Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo vệ nhà cổ cần tính đầy đủ giá trị văn hóa, lịch sử

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuối tuần qua, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã có động thái mới sau khi dư luận lên tiếng về việc cần bảo tồn căn biệt thự tròn 100 tuổi trước một dự án mở đường cắt ngang một nửa căn nhà. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát thực địa căn biệt thự trăm tuổi này theo hướng bảo tồn thay cho phương án giải tỏa.

Biệt thự cổ này được Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh xây dựng vào năm 1922 và hoàn thành năm 1924, tức vừa tròn 100 tuổi, nằm tại khu phố 5, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Toàn bộ nguyên vật liệu xây dựng tòa biệt thự này đều được mang từ Pháp về.

Theo thiết kế, tuyến đường ven sông Đồng Nai ở thành phố Biên Hòa sẽ phóng thẳng vào và cắt mất khoảng 9 mét chiều dài của ngôi nhà cổ này. Điều này đồng nghĩa với việc xóa sổ toàn bộ ngôi biệt thự trăm tuổi này vì với kết cấu của tòa nhà không cho phép tháo dỡ chỉ một phần và giữ phần còn lại của ngôi biệt thự như đối với nhà phố thông thường. Sau khi dư luận lên tiếng, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng của thành phố Biên Hòa đã khảo sát thực tế vị trí biệt thự bị ảnh hưởng.

Tương tự như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở tỉnh Đồng Tháp được đưa vào cảnh trong bộ phim nổi tiếng của Pháp “Người Tình” (L’Amant) hồi năm 1991, bộ phim nổi tiếng một thời “Người đẹp Tây Đô” của Việt Nam năm 1996 đã chọn ngôi biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh làm bối cảnh chính trong phim.

Với tuổi đời trăm năm và cấu trúc còn được giữ khá nguyên vẹn, biệt thự cổ Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, đặc biệt là dấu ấn kiến trúc Pháp tại Việt Nam.

Thế nhưng, theo bảng chiết tính giá bồi thường để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Biên Hòa, cơ quan chức năng định giá bồi thường ngôi biệt thự cổ này số tiền gần 5,4 tỉ đồng(*). Tất nhiên những quy định tính toán này không sai nhưng việc xem giá trị căn nhà cổ này cũng như bao căn nhà khác dựa trên diện tích đất mà bỏ qua các giá trị khác về văn hóa, kiến trúc, lịch sử thì rõ ràng là chưa thấu tình đạt lý.

Cũng liên quan đến kiến trúc Pháp, mới đây bạn của người viết bài này chuyển đến thành phố Nice (Pháp) sinh sống. Bạn này được người dân địa phương khuyên nên đi tham quan khu phố cổ và nhấn mạnh đến sự tương đồng về kiến trúc với Việt Nam trước đây.

Điều tạo ấn tượng mạnh nhất sau chuyến tham quan là với các điều kiện tương đồng về khí hậu, người Pháp đã bảo tồn rất tốt các ngôi nhà và biệt thự cổ. Nhiều tòa nhà hàng trăm năm tuổi hiện vẫn được bảo trì đều đặn và sử dụng bình thường, trong đó có cả một số văn phòng do các cơ quan của chính quyền địa phương quản lý.

Nice là thành phố du lịch hàng đầu của Pháp nên giá cả nhà đất ở đây rất đắt đỏ, nhưng không vì vậy mà chính quyền thành phố xóa bỏ những tòa nhà cổ vốn có vẻ chiếm dụng rất lãng phí “đất vàng” để xây cao ốc. Thay vào đó, các tòa nhà cổ đều được bảo trì, bảo dưỡng để tiếp tục sử dụng, tạo nên nét văn hóa rất đặc trưng thu hút du khách từ khắp thế giới.

Trở lại ngôi biệt thự trăm năm tuổi ở Đồng Nai, việc đập bỏ tòa nhà không chỉ là tháo dỡ một ngôi nhà như bao ngôi nhà khác mà đó là việc xóa đi những ký ức đẹp mà nhiều thế hệ người dân Biên Hòa lưu giữ. Thay vì đập bỏ, tại sao không điều chỉnh thiết kế, nắn tuyến đường ven sông và giữ lại ngôi nhà, giúp bảo tồn và phát triển các giá trị di sản trên địa bàn Biên Hòa vốn mang đậm nhiều dấu ấn lịch sử Nam Bộ?

(*) https://tuoitre.vn/du-luan-len-tieng-dong-nai-khao-sat-lai-viec-di-doi-biet-thu-tram-tuoi-20240922092108643.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhà cổ/ di tích cổ mang trong mình 3 giá trị: Lịch sử/ Văn hóa/ Kiến trúc. Nhà cũ, đôi khi cũng bị nhầm là nhà cổ, nếu không làm rõ những căn cứ này. Cách bảo tồn của ta lâu nay đôi khi chỉ là bảo tồn về phần xác, chưa quan tâm lắm về phần hồn của di tích. Thời thế, mỗi ngày mỗi thay đổi. Vì vậy, nếu không tôn tạo phần hồn, thì nhà cổ/ di tích cổ dễ lẫn lộn hoặc đắm chìm vào thế giới vật chất, rất nhanh bị lãng quên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới