Thứ Bảy, 28/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao ngân hàng Việt khó ‘nên duyên’ với nhà đầu tư ngoại?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều ngân hàng mong muốn sớm tìm được nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) để bán cổ phần, qua đó gia tăng quy mô và củng cố hệ số an toàn vốn (CAR). Tuy nhiên, những vướng mắc về pháp lý và chiến lược đầu tư khiến không ít kế hoạch bán vốn bị chậm lại.

Gập gềnh đường tăng vốn

Tại hội nghị nhà đầu tư diễn ra đầu năm 2024, đại diện HDBank từng thông tin việc ban lãnh đạo ngân hàng đã thông qua chủ trương thành lập văn phòng đại diện tại Seoul (Hàn Quốc), như một phần trong chiến lược mở rộng quan hệ quốc tế đối với các định chế tài chính, tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài. Ngân hàng cũng dành khoảng 10% “room” ngoại (tỷ lệ sở hữu của NĐTNN) để phát hành cổ phiếu khi tìm được tối tác phù hợp.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank cho biết, ngân hàng đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Do đó, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và HDBank tìm được những đối tác phù hợp.

HDBank là một trong số ít ngân hàng lớn chưa lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài. Ảnh: T.L

Tương tự, Techcombank cũng duy trì “room” ngoại ở mức 22% và dành phần còn lại cho một đối tác chiến lược. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, VPBank từng thành công với thương vụ phát hành cổ phiếu cho SMBC nên Techcombank cũng tìm kiếm một cơ hội như vậy.

“Techcombank cũng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Bởi thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, mang lại lợi ích chung cho các cổ đông”, ông Hùng Anh nói và kỳ vọng khi thị trường thuận lợi hơn thì sẽ gặp được phù hợp.

Bên cạnh ba ngân hàng trên, LPBank, SHB, BIDV và Vietcombank đều có kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho NĐTNN. Điều này không chỉ phản ảnh nhu cầu gia tăng vốn cấp 1 để củng cố hệ số CAR mà còn thể hiện mong muốn mở rộng mạng lưới quốc tế, tiếp cận kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quản trị tiên tiến. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư không hề dễ.

Với SHB, “room” ngoại của ngân hàng chỉ ở mức gần 7% trong nhiều năm nên việc tìm kiếm một cổ đông chiến lược nắm giữ 15% vốn là điều được cổ đông ngân hàng đề xuất nhiều năm nay. Thế nhưng ông, Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB thừa nhận, đa phần các đối tác mà ngân hàng tiếp túc chỉ muốn đầu tư tài chính, đồng hành trong khoảng 3-5 năm. Trong khi đó, chiến lược của ngân hàng là chọn đối tác có thể đi cùng trong dài hạn 15-20 năm, tham gia việc quản trị, điều hành, công nghệ.

“Ngân hàng trước nay được xem là cô gái đẹp, có rất nhiều chàng trai, từ nhiều quốc gia, muốn kết hôn. Tuy nhiên, SHB luôn giữ quan điểm thận trọng vì muốn tìm đối tác chung thủy, có thể đi cùng ngân hàng trong dài hạn” ông Hiển nói và cho biết sẽ hạ tiêu chuẩn khi đàm phán với một số tổ chức lớn.

Từ góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học kinh tế TPHCM đánh giá, việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của các ngân hàng thương mại có thể sẽ khó thực hiện trong năm nay vì thị trường vốn toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ.

“Lượng vốn khan hiếm nên các nhà đầu tư hết sức cân nhắc cơ hội đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn từ thị trường mới nổi về thị trường phát triển, đặc biệt khi các thị trường phát triển có mức lãi suất khá cao”, ông nói.

Theo đó, quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông ngoại tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam cũng là rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến nhà đầu tư chỉ có thể sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của một ngân hàng, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Với yêu cầu xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thuộc EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam – theo quy định tại Hiệp định EVFTA, chuyên gia này cho rằng sẽ khó triển khai do vấp phải chiến lược bán vốn nhỏ giọt của các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm nhiều hơn tới bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, bởi trường hợp SCB và một số ngân hàng chịu sự kiểm soát đặc biệt đã cho thấy, có nhiều ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, rủi ro.

Làm gì để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Lợi ích các ngân hàng thương mại Việt Nam nhận lại từ việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài là không hề nhỏ. Chẳng hạn, VPBank nhận về khoảng 35.900 tỉ đồng vốn cấp 1, qua đó nâng tổng vốn chủ sở hữu lên xấp xỉ 140.000 tỉ đồng, sau thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho SMBC.

Điều này cho phép ngân hàng có đủ sức mạnh tài chính để nâng cao sản phẩm, dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lớn và FDI.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Tuy nhiên, để các kế hoạch hợp tác diễn ra thành công, bà Uri Juliana Lee, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) thuộc Deustche Bank cho rằng, cần có cơ chế chia sẻ thông tin về quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, qua đó tạo điều kiện để NĐTNN có đánh giá khách quan về thị trường tài chính Việt Nam. Sự chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý với các tổ chức đầu tư sẽ hỗ trợ thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Về pháp lý, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital Việt Nam nhìn nhận, rào cản lớn nhất đối là mức sở hữu tối đa 30% cho NĐTNN tại một ngân hàng Việt Nam. Trong khi đó, không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên “room” ngoại, bởi hầu hết nhà băng đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cơ quan quản quản lý cần xem xét nới “room” để thu hút vốn ngoại vào ngân hàng.

Trong khi đó, bà Angela Yang, Phó tổng giám đốc, tư vấn tài chính doanh nghiệp thuộc PwC Việt Nam xác định, một trong những thách thức lớn với các ngân hàng Việt Nam hiện nay là việc nâng cao tính minh bạch và chất lượng quản trị, yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các NĐTNN. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần lưu ý một số tiêu chí quan trọng thường được các nhà đầu tư đánh giá kỹ lưỡng, gồm sự phù hợp về chiến lược phát triển, vị thế trong ngành, tiềm năng tăng trưởng, hiệu quả hoạt động, các yếu tố quản trị như tính minh bạch và chất lượng quản lý.

Với việc thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị), đại diện PwC Việt Nam đánh giá đây là một điểm cộng, giúp các ngân hàng tăng khả năng thu hút NĐTNN. Theo kết quả khảo sát của PwC, khoảng 50% các ngân hàng thương mại đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và hơn 80% đã tiến hành đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới