Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc tìm lối thoát cho bất đồng với EU về vấn đề xe điện

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm lối thoát cho những căng thẳng thương mại với EU liên quan đến vấn đề xe điện. Trong khi giới chức cấp cao đang tiến hành đàm phán, nhiều hãng xe điện Trung Quốc đã bắt đầu dịch chuyển hoạt động sản xuất tới châu Âu.

Những nhà máy ô tô Trung Quốc tại châu Âu

Tại Hungary, thành phố Szeged rợp bóng cây, được biết đến với những đại lộ rộng lớn, một trường đại học lâu đời và những biệt thự màu vàng nhạt lộng lẫy gần biên giới với Serbia. Thành phố cổ kính này không có vẻ gì là một địa điểm quan trọng cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô châu Âu.

Nhưng chính tại đây, trên một công trường xây dựng rộng gần 300 héc ta, các máy xúc đã bắt đầu chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy lắp ráp đầu tiên tại châu Âu của nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc - BYD.

Yếu tố thời gian là rất quan trọng, bởi vào ngày 30-10, Liên minh châu Âu (EU) sẽ quyết định xem có nên tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào khối hay không. Bên cạnh mức thuế 10% hiện tại, các mức thuế bổ sung sẽ dao động từ 9-35,3% và có hiệu lực trong vòng năm năm. Mức thuế này thấp hơn đáng kể so với mức thuế 100% mà Mỹ và Canada áp đặt, nhưng vẫn là rào cản lớn đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang háo hức thâm nhập thị trường châu Âu.

BYD đã tìm cách nâng cao vị thế của mình tại châu Âu khi hợp tác với các nhà phân phối trên 19 quốc gia để cung cấp các mẫu xe điện và xe hybrid. Hãng cũng đã đóng vai trò là nhà tài trợ cho giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO 2024) vừa diễn ra trong mùa hè vừa qua tại Đức.

“Họ có những kế hoạch rất tham vọng”, ông Sandor Nagy, Phó thị trưởng phụ trách phát triển đô thị tại Szeged, cho biết về nhà máy của BYD, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm tới. “Và rõ ràng là họ có động lực rất lớn trước nguy cơ bị áp thuế”.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác, với mong muốn thuyết phục người tiêu dùng châu Âu rằng những chiếc xe của họ có thể mang lại trải nghiệm lái rất thú vị và giá cả phải chăng hơn so với các mẫu xe do các công ty châu Âu sản xuất, cũng đang tìm cách né tránh thuế quan.

Hãng xe Chery hồi tháng 4 thông báo, sẽ ​​hợp tác với đối tác Ebro EV Motors sản xuất xe điện tại Barcelona (Tây Ban Nha). Hồi tháng 5, một hãng xe Trung Quốc khác là Leapmotor cũng cho biết sẽ hợp tác với Stellantis, công ty sở hữu các thương hiệu châu Âu bao gồm Peugeot, Fiat và Opel và bắt đầu sản xuất xe điện tại châu Âu vào mùa thu năm nay.

Zhejiang Geely Holding, công ty đã mua lại hãng sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo Cars hồi năm 2010, cũng đang tìm kiếm một địa điểm sản xuất khả thi tại châu Âu. Công ty này sở hữu thương hiệu Polestar, có trụ sở tại Thụy Điển, nhưng sản xuất xe tại Trung Quốc. Đầu năm nay, Zhejiang Geely đã bắt đầu sản xuất một mẫu xe SUV tại một nhà máy ở Nam Carolina (Mỹ), và dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường châu Âu.

Các nỗ lực đàm phán EU - Trung Quốc

Các động thái thâm nhập vào châu Âu đang được đẩy mạnh trong bối cảnh các cuộc thảo luận về thuế quan giữa Trung Quốc và EU đang bước vào giai đoạn quan trọng. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào vừa có chuyến thăm và làm việc ở châu Âu, trong đó bao gồm cuộc họp hôm 19-9 tại Brussels với ông Valdis Dombrovskis, Ủy viên Thương mại của EU.

Cuộc gặp đã không mang lại đột phá vì những bất đồng vẫn tồn tại, tuy nhiên, hai bên đều tuyên bố sẽ tăng cường đàm phán. Brussels sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc một cơ hội mới để thiết lập mức giá tối thiểu cho sản phẩm của họ. Phía Bắc Kinh cũng khẳng định “sẽ tiếp tục đàm phán cho tới phút chót”.

Các quan chức EU hiện vẫn đánh giá Trung Quốc là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp ô tô, vốn đóng góp gần 7% sản lượng kinh tế của châu Âu. Các thương hiệu Trung Quốc chiếm 3,7% tổng số xe điện được bán ra tại châu Âu trong năm 2023, tăng vọt so với mức 0,4% thị phần hồi năm 2019, và dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng có lợi cho cả hai bên

Giới phân tích tin rằng việc các công ty ô tô Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất đến gần thị trường châu Âu hơn sẽ có lợi cho cả hai bên. Ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ có thêm việc làm và tiếp cận được các công nghệ tiên tiến, trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tiết kiệm được chi phí thuế quan và vận chuyển.

Ông Jacob F. Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng việc cung cấp xe cho thị trường ô tô toàn cầu từ các nhà máy ở Trung Quốc là hợp lý đối với doanh nghiệp, xét trên khía cạnh lợi nhuận”.

Hồi tháng 7, BYD cho biết sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp tại Thổ Nhĩ Kỳ, và bắt đầu sản xuất ô tô điện, xe hybrid từ năm 2026. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên của EU, nhưng với các hiệp định thương mại giữa hai bên, đồng nghĩa với việc ô tô được sản xuất tại nước này sẽ không phải chịu thuế quan khi vào EU.

Với dự án tại Szeged, BYD đang hướng tới mục tiêu tăng cường sản xuất trong vài năm tới, tạo ra hàng ngàn việc làm mới. Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực đưa ô tô của hãng vào thị trường châu Âu, bất chấp nhu cầu của thị trường này gần đây đang giảm mạnh.

Tại Đức - thị trường ô tô lớn nhất của châu Âu, tình hình khó khăn hơn khi người tiêu dùng Đức vốn trung thành sâu sắc với các thương hiệu bản địa. Bên cạnh đó, việc Berlin đột ngột cắt giảm trợ cấp cho người mua xe điện đã khiến số xe điện đăng ký mới trong bảy tháng đầu năm nay giảm gần 37% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn cản các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cố gắng giành chỗ đứng tại Đức. Mới đây, một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã trưng bày những mẫu xe mới nhất của họ tại một hội chợ thương mại ở Frankfurt.

“Ngay cả khi một số người ở châu Âu quay lưng với chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ quay lưng lại với thị trường châu Âu”, Victor Yang, Phó chủ tịch cấp cao của Geely, chia sẻ với các phóng viên tại hội chợ.

Sự quan tâm đối với châu Âu không chỉ đến từ các nhà sản xuất ô tô. Maarten Otte, giám đốc phụ trách quan hệ với nhà đầu tư khu vực Trung và Đông Âu tại CTP, một công ty bất động sản công nghiệp và hậu cần, cho biết trong vài năm qua, ngày càng có nhiều nhà cung cấp Trung Quốc tìm cách thiết lập chuỗi cung ứng tại châu Âu.

Ông cũng cho biết các nhà sản xuất ô tô như BMW phụ thuộc vào các bộ phận do các công ty Trung Quốc sản xuất đang lo ngại về vấn đề chi phí và rủi ro liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài. Các doanh nghiệp này đang tìm cách làm cho chuỗi cung ứng của họ trở nên hợp lý và an toàn hơn.

“Họ đã nói với các nhà cung cấp Trung Quốc rằng, nếu bạn muốn sản xuất cho thị trường của chúng tôi, bạn cần phải thiết lập nhà máy ở châu Âu”, ông Otte nói, đồng thời nhận xét thêm rằng sự kết hợp giữa nguồn lao động lành nghề với mức lương tương đối thấp và nguồn đất chưa phát triển sẵn có đã khiến các quốc gia ở Trung và Đông Âu trở nên đặc biệt hấp dẫn với các doanh nghiệp muốn đầu tư.

Nhiều nước EU không muốn căng thẳng leo thang

Một số nhà phân tích đã chỉ ra sự tương đồng giữa tình hình đang diễn ra ở châu Âu và cách tiếp cận của Washington đối với Toyota và Honda, khiến các thương hiệu Nhật Bản mạnh tay đầu tư vào việc sản xuất ô tô tại Mỹ trong thập niên 1980.

Nhưng bất chấp những diễn biến chuyển đổi mối quan hệ từ hợp tác sang cạnh tranh, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Âu, sau Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương trị giá 739 tỉ euro, hay 814 tỉ đô la Mỹ, trong năm 2023.

Chuyên gia Kirkegaard của Viện Peterson cho biết: “Tất cả những điều này kết hợp lại tạo nên một tâm lý chính trị chung, trong đó cách tiếp cận của Mỹ dựa trên an ninh quốc gia chắc chắn không phải là cách tiếp cận được mong muốn ở châu Âu”.

Điều này đặc biệt đúng ở Đức, nơi các nhà sản xuất ô tô đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc và lo sợ căng thẳng thương mại gia tăng có thể gây nguy hiểm cho lợi ích của họ tại Trung Quốc, từ đó dẫn tới quan điểm phản đối thuế quan. Tại Hungary, Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cũng đưa ra cam kết ưu đãi để hỗ trợ dự án của BYD.

Và trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Pedro Sánchez của Tây Ban Nha - nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai châu Âu - cũng đã thúc giục giới chức EU xem xét lại lập trường của mình khi lập luận rằng việc theo đuổi thuế quan sẽ gây hại.

Nguồn: New York Times, Reuters, Euro News, CNN Business

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới