Thứ Bảy, 14/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đối mặt với nỗi sợ nghe điện thoại

Nguyệt Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Kè kè điện thoại bên mình không rời một giây phút nào nhưng nhiều người lại không thoải mái khi phải nghe – gọi điện thoại trong công việc, thậm chí có cảm giác sợ các cuộc gọi đến, đặc biệt là từ cấp trên.

Ảnh: Nikkei Asia

Bối rối, tim đập chân run, và lúng túng không biết phản ứng thế nào là những biểu hiện mỗi khi Đ.T., một nhân viên văn phòng (sinh năm 1998) tại quận 1, TPHCM, gặp phải mỗi khi nhận được cuộc điện thoại bất ngờ, nhất là từ cấp trên.

“Thường thì em hay tốn thời gian suy nghĩ là nên nói gì, hỏi gì trước khi gọi điện thoại cho ai đó. Bởi vậy, em khá ngại ngùng khi nhận cuộc gọi bất ngờ, vì không biết sẽ nói gì, sắp xếp câu chữ ra sao”, Đ.T. chia sẻ và cho rằng bản thân mình cảm thấy thoải mái khi nhắn tin và viết e-mail hơn.

Nỗi sợ không của riêng ai

Không phải ai cũng thích nói chuyện qua điện thoại. Tuy nhiên, theo chuyên trang tư vấn sức khỏe tinh thần Verywell Mind, việc né tránh, trì hoãn việc nghe gọi điện thoại, ám ảnh về những gì đã nói sau khi gọi điện là những triệu chứng phổ biến của hội chứng sợ nghe điện thoại.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters, có đến 59% số người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Gen Y (sinh trong khoảng 1981-1996) và Gen Z (1997-2012) cho biết họ muốn giao tiếp qua e-mail và tin nhắn tại nơi làm việc hơn là nghe gọi điện thoại. Khoảng 50% số người thuộc Gen Z và Y cảm thấy không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi điện thoại trong công việc. Trong khi đó, chỉ có khoảng 16% người trẻ cho rằng gọi điện thoại giúp tiết kiệm thời gian và 14% hay dùng phương thức này để trao đổi công việc.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Dịu Hiền, nhà sáng lập May Psychology, có nhiều nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này, bao gồm sự thiếu tự tin trong giao tiếp, như sợ bị đánh giá, lo ngại không kịp suy nghĩ dẫn đến trả lời không chuẩn xác, sợ giọng nói địa phương khó nghe hoặc cách diễn đạt lủng củng, cũng như cảm thấy khó xử khi phải từ chối lời đề nghị hay yêu cầu của người ở đầu dây bên kia. Điều này có thể bắt nguồn từ việc thế hệ trẻ lệ thuộc nhiều vào các nền tảng trò chuyện trực tuyến.

Nỗi sợ và sự e ngại trong giao tiếp qua điện thoại có thể gây ra nhiều khó khăn trong công việc, như làm chậm tiến độ, không cập nhật thông tin kịp thời, lỡ mất một cơ hội làm việc và cản trở sự thăng tiến của không ít các bạn trẻ.

M.T. sinh năm 1992, thư ký giám đốc của một công ty kinh doanh thiết bị y tế tại quận 11, chia sẻ rằng áp lực công việc và sự căng thẳng kéo dài từ việc phải liên tục nhận cuộc gọi từ khách hàng khiến cô nhiều lần muốn xin chuyển công tác hoặc nhờ đồng nghiệp xử lý thay. Đ.T. cũng cảm thấy bất tiện khi không tiếp cận được thông tin kịp thời qua các cuộc gọi và gặp áp lực khi phải dành nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị cho những cuộc trao đổi qua điện thoại.

Thực tế, việc né tránh nghe gọi điện thoại cũng gây không ít phiền toái cho đồng nghiệp và cấp trên, nhất là khi có việc gấp cần trao đổi.

Có thể cải thiện dần dần

Tình trạng sợ và ngại ngần khi nghe gọi điện thoại không dễ khắc phục, nhưng có thể cải thiện dần dần.

Theo chuyên gia tâm lý Dịu Hiền, người trẻ có thể dần vượt qua nỗi sợ khi nghe điện thoại bằng cách áp dụng liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT). Liệu pháp này khuyến khích việc tập đối diện với các cuộc gọi và trả lời chúng từng chút một mỗi ngày, giúp dần dần làm quen và mạnh mẽ hơn khi đối mặt với tình huống này. CBT dựa trên nguyên tắc rằng suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác thể chất và hành động của con người đều có sự kết nối chặt chẽ, và những suy nghĩ cũng như cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Mục tiêu của CBT là giúp thay đổi tâm lý theo hướng tích cực bằng cách chia nhỏ các vấn đề thành từng phần và giải quyết chúng tuần tự từ dễ đến khó.

Nhiều người vượt qua nỗi sợ khi nghe điện thoại bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng, tập sắp xếp câu chữ trong đầu trước khi thực hiện cuộc gọi, và dần dần đối mặt với nỗi lo lắng của bản thân.

Một cách khác là bạn có thể lập danh sách những người mà bạn sợ nghe gọi điện thoại, xếp hạng họ theo mức độ lo sợ từ thấp đến cao. Sau đó, hãy bắt đầu bằng việc trả lời cuộc gọi từ những người mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, để làm quen dần, rồi tiến tới những cuộc gọi khó khăn hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới