Thứ Tư, 4/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khách quốc tế gây ‘áp lực’ cho các hãng thẻ tín dụng Nhật Bản

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khách quốc tế đang đổ xô đến Nhật Bản, mạnh tay chi tiêu cho mua sắm và ăn uống. Thế nhưng, khách nước ngoài lại đang gây áp lực lên các hãng thẻ tín dụng của nước này, bởi khách chi tiêu bằng thẻ càng nhiều thì các hãng thẻ lại càng lỗ.

Nhật Bản dự kiến đón 35 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, tăng hơn 40% so với năm ngoái. Tuy vậy, các khoản lỗ mà các hãng thẻ Nhật Bản gánh chịu khi chấp nhận thẻ phát hành ở nước ngoài dự kiến đạt 30 tỉ yen, tăng khoảng 50%. Ảnh: Nikkei Asia

Các hãng thẻ Nhật Bản đang dự định áp dụng cơ chế hai giá, phí thanh toán bằng thẻ được phát hành ở nước ngoài sẽ cao hơn phí của thẻ nội địa.

Các hãng thẻ dự kiến lỗ hơn 200 triệu đô la

Khi khách sử dụng thẻ tín dụng được phát hành ở nước ngoài tại Nhật Bản, công ty thẻ Nhật Bản phải trả phí cho 1,8% cho đơn vị phát hành thẻ ở nước ngoài và 0,8% cho các thương hiệu quốc tế như Visa, MasterCard, Amex hay UnionPay.

Trong khi đó, các hãng thẻ trong nước như Sumitomo Mitsui Card và Mitsubishi UFJ Nicos chỉ thu phí 1,9% đối với các điểm dịch vụ chấp nhận thẻ, khiến họ lỗ 0,7%, chưa kể phí hệ thống và các khoản phí khác. Nếu khách nước ngoài thực hiện 60% các giao dịch bằng thẻ nước ngoài tại Nhật Bản, dự kiến các khoản lỗ của các hãng thẻ Nhật trong năm nay có thể lên đến 30 tỉ yen (hơn 206 triệu đô la), tăng hơn khoảng 50% so với năm 2023.

Bảy trong số tám công ty thẻ tín dụng lớn của Nhật Bản được Nikkei Asia khảo sát cho biết, các khoản lỗ đã tăng. Trong số này, sáu công ty cho biết đang cân nhắc hoặc đã bắt đầu áp dụng các loại phí khác nhau với các thẻ phát hành ở nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp và các điểm du lịch ở Nhật Bản cũng đang áp dụng cơ chế hai giá. Trong đó, khách nước ngoài phải trả tiền nhiều hơn so với người Nhật cho cùng loại hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế này với thẻ phát hành trong nước và thẻ từ nước ngoài, các cửa hiệu và nhà hàng bị tác động nhiều hơn, chứ không du khách nước ngoài sử dụng thẻ, theo Nikkei Asia.

Các hãng thẻ của Nhật Bản thường đạt biên lợi nhuận khoảng 0,2% đối với thẻ trong nước và với giả định là 90% giao dịch được thực hiện trên thẻ nội địa. Những hãng này đã duy trì mức phí thấp trong nhiều năm để cạnh tranh với thanh toán tiền mặt và các nền tảng thanh toán di động.

Tuy nhiên, khi du khách nước ngoài ngày càng gia tăng, các khoản lỗ mà hãng thẻ gánh chịu càng phình to. Một công ty cho biết khoản lỗ này đã tăng từ hàng tỉ lên hàng chỉ yen chỉ trong một năm.

Bài toán khó cho doanh nghiệp và hãng thẻ

Doanh nghiệp kinh doanh các cửa hàng thời trang cao cấp và khách sạn hạng sang được xem là những nơi có khả năng áp cơ chế hai giá nhiều nhất vì khoản lỗ từ thẻ nước ngoài đang vượt qua lợi nhuận từ các thẻ trong nước.

Thế nhưng, nếu những doanh nghiệp này không muốn trả phí cao hơn và tiếp theo là không chấp nhận thẻ được phát hành ở nước ngoài thì lại có thể bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng doanh thu từ khách quốc tế.

Đồng yen yếu đã thúc đẩy doanh số các sản phẩm đắt tiền như máy ảnh, đồng hồ của các hãng bán lẻ, một số du khách đã chi hơn 1 triệu yen, hơn 6.800 đô la mỗi lần quẹt thẻ. Một chuỗi cửa hàng bán cho du khách nước ngoài đã nhận được đề xuất tăng phí từ các hãng thẻ. Tuy nhiên, chuỗi này nói đang cân nhắc và tìm cách ứng phó.

Tình hình cũng tương tự là một khách sạn sang trọng ở Tokyo nhưng khách sạn này đã bác bỏ việc áp dụng cơ chế hai giá với thẻ ngoại. “Thật khó để tăng giá phòng đối với khách sử dụng thẻ nước ngoài. Cách dễ làm hơn là tăng phí trên tất cả các loại thẻ được chấp nhận”, đại diện của khách sạn nói.

Ngoại trừ JCB và một số công ty có thương hiệu riêng, các đơn vị phát hành thẻ của Nhật Bản đều phụ thuộc vào mạng lưới thanh toán của các thương hiệu quốc tế.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những gì được thông báo về phí người dùng”, đại diện một hãng thẻ tín dụng lớn nói.

Các hãng thẻ Nhật Bản đang xem tỷ lệ 2,7-3% là mức phí chuẩn trong ngành, tức là sẽ có lợi nhuận. Hồi tháng 5-2024, Sumitomo Mitsui Card đã giám phí thẻ tín dụng thanh toán trên smartphone dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn 1,98%, tức giảm khoảng 30% so với mức 2,7%. Sumitomo sẽ áp mức phí thấp này với thẻ cuối năm nay. Sumitomo hy vọng mức phí thấp hơn sẽ thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời giúp Sumitomo tăng trưởng nhanh hơn các hãng thẻ khác.

Trong khi đó, trả lời Nikkei Asia, đại diện của Visa cho biết, mức phí được thiết lập dựa trên các khoản đầu tư đáng kể mà hãng đã thực hiện cho đến nay.

Trong năm nay, theo dự báo của Thủ tướng Fumio Kishida, Nhật Bản sẽ chào đón kỷ lục 35 triệu lượt khách quốc tế, tăng 40% so với con số 25 triệu của năm ngoái. Doanh thu du lịch quốc tế trên đà đạt 8.000 tỉ yen, tăng hơn 50% so với mức 5.300 tỉ yen của năm ngoái.

Theo Nikkei Asia, Asahi Shimbun, Statista

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới