(KTSG) - Tình trạng khó khăn của Volkswagen nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất của Đức nói chung đang làm dấy lên những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
- Vingroup bổ nhiệm nguyên Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ - ông Michael Lohscheller làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu
- Cuộc chuyển đổi chiến lược sang xe điện của Volkswagen
Cú sốc của Volkswagen và ngành công nghiệp ô tô Đức
Những cảnh báo mới đây của Volkswagen về kế hoạch cắt giảm việc làm và khả năng phải đóng cửa dây chuyền sản xuất tại thị trường nội địa lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của hãng đã gây chấn động khắp nước Đức.
Nhà sản xuất ô tô này hiện đang đối mặt với áp lực phải tiết kiệm được khoảng 10 tỉ euro chi phí trong ba năm tới. Theo các nhà phân tích tại Jefferies, Volkswagen có thể buộc phải thông qua quyết định đóng cửa các cơ sở sản xuất mà không cần sự chấp thuận của hội đồng giám sát ngay trong năm nay, mở đường cho việc cắt giảm hơn 15.000 việc làm.
Một tên tuổi lớn khác của ngành công nghiệp ô tô Đức là BMW cũng đang vật lộn với khó khăn. Hãng sản xuất ô tô có trụ sở tại Munich mới đây đã phải hạ mục tiêu doanh số và lợi nhuận của năm tài chính 2024 này, chủ yếu là bởi khoản chi phí lớn mà hãng phải bỏ ra để giải quyết vụ thu hồi 1,5 triệu xe bị lỗi hệ thống phanh trên toàn thế giới.
Các vụ việc của Volkswagen và BMW càng làm gia tăng những lo ngại về triển vọng của ngành công nghiệp ô tô Đức vốn chiếm khoảng 5% GDP và đóng góp hơn 800.000 việc làm cho nền kinh tế. Các báo cáo mới nhất đều cho thấy ngành công nghiệp quan trọng này đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc, quốc gia được coi là dẫn đầu về xe điện.
Tình trạng khó khăn của ngành sản xuất công nghiệp Đức
Những khó khăn của các nhà sản xuất ô tô có thể được coi là một phần trong những thách thức to lớn mà nền kinh tế trị giá 4.200 tỉ euro của Đức đang phải đối mặt. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng năng lượng - đặc biệt là do việc mất đi nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ từ Nga, và sự suy giảm lợi thế cạnh tranh, đã gây tổn hại đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo cơ quan thống kê quốc gia Đức Destatis, nền kinh tế nước này đã suy giảm 0,3% trong năm 2023. Ba viện kinh tế hàng đầu đã dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ không tăng trưởng trong năm nay.
Ông Timo Wollmershaeuser, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Viện Ifo, đánh giá nền kinh tế Đức đang thực sự gặp khủng hoảng về mặt cấu trúc. Ông cho biết “có quá ít hoạt động đầu tư đang được thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và năng suất đã trì trệ trong nhiều năm”.
Các diễn biến này đang làm dấy lên câu hỏi: liệu có phải những ngày tháng huy hoàng của ngành công nghiệp Đức đang dần khép lại? Cú sốc của Volkswagen cùng với những tín hiệu tiêu cực về các gã khổng lồ công nghiệp khác của Đức, bao gồm BASF, Siemens và ThyssenKrupp đã góp phần thúc đẩy nhận định cho rằng, những ngày tươi đẹp nhất của các nhà sản xuất Đức đã trôi qua và sự suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Các diễn biến này đang làm dấy lên câu hỏi: liệu có phải những ngày tháng huy hoàng của ngành công nghiệp Đức đang dần khép lại? Cú sốc của Volkswagen cùng với những tín hiệu tiêu cực về các gã khổng lồ công nghiệp khác của Đức, bao gồm BASF, Siemens và ThyssenKrupp đã góp phần thúc đẩy nhận định cho rằng, những ngày tươi đẹp nhất của các nhà sản xuất Đức đã trôi qua và sự suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
“Sự việc của Volkswagen chắc chắn là triệu chứng của tình trạng bất ổn chung trong toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất của Đức, chứ không phải chỉ là một trường hợp cá biệt”, Franziska Palmas - chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Capital Economics có trụ sở tại London, cho biết.
Đáng chú ý là ngành sản xuất của Đức hiện chiếm gần 20% GDP của nền kinh tế, cao hơn nhiều so với mức gần 10% của Mỹ, và một số quốc gia châu Âu khác như Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Tại Trung Quốc, ngành sản xuất có tỷ trọng cao hơn, chiếm gần 30% GDP, nhưng lại nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ mạnh mẽ hơn nhiều so với Đức. Các chuyên gia đánh giá, sự phụ thuộc lớn vào ngành sản xuất đang suy yếu của Đức có thể là gánh nặng cho nền kinh tế số một châu Âu trong những năm tới.
Những yếu tố ngăn cản cải cách
Nỗi đau hiện tại là lời nhắc nhở về tình trạng kinh tế khó khăn của Đức vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi đất nước này bị ví von là “Bệnh nhân của châu Âu”. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 1-2024, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đã lên tiếng bác bỏ quan điểm này và cho rằng Đức thực chất chỉ là một “người mệt mỏi” cần “một tách cà phê ngon” từ các cải cách cơ cấu.
Tuy nhiên, việc thực hiện những cải cách như vậy lại là điều không hề dễ dàng. Bà Sudha David Wilp, Giám đốc văn phòng Berlin của Tổ chức tư vấn German Marshall Fund, cho rằng những rắc rối mà nước Đức đang gặp phải là kết quả từ sự ngập ngừng của nhiều chính phủ liên tiếp trong việc thúc đẩy các cải cách có thể gây ra những đau đớn trong ngắn hạn, nhưng là cần thiết để duy trì sức cạnh tranh của ngành công nghiệp Đức.
Và hiển nhiên, chiến lược trì hoãn này không thể ngăn cản một thực tế là sự cạnh tranh từ các đối thủ có mức chi phí thấp hơn đang ngày càng làm giảm thị phần của Đức trong chiếc bánh kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các vấn đề địa chính trị ngày càng tồi tệ hơn giữa phương Tây, Nga và Trung Quốc cũng đang đe dọa đẩy lùi quá trình toàn cầu hóa - trong đó Đức là một trong những nước hưởng lợi lớn.
Đức cần thay đổi trước khi quá muộn
“Thế giới đang thay đổi và động lực tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng đang thay đổi”, chuyên gia Brzeski của ING, nhận định. “Các vấn đề của Volkswagen nên là lời cảnh tỉnh cuối cùng để các nhà hoạch định chính sách của Đức bắt đầu đầu tư và cải cách để nền kinh tế một lần nữa trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư”.
Tốc độ triển khai những cải cách này vẫn chưa chắc chắn vì chính sách phanh nợ của Đức - hạn chế thâm hụt ngân sách cơ cấu hàng năm ở mức 0,35% GDP khiến dư địa cho các biện pháp kích thích tài khóa không còn nhiều.
Tuy vậy, bất chấp những tín hiệu tiêu cực, Đức hiện vẫn là địa điểm quan trọng cho các khoản đầu tư quốc tế. Trong 18 tháng qua, những công ty như Google, Microsoft, Eli Lily, Amazon và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã công bố các kế hoạch chi tiêu lớn tại quốc gia này.
Berlin đã dành riêng khoản trợ cấp khoảng 20 tỉ euro để thúc đẩy ngành bán dẫn trong nước, đặc biệt là ở miền Đông nước Đức, hỗ trợ các khoản đầu tư của các nhà sản xuất chip TSMC và Intel.
Nguồn: DW, AP News, Reuters, OMFIF