(KTSG Online) - Bối cảnh kinh tế thế giới khó đoán định cùng những thiệt hại do thiên tai, đòi hỏi các cơ quan điều hành phải sớm có giải pháp phục hồi và nâng cao "sức khỏe" doanh nghiệp. Đây là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu nếu muốn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% năm 2024.
- Hỗ trợ doanh nghiệp sau bão lũ: Cần nhanh và thiết thực cho nhịp phục hồi
- Agribank giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão số 3
Nền kinh tế chịu thiệt hại lớn sau bão Yagi
Bão số 3 (Yagi) đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Bắc những ngày đầu tháng 9-2024 gây thiệt hại sơ bộ khoảng 40.000 tỉ đồng tài sản của người dân, doanh nghiệp. Hải Phòng, một trong hai địa phương bị bão “càn quét”, chịu thiệt hại 10.820 tỉ đồng - bằng 1/10 tổng thu ngân sách địa phương năm 2023. Địa phương còn lại là Quảng Ninh chịu thiệt hại khoảng 23.770 tỉ đồng.
Bộ KHĐT dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản đưa ra cuối quý 2-2023 là 6,8-7%. Còn GRDP các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, trước bão số 3, nhiều dự báo cho rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 6,5-6,7% với kịch bản tích cực. Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn rất nhiều rủi ro do phụ thuộc vào cầu bên ngoài - là yếu tố khó kiểm soát, còn khu vực trong nước vẫn còn nhiều khó khăn với số doanh nghiệp rút lui chênh lệch không nhiều so với số gia nhập thị trường, thì những thiệt hại do bão chắc chắn sẽ tác động mạnh đến kinh tế cuối năm.
“Ngoài số người thiệt mạng, đằng sau đấy là tài sản nguồn lực để cho sản xuất kinh doanh bị mất trắng. Rõ nhất là nông nghiệp hoa màu, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất công nghiệp ở nhiều vùng, kho bãi, hệ thống giao thông vận tải bị tàn phá”, ông Thành nêu rõ.
Còn TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo, doanh nghiệp có nhà xưởng đặt tại các KCN ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên… sẽ khiến mất nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn hoạt động, qua đó làm chậm tiến độ sản xuất và giao hàng trong ngắn hạn.
Về dài hạn, việc các cơ quan chức năng hạn chế các phương tiện vận tải, để rà soát lại một số cây cầu, tuyến đường có nguy cơ mất an toàn, sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng tạm thời với doanh nghiệp hoạt động tại các KCN miền Bắc. Yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong bối cảnh những tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm sản xuất và xuất khẩu.
“Cơn bão này không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà cả Thái Lan, Lào và một loạt tỉnh của Trung Quốc. Điều này có thể gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu, dẫn đến tăng chi phí cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Việt lo lắng.
Với lĩnh vực nông nghiệp, chuyên gia của VEPR dự báo, hoạt động xuất khẩu sẽ chịu nhiều ảnh hưởng khi các nguồn cung, nuôi trồng thủy hải sản, trái cây vào đều thiệt hại nặng.
“Tăng trưởng hàng năm của lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 2-3%, nhưng tạo ra sinh kế bền vững cho các hộ gia nghèo và cận nghèo. Việc nhiều gia đình, làng, xã tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão và hoàn lưu rơi vào cảnh toàn bộ hoa màu, không chỉ tác động đến kinh tế, mà còn tác động đến đời sống xã hội”, ông Việt nhấn mạnh.
Với lĩnh vực ngành du lịch, khách du lịch trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam được dự báo sẽ sụt giảm và không đạt kỳ vọng, ít nhất trong 1-2 tháng tới. Từ đó, ảnh hưởng tới các dịch vụ bán buôn và bán lẻ tại thị trường trong nước.
Xác định động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm
Bên cạnh ưu tiên phục hồi hoạt động doanh nghiệp sau bão, các chuyên gia cho rằng thúc đẩy xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng những tháng cuối năm, nếu muốn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5-7% cả năm.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện kinh tế - tài chính (Học viện Tài chính) đánh giá, xuất khẩu là một trong những động lực phục hồi chính của kinh tế Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024, thể hiện qua con số tăng trưởng xuất khẩu ở mức 15,8%. Kết quả này là nhờ sự phục hồi cầu tiêu dùng tại một số thị trường như Mỹ và châu Âu, cùng bất ổn chính trị tại một số quốc gia, dẫn tới đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam.
Việc Fed giảm lãi suất điều hành cũng sẽ tạo ảnh hưởng phần nào về tỷ giá, giúp những doanh nghiệp vay nợ nhiều như sản xuất, xuất khẩu giảm bớt áp lực tài chính. Đồng thời, ngân hàng có thêm dư địa để hạ lãi suất, giúp kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu. Theo đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực trong 3-6 tháng tới.
Tuy nhiên, ông Độ cũng lưu ý rủi ro lớn nhất đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam là việc kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong giai đoạn cuối 2024 - đầu 2025. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI - hai động lực phục hồi chính từ quí 2-2024, sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc và châu Âu tăng trưởng chậm cũng là một rủi ro không nhỏ, bởi đây là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hơn nữa, các khu vực này cũng xuất khẩu mạnh vào Mỹ nên nếu kinh tế Mỹ bị suy thoái, kinh tế các nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể.
Với bối cảnh trên, ông Độ cho rằng, cơ quan quản lý cần tính đến việc ban hành các chính sách về trợ cấp xã hội đối với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu bị sụt giảm mạnh do suy thoái kinh tế toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy nhu cầu trong nước qua việc tăng mức giảm trừ gia cảnh với người chịu thuế TNCN.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công cần tiếp tục được đẩy mạnh. “Trong trường hợp môi trường vĩ mô toàn cầu xấu đi, có thể cân nhắc thêm các gói đầu tư công khác, trong đó ưu tiên cho cơ sở hạ tầng của các vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt và bão Yagi vừa qua”, ông Độ lưu ý.
Tương tự, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, mong muốn các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hiện nay, khối lượng cần giải ngân trong năm 2024 còn lớn và đây là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão số 3 và sửa chữa hạ tầng ở các vùng bị ảnh hưởng, nhằm nối lại giao thông liên lạc, cũng như hỗ trợ phục hồi sản xuất.
“Cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp ở những vùng bị bão lũ để đảm bảo an sinh cho người lao động. Đồng thời, đảm bảo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể quay lại sản xuất nhanh nhất, thực hiện tốt các đơn hàng đã ký cũng như các đơn hàng xuất khẩu", ông Thịnh nhận định.