Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Luật hóa việc bán thuốc ‘qua mạng’ theo hướng nào?

Cẩm Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bản mới nhất của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chỉ cho phép bán lẻ “qua mạng” những loại thuốc thuộc danh mục không kê đơn; đồng thời cấm bán lẻ “qua mạng” các loại thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, việc mua thuốc theo đơn online, tức gửi đơn thuốc là nhà thuốc sẽ giao tận nhà, hiện rất phổ biến và có cấm thì người ta vẫn làm!

Trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc mua sắm qua Internet ngày càng phổ biến và trở thành lựa chọn của nhiều người dân. Theo đó, việc mua bán thuốc, thực phẩm chức năng, nguyên liệu làm thuốc qua các phương tiện thương mại điện tử cũng trở nên quen thuộc, song vấn đề này chưa được Luật Dược 2016 điều chỉnh.

Vì vậy, khi tiến hành sửa Luật Dược, Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo, đã bổ sung loại hình kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Cùng với đó, quy định quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trên và giao Bộ Y tế quy định cụ thể việc kết nối đơn thuốc điện tử với cơ sở bán lẻ thuốc, liên thông dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dược.

Thẩm tra nội dung này khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 5-2024, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử. Lý do là trong chuỗi các hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc (từ sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu đến bán buôn, bán lẻ), thì trong hoạt động bán lẻ là có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí có khác biệt giữa người bán và người kê đơn, nên cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ bán lẻ “qua mạng” đối với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng...

Sau đó, trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số ý kiến không đồng tình với việc cho phép bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử trong khi một số ý kiến khác tán thành. Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc “qua mạng”; đề nghị cụ thể về điều kiện, các loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán; làm rõ trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn, các bên liên quan, cách thức tiến hành, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, giá bán, biện pháp bảo đảm bảo mật thông tin người mua; bổ sung những hành vi nghiêm cấm đối với hoạt động này; quy định chế tài cụ thể…

Bản mới nhất của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (trình Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra) vẫn quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử - đồng nghĩa với cho phép mua bán thuốc qua mạng. Tuy nhiên, dự thảo luật cũng chỉ cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, trang web thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm; đồng thời cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên các phương tiện điện tử không được liệt kê ở trên.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, nên cho phép triển khai (bán thuốc kê đơn theo phương thức thương mại điện tử - PV) nhưng quy định rõ ràng, có thể bắt đầu từ chính nhà thuốc của bệnh viện có bệnh án điện tử, có khám chữa bệnh từ xa, để tạo thuận lợi cho người dân.

Các cơ sở muốn bán thuốc qua các phương tiện thương mại điện tử phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, đáp ứng các điều kiện kinh doanh tương ứng với từng loại hình kinh doanh dược mà cơ sở đăng ký được quy định tại điều 33 (sửa đổi).

Cùng với đó, dự thảo luật quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Theo đó, chỉ có thuốc không kê đơn mới được bán lẻ “qua mạng”; còn lại thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ đều bị cấm. Về bán buôn, dự thảo luật quy định thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Mặc dù một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Anh đều cho phép việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử; song sự thận trọng của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Xã hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với phương thức kinh doanh này cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng, trong khi kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử là một hình thức kinh doanh mới, việc quản lý hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, có nên chỉ cho phép bán lẻ “qua mạng” thuốc không kê đơn, hay nên mở rộng tới thuốc kê đơn là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Khi góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, người đang cùng lúc đảm nhận cương vị Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, nói rằng: việc mua thuốc theo đơn online, tức là gửi đơn (ví dụ chụp ảnh gửi qua Zalo, Viber... - PV) là nhà thuốc sẽ “ship” (giao) tận nhà, là thực tế đang diễn ra. Nếu chiếu theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược thì hành vi này không được phép.

“Việc này chúng ta có cấm thì thực tế người ta vẫn làm. Hiện nay rất nhiều nhà thuốc làm như vậy, chỉ cần chụp ảnh đơn thuốc là nhà thuốc sẽ gửi tới tận nhà. Nếu cấm sẽ đẩy người dân vào tình trạng phạm pháp”, ông Hiếu nói. Vì thế, ông cho rằng nên cho phép triển khai (bán thuốc kê đơn theo phương thức thương mại điện tử - PV) nhưng quy định rõ ràng, có thể bắt đầu từ chính nhà thuốc của bệnh viện có bệnh án điện tử, có khám chữa bệnh từ xa, để tạo thuận lợi cho người dân.

Đó là chưa kể, nếu pháp luật cấm nhưng người dân vẫn làm trong khi cơ quan chức năng không hoặc khó kiểm soát được sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Thuốc không kê đơn là những loại thuốc có thể mua, bán không cần đơn của bác sĩ. Các loại thuốc này thường do bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân tự yêu cầu mua hoặc do nhân viên nhà thuốc, quầy thuốc khuyến cáo sử dụng. Thuốc không cần đơn được xem là các thuốc không nguy hiểm. Danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm không kê đơn ban hành kèm theo Thông tư 07/2017/TT-BYT của Bộ Y tế gồm 243 thành phần hoạt chất.

Thuốc kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Việc sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân. Hiện chưa có Thông tư của Bộ Y tế về thuốc kê đơn; vì vậy thuốc kê đơn được hiểu là thuốc không thuộc danh mục thuốc không kê đơn còn hiệu lực do Bộ Y tế ban hành (Thông tư 07/2017/TT-BYT). Trước đó, danh mục thuốc kê đơn và bán theo đơn tạm thời quy định tại Công văn 1517/BYT-KCB năm 2008 của Bộ Y tế gồm 30 loại thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới