liên quan đến EUDR trước tháng 10-2024.

Một trong những lo ngại đó là hệ thống thông tin của EUDR (để tiếp nhận dữ liệu chứng minh hàng hóa sạch, tức không sản xuất từ đất rừng bị phá) còn nhiều khiếm khuyết. Trong đó, hệ thống có thể không có khả năng quản lý khối lượng dữ liệu lớn, thiếu độ tin cậy trong việc xử lý dữ liệu định vị địa lý.

Những tổ chức trên cũng cảnh báo, EUDR có thể gây ra những hậu quả ngoài ý muốn đối với những hộ nông dân trồng cà phê nhỏ lẻ cũng như các công ty kinh doanh cà phê nhỏ.

Các lô hàng cà phê nhập khẩu vào châu Âu dự kiến ​​giảm dần trong thời gian tới vì không thương nhân nào muốn bị kẹt với một lô hàng bị giao trễ và không đáp ứng được các yêu cầu từ EUDR.

Tuy nhiên, Kankiriho cho rằng, thị trường Trung Quốc có thể bù đắp cho thị phần cà phê bị mất mát ở châu Âu sau khi EUDR có hiệu lực. Các khách hàng Trung Quốc hiện đang tăng mua cà phê của Uganda.

“Tôi nghĩ chúng tôi phải tìm kiếm thị trường thay thế ở những nơi khác dù hiện nay khách hàng ở EU mua gầm 90% cà phê xuất khẩu của Uganda”, ông nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới