(KTSG Online) - Trong vòng 5 năm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành hàng loạt đạo luật và chỉ thị nhằm thúc đẩy giới doanh nghiệp tuân thủ tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Nhiều doanh nghiệp ở khối này chỉ trích chính sách ESG quá nghiêm ngặt khiến tốn kém chi phí và đánh mất sức cạnh tranh với các công ty cùng ngành ở Mỹ.
- EU cần đầu tư 1.500 tỉ euro mỗi năm để đáp ứng mục tiêu Net-Zero
- EU sẽ phạt tiền nhà nhập khẩu không báo cáo khí thải carbon
Doanh nghiệp kêu quy định quá nghiêm ngặt
Patrick Pouyanne, CEO của tập đoàn dầu khí TotalEnergies (Pháp), cho rằng hiệu suất tăng giá cổ phiếu của công ty kém so với ExxonMobil, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Mỹ một phần là do quy định nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu về ESG.
Chiến lược mở rộng đầu tư dầu khí của ExxonMobil đã được các nhà đầu tư tưởng thưởng. Giá cổ phiếu của tập đoàn này tăng hơn gấp đôi trong ba năm qua. Ngược lại, áp lực buộc các nhà quản lý tài sản trong khu vực phải đầu tư theo tiêu chí ESG đã kìm hãm giá cổ phiếu của TotalEnergies, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai châu Âu. Vì lý do đó, Pouyanne đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở Mỹ.
Người khổng lồ dầu mỏ của Pháp không đơn độc khi chỉ ra rằng, tác động đột ngột của các quy định ESG khiến doanh nghiệp châu Âu gặp bất lợi về mặt cạnh tranh và định giá so với doanh nghiệp cùng ngành ở Mỹ. Nhiều doanh nghiệp lớn khác của châu Âu, từ hãng xe Mercedes-Benz (Đức) cho đến đến tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever (Anh) cũng chỉ trích chính sách ESG khắc nghiệt của EU.
Bàn tròn Công nghiệp châu Âu (ERTI), một tổ chức với các thành viên có tổng doanh thu hàng năm là 2 nghìn tỉ euro cho rằng, các quy định ESG quá nghiêm ngặt đang làm mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực.
Trong 5 năm qua, khoảng thời gian mà châu Âu bắt đầu xây dựng khung pháp lý ESG tham vọng nhất thế giới, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ tăng hơn gấp đôi so với chỉ số chứng khoán Stoxx 600 của châu Âu.
Cổ phiếu của các công ty năng lượng châu Âu thường giao dịch với mức chiết khấu 40% so với các công ty cùng ngành ở Mỹ. Nếu TotalEnergies được định giá ngang bằng với nhà sản xuất dầu thô lớn trung bình của Mỹ, vốn hóa thị trường của tập đoàn sẽ tăng thêm 108 tỉ đô la Mỹ, theo tính toán của Bloomberg.
Đối mặt với các quy định ESG khác nhau giữa Mỹ và EU, một số doanh nghiệp châu Âu đang cân nhắc lại chiến lược. Gần đây, tập đoàn kinh doanh hàng hóa Glencore (Thụy Sĩ) cho biết sẽ từ bỏ kế hoạch rút khỏi mảng kinh doanh than. Glencore được cho là đang rút lại ý định từ niêm yết ở London để gia nhập sàn chứng khoán ở New York. Công ty tiện ích RWE của Đức nằm trong số các doanh nghiệp châu Âu tập trung vào các khoản đầu tư xuyên Đại Tây Dương hơn so với thị trường quê nhà. Trong khi đó, hãng pin FREYR Battery của Na Uy đã chuyển trụ sở chính sang Mỹ.
“Rủi ro lớn nhất trong cách tiếp cận của châu Âu đối với chính sách ESG là đặt những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng vào thế bất lợi cạnh tranh đáng kể”, Dimitri Papalexopoulos, Chủ tịch Titan Cement International, nhà sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng của Hy Lạp nhận xét.
Số lượng doanh nghiệp của EU có tên trong Fortune Global 500 (500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất toàn cầu do tạp chí Fortune bình chọn) ngày càng giảm. Thị phần sản xuất nhôm trên toàn thế giới của châu Âu giảm xuống còn 5% vào năm 2022 từ mức 30% vào năm 2000. Khối này đã chuyển vị thế từ nhà xuất khẩu hóa chất trở thành nhà nhập khẩu ròng hóa chất.
Các yêu cầu công bố thông tin khí hậu phức tạp
Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của Nghị viện châu Âu, có khoảng 8.000 đạo luật đã được thông qua. Trong đó, có nhiều đạo luật liên quan đến bảo vệ môi trường.
Các chỉ thị liên quan đến công bố thông tin khí hậu của EU rất phức tạp, tạo ra ngành tư vấn mới về báo cáo ESG. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2029, doanh thu phần mềm báo cáo ESG ở EU dự kiến tăng gấp đôi, lên 2,1 tỉ đô la.
Chỉ thị Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) buộc các công ty ở EU phải cung cấp hơn 1.000 điểm dữ liệu về mọi thứ, từ mức tiêu thụ nước đến tính đa dạng của thành phần hội đồng quản trị trong chuỗi cung ứng.
Chỉ thị thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) yêu cầu kế hoạch chuyển đổi xanh chi tiết, khiến doanh nghiệp có nguy cơ bị kiện nếu chuỗi cung ứng không tuân thủ chính sách ESG. Đối với những công ty có hàng trăm nhà cung cấp toàn cầu thì việc tuân thủ chỉ thị này sẽ “rất phức tạp”, theo Sophie Tuson, người đứng đầu bộ phận môi trường tại hãng RPC (Anh).
Mỹ cũng ban hành rất nhiều quy định bảo vệ môi trường nhưng khung pháp lý ESG tổng thể của nước này vẫn lỏng lẻo nếu so với chiều rộng và chiều sâu của các quy định ESG ở EU, đặc biệt là về khía cạnh công bố thông tin.
Ngoài ra, phong trào chống ESG đang phát triển mạnh ở Mỹ. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông sẽ ủng hộ tăng cường đầu tư khai thác dầu khí và giảm bớt gánh nặng tuân thủ pháp lý cho các nhà sản xuất dầu khí.
Chi phí tuân thủ chính sách ESG đang tăng cao ở châu Âu. Olga Smirnova, giám đốc kiểm toán nội bộ của Heineken cho biết, số tiền mà nhà sản xuất bia của Hà Lan chi cho báo cáo ESG đang tăng lên theo cấp số nhân.
Châu Âu không còn sự lựa chọn nào khác
Các quan chức châu Âu thừa nhận vấn đề khi hàng loạt quy định phức tạp về ESG được ban hành nhanh chóng từ năm 2019. Tuy nhiên, đây là biện pháp cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và đa dạng sinh học.
“Rõ ràng là có những khó khăn ngắn hạn vì chính sách ESG đòi hỏi một số nỗ lực nhưng lợi ích đang bắt đầu xuất hiện. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để đơn giản hóa và làm cho mọi thứ hoạt động hiệu quả”, Helena Vines Fiestas, chủ tịch Nền tảng tài chính bền vững của EU nói.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ chính sách ESG nghiêm ngặt của EU. Eric Pedersen, người đứng đầu bộ phận đầu tư có trách nhiệm của công ty quản lý tài sản Nordea Asset Management (Đan Mạch) cảnh báo, nếu không thu hẹp đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, tác động của biến đối khí hậu sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đến lúc đó, hiệu suất tuyệt đối của các danh mục đầu tư lớn sẽ suy giảm.
Một số ngân hàng lớn nhất châu Âu đang loại bỏ rủi ro ESG trong sổ sách cho vay. BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất EU, đang hạn chế cho vay đối với mảng nhiên liệu hóa thạch. Hồi tháng 5, Stichting PensioensFonds ABP (Hà Lan), quỹ hưu trí lớn nhất châu Âu trị giá 550 tỉ đô la, tiết lộ đã thoái vốn khỏi các tài sản dầu, khí đốt và than có tính thanh khoản cao. Quỹ này dự định bán thêm 4,8 tỉ đô la tài sản nhiên liệu hóa thạch kém thanh khoản.
Harmen van Wijnen, Chủ tịch của Stichting PensioensFonds ABP nhấn mạnh, quỹ này chỉ đầu tư vào các công ty đang trên lộ trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và các công ty không gây hại cho khí hậu hoặc đa dạng sinh học.
EU dường như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thắt chắt chính sách ESG để đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
Theo Bloomberg