Thứ Bảy, 7/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nẻo thu đi về

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bạn và tôi đứng chờ xe bên con đường còn loáng mưa đêm, để đi dọc dải đất miền Trung mùa thu. Vô đến Sài Gòn, dường như còn nghe mùi hương đất, hương quê vương vấn.

1. Đó là đêm mưa cuối tháng 8 ở Đồng Hới – Quảng Bình, mệnh danh là thành phố hoa hồng, những người bạn học năm xưa tụ hội. Ngoài những kỷ niệm ôn lại, các bạn còn đưa chúng tôi đi thăm vài chỗ qua nhiều cung đường mang dấu ấn lịch sử. Nơi căn nhà xưa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm bên dòng Kiến Giang êm đềm trôi, người hướng dẫn viên xúc động kể về thuở sinh thời của vị danh tướng, có một chi tiết khiến tôi đặc biệt chú ý, là trong bức thư gửi về quê năm ấy, cố đại tướng đã nhắc hỏi một kỷ niệm, rằng “trẻ con làng mình nay có ra sông tắm như hồi trước hay không?”.

Ấy là làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi có nếp nhà mái ngói khiêm nhường nâng niu giấc ngủ vị danh tướng ngày thơ bé. Trong ngọn nắng thu lấp lóa lọt qua tàng cây trước hiên nhà, nghe lời kể tôi hình dung như vọng lại tiếng hò reo của đám trẻ làng cách đây cả thế kỷ, chạy nhảy về hướng bến sông cách đó mấy chục thước, thuở nào.

2. Rời Quảng Bình, tôi vào Quảng Trị, đúng vụ hè – thu đang vào độ gặt. Ngọn gió lướt qua cửa xe mang phong vị đồng áng từ những chiếc máy gặt trục xuôi ngược trên ruộng, thổi qua. Người bà con cùng làng hớn hở kể: “Thường ở miền Trung lúa hè – thu là trái vụ, nhưng lâu lắm rồi mới cho năng suất cao như mùa này”. Mỗi sào ruộng Trung bộ chỉ 500 mét vuông nhưng thu hoạch bình quân 3-4 tạ thóc. Tính ra, vùng bán sơn địa quê tôi là nơi vốn ít ruộng, mỗi gia đình nông dân gieo sạ năm sào thì thu vào được khoảng 1,5-2 tấn. Chừng đó cũng đủ chi dùng cho đến mùa sau…

Vào vụ gặt ở huyện Gio Linh, Quảng Trị. Ảnh: T.T.B

Nhưng không chỉ việc ruộng đồng, những câu chuyện làng miên man bất tận rồi cũng “đậu” vào đầu tôi suy nghĩ, rằng người ta ngày càng nói nhiều hơn về chuyện tương lai, chuyện học hành của con cháu. Khi đời sống dần no đủ, số lúa thu hoạch sau mỗi vụ hoặc sản vật từ chăn nuôi của nông dân hầu như bỏ vào việc đầu tư cho mai sau chiếm phần không nhỏ. Bởi vậy chuyện con em, tỉ như làng mình năm nay có bao nhiêu đậu đại học, vào những trường nào… vẫn được đề cập nhiều nhất, trước lúc các em khăn gói đi xa tìm thêm vốn chữ. Đó là dấu hiệu tốt lành ở nơi xưa kia vốn là vùng chiến địa cực kỳ ác liệt, ít có nơi nào gánh chịu nhiều hơn thế.

3. Vốn là một trong ba tỉnh của địa danh Bình Trị Thiên ngày ấy, bây giờ Thừa Thiên – Huế vẫn là nơi tinh hoa ở các tỉnh miền Trung hội tụ. Mùa thu ở Huế thơ mộng dịu dàng cũng là mùa nhập trường của tân sinh viên vào hệ thống các trường thuộc Đại học Huế. Người bạn quê nhà ở Hội An, là cựu sinh viên và cũng là nhà thơ có nhiều bạn văn chương xứ cố đô, đưa con ra học năm đầu của khoa Ngữ Văn, nơi ngày xưa anh học rồi ra trường 37 năm trước, nói với tôi: “Cháu vẫn theo nghiệp văn của mình ngày ấy. Còn lại là lo chuyện ở trọ đi học, nhưng bây giờ cũng khá đơn giản, tìm kiếm trong một vài ngày là ổn. Điều kiện bây giờ khác với tụi mình ngày xưa nhiều lắm”. Nhưng tôi hiểu rằng, chuyện tìm kiếm nơi ăn chốn ở cho đứa con là bước khởi đầu khó khăn, bởi mỗi năm Huế có cả chục ngàn tân sinh viên nhập học. Điều chính yếu nghe trong giọng anh kể, là con mình đến với xứ Huế, “cái nôi” của đất học bao đời, từng ươm mầm cho lớp lớp sinh viên ra trường, tỏa đi muôn phương!

*

* *

Những câu chuyện chắp nhặt qua vùng đất thân quen đôi lúc khiến tôi bồi hồi. Nẻo đi về ấy đã kết đọng thành khúc tản mạn, với mùa thu này!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới