(KTSG Online) - Với cam kết trở thành thương hiệu du lịch xanh, TTC Hospitality đã xây dựng lộ trình và đang không ngừng nỗ lực từng bước hoàn thiện để đạt được mục tiêu xanh qua những yếu tố cốt lõi: môi trường xanh, nhân sự xanh và sản phẩm xanh. Định hướng này không chỉ nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên mà còn đảm bảo sự phát triển lâu dài và hài hòa giữa hoạt động kinh doanh và môi trường.
- Deloitte Việt Nam trên hành trình thực hiện CSR hướng đến giáo dục và hải quân
- AIH phẫu thuật miễn phí cho nhiều trẻ dị tật cơ xương khớp
Môi trường xanh
Năm 2024, TTC Hospitality đã chủ động triển khai hệ thống hóa các hoạt động môi trường tại tất cả các đơn vị kinh doanh thuộc tập đoàn. Phong trào Green Day diễn ra định kỳ hàng tháng, đã trở thành nền tảng cho hàng loạt hoạt động như trồng cây, dọn dẹp bãi biển, bờ sông và vệ sinh không gian làm việc. Các hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ và làm đẹp cảnh quan mà còn tạo ra môi trường sống xanh, trong lành cho du khách và nhân viên. Đặc biệt, chỉ riêng hoạt động trồng cây gây rừng trong quí 2-2024, TTC Hospitality đã trồng thêm gần 100.000 cây xanh, một cột mốc quan trọng cho việc phát triển không gian xanh.
Các khu du lịch nổi bật như TTC World - Thung lũng Tình yêu và TTC World - Tà Cú là những ví dụ tiêu biểu cho nỗ lực xanh hóa của TTC Hospitality. Thung lũng Tình yêu đã trồng hơn 2.000 cây mai anh đào và 2.000 cây thông ba lá, nâng tổng số cây xanh tại khu du lịch lên trên 300.000 cây. Đây không chỉ là bước tiến lớn trong việc bảo vệ môi trường mà còn đóng góp vào cảnh quan sinh thái của thành phố Đà Lạt, đồng hành mục tiêu trồng 3,8 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 của địa phương.
Tại TTC World - Tà Cú, vào năm 2024, hơn 60.000 cây hoa kiểng và cây ăn trái đã được trồng mới, giúp tăng cường cảnh quan xanh cho khu du lịch. TTC Mekong Aqua Park sau một năm thành lập cũng đã phủ xanh gần như toàn bộ khuôn viên với thảm cỏ và vườn hoa, tạo nên không gian thiên nhiên hấp dẫn cho du khách.
Tính đến năm 2022, tổng diện tích không gian xanh của các Đơn vị kinh doanh đạt 280,5 ngàn mét vuông và tổng diện tích rừng lên đến trên 2 triệu mét vuông. Mục tiêu đến năm 2025, TTC Hospitality sẽ trồng thêm 120.000 cây xanh.
Bên cạnh yếu tố không gian xanh, thì tòa nhà xanh cũng được TTC Hospitality chú trọng thông qua phát triển các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan và hệ thống cơ bản nhằm giảm mức sử dụng năng lượng, hạn chế ô nhiễm ánh sáng và không khí cũng như tiết kiệm nước.
Cụ thể, các Đơn vị kinh doanh có đủ không gian đều được TTC Hospitality khuyến khích triển khai lắp hệ thống pin mặt trời và sẽ bắt buộc thực hiện trong tương lai. Theo cam kết, đến năm 2025, 70% các đơn vị kinh doanh TTC Hospitality đều lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời.
Riêng tại TTC Van Phong Bay Resort, khu nghỉ dưỡng đã áp dụng mô hình tòa nhà xanh với các lớp kính lùi vào bên trong, giúp giảm bức xạ nhiệt và không đòi hỏi kiểm soát chỉ số thông gió CO, CO2. Ngoài ra, hệ thống nước được thiết kế với áp suất vừa đủ và các thiết bị có chức năng tiết kiệm nước, hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời và có hầm chứa nước sau khi xử lý được tận dụng lại để tưới cây và làm đẹp cho cảnh quan khu vực. Theo kế hoạch, TTC Van Phong Bay Resort sẽ là đơn vị đầu tiên của TTC Hospitality đạt chứng chỉ EDGE - Hệ thống chứng nhận công trình xanh.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược xanh của TTC Hospitality là giảm thiểu và tiến tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa. Kể từ năm 2018, các sản phẩm tiện ích đóng gói tại các khách sạn, nhà hàng thuộc TTC Hospitality đã được chuyển từ nhựa sang vật liệu thân thiện hơn như giấy kraft. Từ năm 2019, các đơn vị kinh doanh đã tích cực thay thế ống hút nhựa và hộp đựng đồ ăn, thức uống bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo kế hoạch đến năm 2025, 50% các đơn vị kinh doanh của TTC sẽ loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa dùng một lần và con số này sẽ đạt 100% vào năm 2030.
Nhân sự xanh
TTC Hospitality chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực bền vững, đặt con người làm trung tâm cho sự phát triển dài hạn. Chiến lược Nhân sự Xanh không chỉ tập trung vào năng lực và kỹ năng chuyên môn mà còn chú trọng đến trách nhiệm đối với xã hội và môi trường.
TTC Hospitality đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo nội bộ, đảm bảo mỗi nhân viên đều hoàn thành tối thiểu 4 giờ đào tạo mỗi tháng. Đến năm 2025, dự kiến số giờ đào tạo đạt 8.000 giờ. Ngoài ra, TTC Hospitality còn thường xuyên tổ chức chương trình Staff Gathering hàng quý, với sự tham gia của 100% nhân sự, tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật những chính sách mới.
Trong quy trình tuyển dụng, TTC Hospitality luôn tuân thủ nguyên tắc công bằng, không phân biệt lý lịch và tạo cơ hội cho các ứng viên có tâm huyết và kỹ năng phù hợp. Đồng thời, TTC Hospitality còn hỗ trợ sinh viên ngành du lịch thông qua các chương trình thực tập, giúp họ tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, số giờ thiện nguyện năm 2025 của TTC Hospitality cũng dự tính đạt hơn 2.000 giờ thông qua các chương trình có sự tham gia và đóng góp của toàn thể CBNV như Áo trắng yêu thương cùng em đến trường, TTC Nâng bước thành công, hiến máu tình nguyện Niềm vui từ lòng nhân ái, Gieo mầm yêu thương.
Năm 2023, TTC Hospitality được vinh danh là Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành du lịch, phản ánh những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc xây dựng một đội ngũ nhân sự vừa có năng lực chuyên môn cao vừa có tinh thần trách nhiệm với xã hội.
Sản phẩm xanh
TTC Hospitality luôn đặt yếu tố “sản phẩm xanh” làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh, với mong muốn kết hợp bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Tại TTC Resort - Ninh Thuận, nét văn hóa Chăm đặc sắc được tích hợp vào từng khía cạnh của khu nghỉ dưỡng, từ thiết kế lấy cảm hứng từ những tháp Chăm cổ kính đến các món ăn truyền thống. Du khách khi đến đây không chỉ tận hưởng không gian xanh, mà còn có cơ hội khám phá những giá trị văn hóa quý báu của người Chăm. Khu nghỉ dưỡng không chỉ chú trọng vào trải nghiệm văn hóa mà còn đóng góp tích cực cho môi trường. Nhiều cây xanh được trồng mới, cảnh quan tự nhiên được giữ gìn, góp phần bảo vệ hệ sinh thái địa phương.
Tại TTC Imperial Hotel, TTC Hospitality đã bảo tồn và tôn tạo nét kiến trúc cung đình Huế, đồng thời đưa món “Cơm vua” cùng các màn biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế - di sản văn hóa phi vật thể - vào phục vụ khách du lịch.
Với khu du lịch Thung lũng Tình yêu, sân khấu Cồng Chiêng nơi đây sáng đèn hàng đêm mang lại những màn trình diễn cồng chiêng, những câu chuyện kể về người đồng bào dân tộc K’Ho, giúp khách du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương một cách sâu sắc.
Những sản phẩm xanh của TTC Hospitality không chỉ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du lịch mà còn thể hiện cam kết bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa, xã hội và môi trường. Với chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột “Môi trường xanh – Nhân sự xanh – Sản phẩm xanh”, TTC Hospitality đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc kết hợp kinh doanh với trách nhiệm xã hội. Những nỗ lực này không chỉ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng một nền du lịch thân thiện với môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.