Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sách vở ích gì cho buổi ấy(*)

Nữ Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sách vở tuy nhập cuộc sau, nhưng cũng không đứng ngoài xu thế chung về kinh doanh trực tuyến. Nhiều công ty sách đã tổ chức livestream bán sách, bước đầu gặt hái được kết quả khả quan. Tuy nhiên, livestream bán sách có phải là “tương lai” của ngành này hay không vẫn là điều còn bỏ ngỏ.

Một buổi livestream bán sách. Ảnh: Chụp màn hình

Còn nhớ hồi đại dịch Covid-19, câu hỏi sách vở có phải mặt hàng thiết yếu trong thời buổi giãn cách, khi mọi công dân phải hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan dịch bệnh cũng đã gây ra những tranh luận trên các trang mạng xã hội. Dịch Covid-19 đã qua, nay đã gần hết quí 3-2024, tính thiết yếu của sách như một mặt hàng được ưu tiên mua lại hiển hiện nhưng lần này đang ở phía quyết định của người tiêu dùng một phần do kinh tế khó khăn.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của toàn xã hội, trong đó có hình thức mua sắm. Sự thay đổi thói quen này tác động rất lớn đến các nhà sách truyền thống, nhất là các nhà sách độc lập. Không ít nhà sách dưới áp lực của chi phí mặt bằng đã chọn dời địa điểm, đóng cửa hoặc chỉ duy trì hình thức bán trực tuyến.

“Xoay xở” với thị trường sách quanh năm bình lặng

Sự nở rộ của kinh doanh trực tuyến với phương thức tiếp thị và bán sản phẩm livestream cũng đã giúp mở ra cho các nhà sách một hướng tiếp cận mới với khách hàng là các độc giả. Nhiều công ty sách đã tổ chức livestream bán sách, bước đầu gặt hái được kết quả khả quan. Tuy nhiên, livestream bán sách có phải hướng phát triển tương lai của ngành này hay không vẫn còn là điều bỏ ngỏ.

Người kinh doanh đang sống trong một thời đại thay đổi không ngừng đòi hỏi phải thích nghi. Sách vở tuy cũng là một sản phẩm nhưng là một sản phẩm đặc thù, không phải hình thức bán hàng nào cũng phù hợp. Người livestream bán sách không chỉ tiếp thị sản phẩm mà trước nhất phải là một độc giả, có kiến thức nhất định về sách vở.

Còn nhớ cách đây vài năm, các hội sách lớn nhỏ thường được coi là điểm nhấn của ngành xuất bản. Các đầu sách hay thường được tập trung cho các ngày hội sách, các mức chiết khấu tốt cho độc giả cũng tung ra vào dịp này, thậm chí là cơ hội tìm được các đầu sách đã vắng bóng trên thị trường.

Nhưng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các phiên livestream bán sách, với các “ngày sale” diễn ra trong tháng, cùng các mã giảm giá hấp dẫn, trên thực tế, độc giả có thể mua sách với mức ưu đãi hấp dẫn quanh năm. Điều này góp phần làm cho các hội sách hạ nhiệt, không còn thu hút người dự như trước.

Sau dịch Covid-19, độc giả háo hức đón chờ một loạt đầu sách hay xuất bản, một phần do sự đình trệ dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên có một thực tế, dù số lượng đầu sách tăng, sự xuất hiện nhiều công ty tư nhân mới gia nhập thị trường sách. Nhưng đa phần bản in của mỗi đầu sách hiện nay không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm.

Nếu cách nay vài năm, trung bình mỗi đầu sách in lần đầu là 2.000 bản thì giờ đây có thể là 1.500, 1.000, thậm chí 800, 500 bản in với những đầu sách mới. Thời gian tiêu thụ kéo dài, những điểm rơi truyền thông chóng qua khiến cho một đầu sách dễ chìm nghỉm trong thời đại thông tin bùng nổ và thay đổi xu hướng nhanh chóng như hiện nay.

Tuy vậy, sách vở không phải sản phẩm nhất thời mà hướng đến những giá trị bền vững, lâu dài. Và thi thoảng vẫn có những tín hiệu an ủi người làm xuất bản. Trong năm 2024, không phải thiếu vắng các hiện tượng xuất bản. Đơn cử như cuốn Chia sẻ từ trái tim của tác giả Thích Pháp Hòa. Theo thông tin từ giới truyền thông, chỉ sau hai ngày phát hành vào giữa năm 2024, cuốn sách đã bán được 10.000 và in thêm 20.000 bản. Đây là số bản in đáng nể ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Dẫu thiết yếu hay chăng…

Khi mà mọi gia đình đang cần nhiều khoản để chi tiêu, tính toán hơn trong lúc kinh tế khó khăn, câu hỏi ở đầu bài viết lần nữa lại vang lên, sách vở thiết yếu đến mức nào trong cuộc sống của chúng ta hôm nay? Chẳng đợi đến hôm nay, hơn trăm năm trước, cụ Nguyễn Khuyến đã than thở: Sách vở ích gì cho buổi ấy.

Có một sự thật, nếu phải chọn lựa giữa những ưu tiên, chi tiêu cho đời sống tinh thần thường được xếp sau. Sách vở, phim ảnh, kịch nghệ… là những loại hình ảnh hưởng không nhỏ khi kinh tế mọi người kém dư dả hơn trước. Nhưng kinh tế khó khăn không phải “tội nhân” của sách.

Thời gian vừa qua, “văn hóa đọc” là cụm từ được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhiều hoạt động để khuyến khích sự đọc được tổ chức trong nước. Ngày 21-4 hàng năm được chọn làm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Nhưng để cải thiện tình hình trung bình mỗi người đọc một cuốn sách hàng năm hiện nay quả là còn một chặng đường dài.

Không chỉ sách vở mà điện ảnh, âm nhạc ngày nay cũng phải “chiến đấu” với những nội dung ngắn trên các mạng xã hội. Thói quen nghe nhìn nhanh chiếm ưu thế hơn so với văn hóa đọc và hơn hết, những nội dung này có thể vô thưởng vô phạt nhưng được nghe xem… miễn phí. Trong khi vấn đề đau đầu của nhiều đơn vị làm sách hiện nay là cân bằng được chi phí sản xuất với việc thu hút thêm nhiều bạn đọc. Nhất là các bạn học sinh, sinh viên, những đối tượng cần được ưu tiên trong công cuộc khuyến khích đọc sách ở nước ta.

Chia sẻ với Kinh tế Sài Gòn, một vài giảng viên đại học đều đồng thuận sinh viên và cả thư viện ngày nay chưa biết khai thác hết lợi thế của hệ thống thư viện.

Trong khi đáng lẽ ra, thư viện phải đóng vai trò lớn trong việc chia sẻ kiến thức, cũng như kết nối các độc giả với nhau. Với học sinh sinh viên, thậm chí công nhân viên chức bình thường, thư viện phải là nơi đầu tiên tìm đến khi muốn tiếp cận với các đầu sách. Thư viện cần đóng vai trò không nhỏ trong các hoạt động liên quan đến đời sống sách vở.

Cùng với đó là những giải thưởng văn học mới trải qua ba mùa giải, như Giải thưởng văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM dành cho học sinh, sinh viên. Hay cuộc thi văn học Sáng tác mới San Hô lần thứ nhất vừa hết thời hạn nhận tác phẩm dự thi vào tháng 8-2024… Những cuộc thi này bên cạnh vai trò tìm kiếm, khuyến khích những tài năng văn chương mới, tác giả trẻ, còn giúp thu hút sự quan tâm của độc giả dành cho văn học quốc nội, vốn hiện nay có phần lép vế trước các tác phẩm nước ngoài.

Trong cuộc giao lưu với nhà văn và độc giả Việt Nam hồi tháng 7-2024 ở TPHCM, nhà văn Hàn Quốc Choi Eun Young cho biết tình hình xuất bản ở nước này trong thời gian qua cũng gặp khó khăn, số bản in giảm. Tuy nhiên, việc các tác giả Hàn Quốc bán trung bình vài trăm ngàn bản in mỗi đầu sách là điều không hiếm.

Chị cũng cho biết, độc giả Hàn Quốc quan tâm nhiều đến các tác phẩm trong nước. Làm được điều này là nhờ Hàn Quốc xây dựng được một nền công nghiệp xuất bản chuyên nghiệp. Chưa kể các chính sách hỗ trợ, quảng bá văn học Hàn Quốc thông qua các quỹ dịch thuật khiến cho số lượng tác phẩm văn học Hàn phổ biến đến quốc tế nhiều hơn, văn học Hàn trở nên có tiếng nói, giúp độc giả nước ngoài hình dung được một diện mạo văn học Hàn Quốc đương đại.

Trong khi chờ đợi những chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa từ Nhà nước, có những đơn vị làm sách nội địa âm thầm rút lui khỏi thị trường hoặc hoạt động cầm chừng và có những đơn vị làm sách mới ra đời. Những người làm xuất bản tiếp tục mày mò để thúc đẩy một thị trường bình lặng bất chấp xuân hạ thu đông đến rồi đi. Và những cuốn sách vẫn tiếp tục được in ra, mặc ai còn bận tranh cãi về tính thiết yếu của sách, về văn hóa đọc ra làm sao.

(*) Tựa bài đặt theo một câu trong bài thơ Ngày xuân dạy các con của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới