Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi luật còn tùy thuộc vào cán bộ thực thi luật

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những sai phạm của một số người nguyên là cán bộ tại Bộ Công Thương liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, được công bố trên báo chí trong tuần qua, cho thấy Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện theo quy định để được làm doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, nhưng các cán bộ kia vẫn có thể dễ dàng “dàn xếp” để công ty này được cấp giấy phép, cho dù có cả một đoàn công tác đến tận nơi để kiểm tra đúng theo quy trình và thủ tục.

Còn các cán bộ bị vướng vào vòng lao lý ở vụ án xảy ra ở ngành đăng kiểm thì làm ngơ cho những chiếc xe hay tàu không đủ tiêu chuẩn lưu thông, và với vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB thì bỏ qua các sai phạm nghiêm trọng.

Ở chiều ngược lại, không ít người dân và doanh nghiệp phải vất vả, khổ sở trước những cán bộ có tài “vạch lá tìm sâu” để gây khó dễ, nhũng nhiễu và từ chối giải quyết yêu cầu về thủ tục hành chính của họ.

Theo báo cáo được công bố tại Phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra vào trung tuần tháng 8 vừa qua, thời gian qua Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hàng chục văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cũng khắc phục tình trạng chồng chéo và bịt các lỗ hổng của luật pháp nhằm góp phần minh bạch hóa môi trường pháp lý, góp phần hỗ trợ cho việc phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, những sai phạm được đưa ra ánh sáng liên quan đến các vụ án nêu trên, và ở rất nhiều vụ án trước đó, cũng cho thấy việc ban hành các quy định pháp luật cũng như làm cho môi trường pháp lý minh bạch là rất cần thiết nhưng chưa đủ để ngăn ngừa cán bộ lạm dụng quyền lực để tham ô, trục lợi, mà cần phải có thêm cơ chế để các cán bộ nhà nước không thể và không dám sử dụng quyền hành được trao vào các mục đích phi pháp.

Không phải ngẫu nhiên mà tại phiên họp trên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xem việc hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực là trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì khi quyền lực của cán bộ công chức được kiểm soát tốt thì sẽ không còn ai dám “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ” nữa, và do đó những sai phạm như trong vụ án Xuyên Việt Oil, đăng kiểm hay Vạn Thịnh Phát và nhiều vụ án tương tự khác sẽ không còn tái diễn; và người dân, doanh nghiệp cũng bớt vất vả, khổ sở trước những cán bộ biến chất ở các cấp cơ sở khi cần giải quyết các nhu cầu về thủ tục hành chính.

Vấn đề đặt ra là làm sao xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả? Đây quả là một bài toán khó, nhất là khi thời gian qua đã có những cán bộ làm việc trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thậm chí là một số đại biểu Quốc hội, cũng đã bị kết án hoặc truy tố các tội liên quan đến tham ô, nhận hối lộ.

Giải pháp được nêu ra tại phiên họp trên là “tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đây là hướng đi tích cực, vấn đề còn lại là làm sao để quyền giám sát của các cơ quan, tổ chức kể trên trở nên khả thi, nghĩa là cần có cơ chế để các cơ quan, tổ chức này có thể tiếp cận và thực thi quyền giám sát của mình một cách thuận lợi, minh bạch và không bị cản trở.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hoàn thiện thể chế lập pháp, hành pháp và tư pháp như kiềng ba chân vững chắc. Có như vậy mọi công dân mới có thể sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới