Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Số ca mắc sởi tăng nhanh: những ai cần nhanh chóng tiêm vaccine sởi?

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo các bác sĩ, hiện TPHCM đang tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi nên trong kỳ nghỉ lễ 2-9, phụ huynh có thể đưa trẻ nhỏ (chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi) đến các cơ sở y tế để tiêm chủng. Việc tiêm đủ 2 mũi vaccine giúp trẻ nhỏ có được miễn dịch, phòng chống được dịch sởi đang bùng phát hiện nay.

Nhiều trẻ em mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). Ảnh: Minh Thảo

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện số ca mắc sởi trên địa bàn vẫn đang gia tăng hàng ngày. Cụ thể, từ ngày 1-1 đến 22-5, TPHCM không phát hiện ca sởi. Tuy nhiên, từ ngày 23-5 đến 27-8, thành phố đã ghi nhận 432 ca mắc tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Trong đó có 3 ca tử vong liên quan đến sởi là những trẻ có bệnh bẩm sinh.

Đáng chú ý, số ca mắc sởi đang tăng nhanh ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm tỷ lệ 73,2%) và đang có xu hướng dịch chuyển lên nhóm trẻ có độ tuổi lớn hơn. 

Trong bối cảnh dịch sởi bùng phát trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, các chuyên gia y tế cho rằng phụ huynh không nên quá lo lắng nhưng cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm vaccine sởi đầy đủ để phòng bệnh. Hiện TPHCM đang triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi từ ngày hôm nay (31-8) và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ.

Không quá lo lắng nhưng đừng chủ quan

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM, cho biết trong kỳ nghỉ lễ này, phụ huynh nên tranh thủ kiểm tra ngay sổ tiêm chủng của trẻ nhỏ. Đối với những ô có chữ “bệnh sởi”, phụ huynh nên đếm xem liệu đã được ghi đủ 2 lần tiêm vaccine có chứa thành phần sởi hay chưa.

“Trường hợp trong sổ tiêm chủng chỉ ghi có một ngày tiêm hoặc chưa có ngày tiêm nào, phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến trung tâm y tế địa phương hoặc đơn vị tiêm chủng của bệnh viện gần nhất để được tiêm vaccine”, bác sĩ Minh nói.

Hiện nay, vaccine chứa thành phần sởi gồm có vaccine sởi đơn (tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 12 tháng); vaccine sởi – rubella (tiêm cho trẻ 12 tháng đến 5 tuổi) và vaccine dịch vụ là vaccine sởi – quai bị – rubella (tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn). Đặc biệt, đối với lịch tiêm vaccine sởi – quai bị – rubella, khi xuất hiện dịch sởi, trẻ nhỏ có thể được tiêm từ 6 tháng tuổi.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, dù TPHCM đã công bố dịch sởi nhưng những người du lịch hay đến công tác trên địa bàn thành phố không nên quá lo lắng nếu bản thân đã tiêm ngừa đủ phác đồ sởi trước đó. Mọi người không nên quá lo sợ nhưng cũng đừng chủ quan. Hiện nay, cách phòng chống dịch sởi hữu hiệu nhất vẫn là đưa trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa sởi hoặc tiêm chưa đủ hai mũivaccine sởi đến cơ sở y tế để tiêm chủng.

Đây là bệnh rất cũ nên không thể lây lan trên diện rộng như bệnh mới. Vì đây là bệnh cũ nên bệnh chỉ tấn công người chưa có miễn dịch. “Nếu đã tiêm ngừa đúng và đủ, chúng ta không quá lo sợ bệnh sởi, có bệnh xung quanh hay có công bố dịch sởi cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày”, bác sĩ Khanh nói và cho biết trường hợp trẻ nhỏ bị mắc bệnh sởi cần được đi khám sớm. Những trẻ mắc bệnh sởi nhẹ được điều trị tại nhà, cũng cần cách ly trong vòng 5 ngày kể từ khi phát ban.

Trường hợp trẻ nhỏ có biến chứng nặng như khó thở, đại tiện ra máu, tai chảy mủ… thì phải đưa trẻ nhỏ đến bệnh viện ngay. Đặc biệt, trẻ em mắc bệnh sởi cần đến các trạm y tế để uống vitamin A, giúp tăng sức đề kháng và tránh những biến chứng ảnh hưởng tới mắt. Sau khi khỏi bệnh, phụ huynh cần tẩm bổ, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, bác sĩ Khanh hướng dẫn thêm.

Phụ huynh đưa trẻ nhỏ đi tiêm vaccine sởi trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Minh Thảo

Tiêm vaccine sởi bao lâu có hiệu quả bảo vệ?

Trước thắc mắc mất khoảng thời gian bao lâu sau khi tiêm vaccine sởi thì mới có hiệu quả bảo vệ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM, cho biết: “Chúng ta cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể sản xuất đủ kháng thể bảo vệ tránh virus sởi. Trong khoảng thời gian này, những người lớn có nguy cơ mắc sởi hoặc có dấu hiệu nghi ngời bệnh sởi cần tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ”.

Ngoài trẻ nhỏ chưa tiêm đủ mũi, bác sĩ Minh cũng khuyến cáo 4 nhóm người cũng nên tiêm vaccine sởi. Thứ nhất là người lớn trong gia đình, đặc biệt là những người đang trực tiếp chăm sóc các bé nhỏ dưới 12 tháng tuổi nên tiêm vaccine sởi.

Thứ hai, các bảo mẫu và giáo viên trường mầm non thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ cũng nên tiêm vaccine phòng bệnh.

Thứ ba, trẻ em không biết rõ về lịch sử tiêm chủng trước đây và đang có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như nhiễm HIV, sau ghép tạng, đang điều trị ung thư, đang chạy thận nhân tạo, cắt lách hoặc không có lách, mắc bệnh lupus, hội chứng thận hư… cũng cần tiêm vaccine sởi.

Cuối cùng, phụ nữ có kế hoạch sẽ mang thai trong 3 tháng sắp tới, cần hoàn tất đủ 2 mũi vaccine sởi – quai bị – rubella. Các chị em phụ nữ tuyệt đối không mang thai trong thời gian tiêm vaccine và một tháng sau tiêm vaccine, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Theo kế hoạch của chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi, những người được ưu tiên trong đợt này là trẻ em từ 1-5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TPHCM và trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6-16 tuổi) đang khám điều trị tại các bệnh viện.

Chiến dịch này được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 31-8 đến ngày 30-9. Sau đó, giai đoạn 2 sẽ diễn ra từ ngày 1-10 đến ngày 31-10. Phụ huynh có thể đến các trạm y tế phường, xã tại nơi cư trú để biết lịch tiêm vaccine sởi cụ thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới